Bộ sách Khoa học tự nhiên dành cho lớp 6 được biên soạn theo chương trình Giáo dục phổ thông mới với sự tích hợp các lĩnh vực khoa học tự nhiên ở cấp Trung học Cơ sở mà ông là Tổng chủ biên kiêm Chủ biên Sách giáo khoa Khoa học Tự nhiên đã mang đến một tài liệu học tập bổ ích, đồng thời khơi gợi cho các em niềm đam mê khám phá thế giới tự nhiên kỳ thú và hấp dẫn.
Bộ sách Khoa học tự nhiên 6 do PGS.TS.NGƯT. Cao Cự Giác làm Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xuất bản đã có 38/63 tỉnh thành sử dụng cho năm học 2021 - 2022
Dạy học là một nghệ thuật
Từng là sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân nhưng nhà giáo Cao Cự Giác lại về trường Đại học Vinh để làm thầy giáo. "Có lẽ bước ngoặt này là sự lựa chọn đúng đắn nhất của tôi. Nghề giáo đã giúp tôi đến gần hơn với học trò và khơi gợi trong tôi niềm say mê nghiên cứu khoa học. Mỗi cuốn sách được nhiều người đón đọc vì những tri thức chất lượng cùng cách diễn đạt dễ hiểu thú vị chính là động lực giúp tôi có thêm năng lượng mỗi ngày", nhà giáo Cao Cự Giác tâm sự.
Với phương pháp dạy học là vận dụng những quy luật khoa học tự nhiên, cách truyền đạt thu hút với nhiều ví dụ sinh động, nhà giáo Cao Cự Giác tạo được cho mình nhiều fan hâm mộ từ những giáo viên hóa học, sinh viên các trường Đại học cho đến học sinh phổ thông trong khắp cả nước. Ông tham gia đào tạo học sinh giỏi cho nhiều trường chuyên, trong đó có nhiều em dành được giải cao trong các kì thi Olympic Hóa học Quốc tế. Ông dành tâm huyết vào công việc tập huấn cho giáo viên ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước và ở nước bạn Lào, giảng các chuyên đề về phương pháp dạy học Hóa học bằng tiếng Anh ở một số trường đại học. Trong nhiều năm, ông đã góp phần đào tạo cho ngành giáo dục Việt Nam hàng trăm Thạc sĩ và Tiến sĩ giỏi có năng lực cùng nhau tiếp tục sự nghiệp trồng người.
Ông không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn dạy cho học trò phương pháp tư duy cũng như hình thành phẩm chất và năng lực người học. Tùy từng đối tượng học trò, ông lại có những nhận định riêng và đưa ra những biện pháp phù hợp, kích hoạt trí não để sinh viên tiếp thu một cách tốt nhất.
Nói về bí quyết dạy học, ông chia sẻ thêm: "Dạy học là nghệ thuật, để tạo đam mê nghề nghiệp phải biến dạy học thành môn thể thao của trí tuệ". Với Hóa học - môn học chẳng mấy hứng thú và có phần khô khan, ông luôn cố gắng biến những kiến thức khoa học thành những liên hệ thiết thực trong cuộc sống, dẫn dắt người học đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác, tạo sức hút kỳ lạ, lôi cuốn sinh viên theo dõi bài học đến hết giờ mà vẫn tiếc nuối. "Cái khó nhất của nghề dạy học là tổ chức bài giảng như một trận cầu trên sân cỏ đầy kịch tính để thu hút các em xa rời các quán game mọc san sát xung quanh trường học", nhà giáo Cao Cự Giác trăn trở.
PGS.TS. Cao Cự Giác vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2021
Sách giáo khoa phải hướng đến người học
Song song với sự nghiệp giảng dạy của nhà giáo Cao Cự Giác là sự nghiệp nghiên cứu khoa học. Ông được mọi người biết đến vì đã viết rất nhiều giáo trình giảng dạy hóa học cho bậc đại học và sau đại học, hàng loạt sách tham khảo dùng cho giáo viên và học sinh học phổ thông. Từ năm 2018, ông bắt đầu chỉ đạo và trực tiếp viết sách giáo khoa môn Khoa học tự nhiên và môn Hóa học cho Bộ Giáo dục và Đào tạo. Riêng sách Khoa học tự nhiên dành cho lớp 6 do ông làm Tổng Chủ biên kiêm Chủ biên của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có 38/63 tỉnh thành lựa chọn làm sách giáo khoa cho năm học 2021 - 2022.
Một trong những nét mới trong bộ sách giáo khoa này là tích hợp cả ba môn Lý, Hóa, Sinh vào một môn học gọi là Khoa học tự nhiên. Là giáo viên môn Hóa học nhưng để tích hợp cả ba môn, bản thân là Tổng chủ biên, nhà giáo Cao Cự Giác cho rằng trước khi viết sách bản thân ông phải làm học trò trước. Ông đặt mình vào vị trí của học trò và tìm hiểu thêm cả môn Lý, Sinh. Tất cả các hiện tượng trong tự nhiên đều được tích hợp dưới dạng ứng dụng. "Sách được viết trên một triết lý nghiên cứu dựa theo quy luật tự nhiên chung cho tất cả các môn khoa học vì vậy thầy cô có thể bám vào đó để triển khai những nội dung cụ thể. Mỗi bài học sẽ có một môn chủ đạo nhưng sẽ có hai môn còn lại khi áp dụng. Mỗi chủ đề sẽ được nâng dần kiến thức lên cao hơn, sâu hơn", nhà giáo Cao Cự Giác chia sẻ.
Điều trăn trở của nhà giáo Cao Cự Giác là sách mới, cần dạy theo kiểu mới. Mỗi môn học đều có đặc thù riêng không thay đổi nhưng tích hợp ở đây có nghĩa là ứng dụng, vận dụng vào cuộc sống. Vì vậy, môn này về lâu dài chỉ cần một giáo viên đứng lớp. Tuy nhiên, thực tế chưa đáp ứng được yêu cầu này nên chủ đề nào thiên về Hóa học giao cho giáo viên đó đứng lớp chính. Hai giáo viên môn Lý, Sinh dự giờ để rút kinh nghiệm, làm học liệu, trợ giảng phục vụ cho môn học; đồng thời tham dự thêm các lớp bồi dưỡng môn tích hợp để nâng cao kiến thức.
Sách giáo khoa đối tượng chủ yếu là người học, vì vậy khi viết sách nhà giáo Cao Cự Giác hướng đến mục tiêu để học sinh chủ động, thầy cô không cần kết luận nội dung bài học. Học sinh thảo luận, làm việc nhóm dưới sự dẫn dắt của giáo viên để tự tìm cho mình nội dung bài học.
Hiện cấu trúc bộ sách giáo khoa này đã được nhà giáo Cao Cự Giác cùng các cộng sự viết đến lớp 12, kiến thức được nâng cao dần lên và cách tiếp cận tuân thủ theo đúng chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Từ kiến thức thực tế, đúc rút từ chính kinh nghiệm giảng dạy, nhà giáo Cao Cự Giác tin tưởng con đường mình đã và đang đi là đúng đắn. Sách giáo khoa là sản phẩm dành cho cả xã hội, sản phẩm của công chúng. Chuyển hướng từ dạy nội dung sang trang bị năng lực cho học sinh là xu hướng giáo dục hiện đại mà các nước tiên tiến trên thế giới đang áp dụng.
Nguồn: TTXVN