"Nhóm nghiên cứu thường thông minh hơn cả một nhà khoa học tài ba"

Sự hình thành các nhóm nghiên cứu (NNC) trong các trường đại học như một lẽ tự nhiên và tất yếu. Chính vì vậy, danh tiếng của các trường đại học lớn trên thế giới thường được gắn với tầm vóc các công trình khoa học và tên tuổi của các nhà khoa học lớn.

Nhà khoa học muốn phát triển được ý tưởng khoa học, xây dựng được trường phái học thuật của mình hoặc giải quyết được một vấn đề khoa học liên ngành phải thiết lập được nhóm cộng sự và học trò, tức là phải xây dựng được NNC.

Ngày nay, hoạt động nghiên cứu khoa học ngày càng mang tính tập thể và mang tính liên ngành. Hình thái tổ chức nhóm nghiên cứu đã ngày càng trở thành chiếm ưu thế.

Các thống kê cho thấy một sự thật là "nhóm nghiên cứu thường thông minh hơn cả một nhà khoa học tài ba", đặc biệt trong bối cảnh khoa học phát triển như hiện nay, nhiều vấn đề nghiên cứu mang tính liên ngành và xuyên ngành mà nếu như chỉ một nhà nghiên cứu đơn độc thì không thể giải quyết được.

Đặc biệt trong cơ sở giáo dục đại học, NNC còn là môi trường và mô hình để gắn kết đào tạo với nghiên cứu. Thông qua NNC tăng cường công bố quốc tế, nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo tiến sĩ, nâng cao chất lượng đội ngũ.

Các NNC làm nên những trường phái khoa học của các trường đại học. Việc xây dựng và phát triển các NNC trong trường đại học vừa là phương thức, vừa là mục tiêu phát triển của các trường đại học trên thế giới.

Phòng nghiên cứu của Đại học Quốc gia Hà Nội

Các nhóm nghiên cứu điển hình trên thế giới

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc các NNC thường được lập dưới dạng 1 tổ chức phòng thí nghiệm (PTN - Lab) do 1 giáo sư đứng đầu. Dưới GS là các PGS, TS trẻ, NCS, HVCH và sinh viên.

Kinh phí được cấp chủ yếu cho trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và cấp học bổng cho NCS (trong đó có việc thu hút NCS người nước ngoài). Với 1 NNC từ 5-10 NCS và công bố từ 8-10 bài báo ISI, kinh phí từ ngân sách nhà nước được cấp hằng năm tối thiểu từ 1,5-3 triệu $.

Bên cạnh đó, các PTN, các NNC còn gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và nhận các tài trợ nghiên cứu từ doanh nghiệp. Thậm chí các doanh nghiệp còn lập các PTN tại doanh nghiệp và mời các giáo sư đứng đầu các NNC làm trưởng PTN của các doanh nghiệp và khoản kinh phí cho 1 NNC mạnh thường ở mức 3-10 triệu $/năm tùy lĩnh vực nghiên cứu.

Bên cạnh các hướng nghiên cứu mà NNC đang tiến hành, Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc còn ưu tiên đầu tư thành lập các NNC mới để phát triển các hướng nghiên cứu mới, hiện đại được Nhà nước ưu tiên. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, khi các giáo sư trưởng NNC, trưởng PTN nghỉ hưu, nếu không có người kế cận cũng là lúc PTN giải thể, NNC giải thể.

Nga: Trường Đại học tổng hợp Moscow (MGU) có hệ thống tổ chức điển hình cho một đại học hiện đại, Trường phân thành các khoa, dưới khoa là các bộ môn và trong bộ môn là các nhóm nghiên cứu mạnh do các GS đầu ngành xây dựng và dẫn dắt.

Ngoài các nhóm nghiên cứu mạnh trong bộ môn, còn có các nhóm nghiên cứu mạnh liên bộ môn, liên khoa, tạo nên một hệ thống nghiên cứu khoa học rất vững mạnh của Trường.

