Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên; các chuyên gia, nhà khoa học; đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
Về phía Trường Đại học Vinh có TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng; đại diện lãnh đạo các đơn vị có liên quan.


Đại biểu tham dự hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, ThS. Đào Hồng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết: Qua 5 năm triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2020, Luật Giáo dục đã góp phần tạo hành lang pháp lý quan trọng cho sự phát triển của hệ thống giáo dục quốc dân. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một số bất cập, hạn chế cần được tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế như: một số quy định còn mang tính nguyên tắc, thiếu tính cụ thể, gây khó khăn trong công tác hướng dẫn và thực thi ở cơ sở, đặc biệt là trong phân cấp, phân quyền và cơ chế tự chủ của các cơ sở giáo dục; các cấp học của hệ thống giáo dục quốc dân chưa được xác định rõ; hoạt động của Hội đồng trường của trường mầm non, trường phổ thông công lập còn mang tính hình thức; hệ thống chính sách về nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn thiếu đồng bộ, chưa thực sự tạo động lực mạnh mẽ để thu hút, giữ chân và phát triển đội ngũ; quy định về chương trình, sách giáo khoa, tài liệu giáo dục địa phương mặc dù đã có đổi mới nhưng vẫn còn gây tranh luận về tính ổn định, minh bạch trong quy trình thẩm định và lựa chọn...

ThS. Đào Hồng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế phát biểu
Bám sát ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, tập trung sửa đổi, bổ sung một số quy định về hệ thống giáo dục quốc dân; văn bằng, chứng chỉ; phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc; sách giáo khoa giáo dục phổ thông và tài liệu giáo dục địa phương; xác nhận hoàn thành chương trình tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; Hội đồng trường; Nhà giáo; Báo cáo viên; đào tạo nguồn nhà giáo; cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục; chính sách ưu đãi đối với trường dân lập, tư thục; công nhận văn bằng nước ngoài; mục tiêu, nguyên tắc, đối tượng đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục và nội dung quản lý nhà nước về đánh giá chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục.


Đại biểu tham dự hội thảo
Dự thảo bổ sung quy định về Nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, cán bộ quản lý giáo dục. Lược bỏ quy định Chính phủ quy định chi tiết về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân; học sinh được học vượt lớp, học ở độ tuổi cao hơn tuổi quy định; liên kết đào tạo trình độ đại học; điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện được phép hoạt động giáo dục; đình chỉ hoạt động giáo dục; sáp nhập, chia, tách, giải thể nhà trường; một số quy định về thẩm quyền thành lập trường công lập và cho phép thành lập trường dân lập, trường tư thục; Giáo sư, phó giáo sư; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo. Bỏ một số cụm từ để phù hợp với định hướng sửa đổi Hiến pháp và các luật về tổ chức bộ máy; xác định nội dung cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; nội dung phân quyền, phân cấp.

Chủ trì hội thảo
TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh cho biết: việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục là cần thiết, phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo. Trong những năm qua, với vai trò là cơ sở giáo dục đại học lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ, Trường Đại học Vinh đã có nhiều ý kiến đóng góp cho các văn bản dưới Luật để triển khai thực hiện Luật Giáo dục có hiệu quả. Lãnh đạo Trường Đại học Vinh mong muốn khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được ban hành và triển khai sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục tự chủ và phát triển, đặc biệt đối với Trường Đại học Vinh khi mà Nhà trường đang "tập trung đầu tư, phát triển trở thành trung tâm đào tạo uy tín trong khu vực và thế giới" theo tinh thần của các nghị quyết của Bộ Chính trị.

TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh phát biểu
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã trao đổi về các nội dung sửa đổi, bổ sung tại Dự thảo Luật liên quan đến hệ thống giáo dục quốc dân. Đối với đại biểu đến từ các Sở Giáo dục và Đào tạo, đại biểu đã có các tham luận về tổ chức và hoạt động của Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập; công tác kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau THCS; việc quản lý văn bằng, chứng chỉ... Đối với đại biểu đến từ các trường đại học, cao đẳng, đại biểu tham luận và phát biểu về việc thực hiện các quy định pháp luật về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục; tích hợp công nghệ số, AI và nền tảng học tập số trong đào tạo giáo viên; việc thực hiện chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ tiền đóng học phí cho sinh viên; hoạt động nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong trường đại học...





Một số tham luận và phát biểu tại hội thảo

Toàn cảnh hội thảo
Buổi chiều cùng ngày, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội thảo lấy ý kiến xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

ThS. Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế trình bày những nội dung cần lấy ý kiến xây dựng Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 04/2021/NĐ-CP và Nghị định số 127/2021/NĐ-CP
Tại hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về phạm vi các biện pháp khắc phục hậu quả; xác định các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục; đánh giá tính phù hợp của các hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định từ Điều 5 đến Điều 34 của Nghị định; thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định từ Điều 35 đến Điều 39 của Nghị định.



Một số tham luận và phát biểu tại hội thảo

ThS. Nghiêm Thị Hồng Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và ThS. Đinh Minh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính điều hành thảo luận tại hội thảo
TT. ĐHV