Hà Lan: Các trường đại học cũng được tổ chức theo các đơn vị nghiên cứu là các viện nghiên cứu – với các nhóm nghiên cứu mạnh - nơi tiến hành các hoạt động nghiên cứu khoa học và đào tạo sau đại học.

Điều hành các hoạt động đào tạo là bộ phận quản lý chương trình và giáo vụ mà không có cán bộ giảng dạy cơ hữu, lực lượng nghiên cứu khoa học và tham gia đào tạo chính là các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu mạnh trong các viện, phòng thí nghiệm của Trường.

Đức: Trường Đại học Ruhr - Bochum (RUB) cũng có tổ chức tương tự, dưới trường là các khoa, dưới khoa là các viện, trong viện là các nhóm nghiên cứu mạnh do các Giáo sư lãnh đạo. Chương trình đào tạo chung, các môn học cơ bản và cơ sở của hệ đại học do khoa quản lý, nhưng người giảng dạy là các cán bộ đầu ngành của các viện.

Đào tạo sau đại học thực hiện gần như hoàn toàn ở các viện. Khi làm luận văn, luận án tốt nghiệp, học viên cao học/nghiên cứu sinh làm ở các viện, thường là tham gia vào nhóm nghiên cứu và thực hiện các đề tài của Giáo sư.

 Các NNC còn thường được thành lập khi có dự án, thường do 1 giáo sự đứng đầu và thu hút các thành viên khác tham gia NNC (kể cả các giáo sư khác cũng như sinh viên) để thực hiện Dự án. Ở Đức hiện chỉ có khoảng 50 NNC mạnh như vậy. Kết quả làm việc của NNC phụ thuộc vào việc dự án được đánh giá tốt hay không.

Việc đánh giá được thực hiện hàng năm để, nếu kết quả không tốt, NNC giải thể. Và thường thủ tục đánh giá kết quả rất gọn nhẹ, thường chỉ 2-3 trang, đặc biệt công bố kết quả nghiên cứu trên tạp chí ISI là tiêu chí đánh giá căn bản, quan trọng nhất của chính phủ đối với kết quả nghiên cứu cấp cho trường đại học và viện nghiên cứu. Tiền đầu tư tăng hay giảm sẽ phụ thuộc việc có công bố  ISI nhiều hay không.

Khi xin một dự án, chủ nhiệm đề án phải kèm danh sách các công bố trên tạp chí ISI. Với các công bố này, chỉ số h-index rất được coi trọng, xem như thể hiện nghiên cứu được công nhận trong giới khoa học.

Hoa Kỳ: Tại Trường Đại học Texas (TU), hoạt động nghiên cứu và đào tạo sau đại học cũng diễn ra tại các viện nghiên cứu, phòng thí nghiệm do các Giáo sư phụ trách - đồng thời cũng là các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh.

Nghiên cứu sinh, thực tập sinh sau tiến sĩ từ các quốc gia trên thế giới khi được nhận vào học tại các viện nghiên cứu, trong khoảng 06 tháng đầu sẽ làm việc với các nhóm nghiên cứu mạnh, được làm quen với các nhóm nghiên cứu mạnh hoạt động chuyên môn khác nhau của hướng nghiên cứu, trên cơ sở đó, lựa chọn hướng chuyên môn thích hợp và quyết định đề tài luận án.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Trung Quốc các NNC thường được lập dưới dạng 1 tổ chức PTN (Lab) do 1 giáo sư đứng đầu. Dưới GS là các PGS, TS trẻ, NCS, HVCH và sinh viên. Kinh phí được cấp chủ yếu cho trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và cấp học bổng cho NCS (trong đó có việc thu hút NCS người nước ngoài). Với 1 NNC từ 5-10 NCS và công bố từ 8-10 bài báo ISI, kinh phí từ ngân sách nhà nước được cấp hằng năm tối thiểu từ 1,5-3 triệu $.

Bên cạnh đó, các PTN, các NNC còn gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và nhận các tài trợ nghiên cứu từ doanh nghiệp. Thậm chí các doanh nghiệp còn lập các PTN tại doanh nghiệp và mời các giáo sư đứng đầu các NNC làm trưởng PTN của các doanh nghiệp và khoản kinh phí cho 1 NNC mạnh thường ở mức 3-10 triệu $/năm tùy lĩnh vực nghiên cứu.

Bên cạnh các hướng nghiên cứu mà NNC đang tiến hành, Chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc còn ưu tiên đầu tư cho các NNC để phát triển các hướng nghiên cứu mới, hiện đại được Nhà nước ưu tiên. Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, khi các giáo sư trưởng NNC, trưởng PTN nghỉ hưu cũng là lúc PTN giải thể, NNC giải thể.

NNC thu hút các nhà khoa học đầu ngành và các nhân tài

Từ kinh nghiệm của các nước cho thấy nhóm nghiên cứu mạnh là một trong những cách để từ đó hình thành nhà khoa học đầu ngành. Nhóm nghiên cứu mạnh là nòng cốt cho việc xây dựng và thực hiện các mũi nhọn nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu cụ thể, mang tính trường phái.

Do vậy, một mặt, nhóm nghiên cứu mạnh vừa là môi trường để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học đầu ngành; mặt khác, nhóm nghiên cứu mạnh cũng chính là nơi để thu hút các nhà khoa học đầu ngành và các nhân tài. Thông qua NNC bồi dưỡng, đào tạo từng cá thể hóa. Chính phủ ở nhiều nước (Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ,...) đã  xây dựng NNC với mục tiêu như vậy.

 Nghiên cứu kinh nghiệm của nước ngoài cũng cho thấy các nhóm nghiên cứu mạnh là hạt nhân phát triển của những Trung tâm nghiên cứu xuất sắc (CoE) trong trường đại học.

Về mặt cấu trúc, các Trung tâm xuất sắc là tổ hợp của các nhóm nghiên cứu mạnh, liên ngành, kết hợp lại một cách linh hoạt, tăng cường trang thiết bị hiện đại nhất để cùng nhau giải quyết những nhiệm vụ trọng điểm tầm quốc gia, quốc tế và tạo ra những kết quả nghiên cứu xuất sắc.

Trong vài thập kỷ gần đây, các Trung tâm nghiên cứu xuất sắc đã rất phát triển trong các trường đại học, kể cả ở các nước có nền khoa học tiên tiến (Mỹ, Nhật, Anh, Úc, Hàn Quốc, Trung Quốc,...) và các nước đang phát triển (Brazil, Saudi Arabia,...). Mỹ là nước đi đầu và có nhiều thành công trong lĩnh vực này. Ví dụ, Viện Richard E.Smalley - Đại học Rice (thành lập năm 1993), được xem là một Trung tâm xuất sắc với sứ mệnh dẫn đầu thế giới về nghiên cứu công nghệ nano.

Đã có hai nhà khoa học (đồng thời cũng là các trưởng nhóm nghiên cứu mạnh) của Viện được nhận giải Nobel về hóa học năm 1996 là R.Smalley và R.Curi. Năm 2005, viện này được tạp chí Small Time bầu là viện nghiên cứu đứng đầu thế giới về công nghệ nano.

Như vậy, từ kinh nghiệm của các nước cho thấy: NNC có vai trò cực kỳ quan trọng trong các trường đại học, từ triển khai nghiên cứu đến đào tạo, cho đến chế thử, kết nối với Nhà nước, doang nghiệp và là cái nôi thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới trong trường đại học.

Vì vậy, một trong những giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo và hiệu quả của các hoạt động nghiên cứu, cũng như nâng cao xếp hạng của trường đại học là phải xây dựng và phát triển được các NNC mạnh, đào tạo được đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ và năng lực nghiên cứu khoa học tốt, có tâm huyết và kinh nghiệm trong nghiên cứu và đào tạo.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - ĐHQGHN