Các mô đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT mới cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông giai đoạn 2019 - 2021 nhằm hỗ trợ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông triển khai thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại các cơ sở giáo dục phổ thông; Đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, liên tục, suốt đời của mỗi cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, đáp ứng yêu cầu phát triển giáo dục phổ thông trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. Đồng thời, đây là căn cứ quản lý, chỉ đạo, tổ chức và biên soạn tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông nhằm phát triển năng lực lãnh đạo và quản trị trường phổ thông theo yêu cầu của chuẩn Hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông;
Các mô đun bồi dưỡng thường này áp dụng đối với cán bộ quản lý (Hiệu trưởng/Phó Hiệu trưởng) trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học, trường chuyên, trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, gồm các nội dung bồi dưỡng phát triển năng lực nghề nghiệp để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 áp dụng trong cả nước.
Xin giới thiệu 9 mô đun bồi dưỡng thực hiện Chương trình GDPT mới cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông đối với mỗi cấp học (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) như sau:
Mô đun 1 “Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục trong trường tiểu học/THCS/THPT” gồm 3 nội dung:
1. Hướng dẫn thực hiện Chương trình GDPT 2018 và các yêu cầu, nhiệm vụ của Hiệu trưởng trong quản trị hoạt động dạy học, giáo dục ở trường tiểu học/THCS/THPT;
2. Quản trị hoạt động dạy học, giáo dục nhà trường tiểu học/THCS/THPT (Lập kế hoạch giáo dục nhà trường; tổ chức thực hiện kế hoạch; giám sát, đánh giá, điều chỉnh kế hoạch giáo dục trường tiểu học/THCS/THPT) theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018;
3. Chỉ đạo hoạt động cùa tổ/nhóm chuyên môn trong trường tiểu học/THCS/THPT triển khai Chương trình GDPT 2018.
Mô đun 2 “Quản trị nhân sự trong trường tiểu học/THCS/THPT” gồm 5 nội dung:
1. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông và Chuẩn Hiệu trưởng; Yêu cầu phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý trong trường tiểu học/THCS/THPT theo yêu cầu Chương trình GDPT 2018;
2. Đánh giá thực trạng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong trường tiểu học/THCS/THPT;
3. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên trong trường tiểu học/THCS/THPT;
4. Tạo động lực làm việc, phát triển năng lực nghề nghiệp cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong nhà trường; quản lý, giải quyết mâu thuẫn, xung đột trong nhà trường;
5. Giám sát, đánh giá hoạt động của đội ngũ cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên trong trường tiểu học/THCS/THPT.
Mô đun 3 “Quản trị tài chính trường tiểu học theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình gồm 4 nội dung:
1. Cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập trong giáo dục và các yêu cầu, nhiệm vụ của Hiệu trưởng trường tiểu học/THCS/THPT;
2. Quản trị tài chính trường tiểu học/THCS/THPT theo hướng tăng cường tự chủ và trách nhiệm giải trình, hướng tới nâng cao kết quả giáo dục học sinh;
3. Hoạt động quản trị tài chính trong trường tiểu học/THCS/THPT hướng tới kết quả giáo dục học sinh tốt hơn;
4. Huy động và sử dụng các nguồn tài trợ cho trường tiểu học/THCS/THPT.
Mô đun 4 “Quản trị cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh ở trường tiểu học/THCS/THPT” gồm 4 nội dung:
1. Quy định và yêu cầu về quản lý tài sản, cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh theo Chương trình GDPT 2018 đối với trường tiểu học/THCS/THPT; Vai trò, trách nhiệm của Hiệu trưởng;
2. Đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ của trường tiểu học/THCS/THPT để thực hiện Chương trình GDPT 2018;
3. Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch mua sắm, sửa chữa, bổ sung, tiếp nhận và sử dụng cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ;
4. Tổ chức huy động và sử dụng các nguồn lực cơ sở vật chất, thiết bị và công nghệ trong dạy học, giáo dục học sinh ở trường tiểu học/THCS/THPT.
Mô đun 5 “Quản trị chất lượng giáo dục trường tiểu học/THCS/THPT” gồm 4 nội dung:
1. Giới thiệu Quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục của trường tiểu học/THCS/THPT; vai trò, trách nhiệm của nhà trường trong kiểm định chất lượng giáo dục trường tiểu học/THCS/THPT;
2. Quy trình đánh giá chất lượng giáo dục trường tiểu học/THCS/THPT;
3. Lập kế hoạch xây dựng và phát triển chất lượng giáo dục trường tiểu học/THCS/THPT;
4. Tổ chức tự đánh giá, tham gia đánh giá ngoài và cải tiến chất lượng giáo dục trường tiểu học/THCS/THPT.
Mô đun 6 “Xây dựng văn hóa nhà trường ở trường tiểu học/THCS/THPT” gồm 3 nội dung:
1. Khái quát chung về xây dựng văn hóa nhà trường ở trường tiểu học/THCS/THPT; vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng và các thành viên của nhà trường trong xây dựng văn hóa nhà trường;
2. Tổ chức xây dựng và quảng bá các giá trị cốt lõi của nhà trường, xây dựng niềm tin cho mọi thành viên trong nhà trường vào các giá trị cốt lõi đó;
3. Tổ chức xây dựng, thực hiện và giám sát đánh giá thực hiện kế hoạch xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thân thiện.
Mô đun 7 “Xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường trong trường tiểu học/THCS/THPT” gồm 3 nội dung:
1. Những vấn đề chung về xây dựng trường học an toàn, phòng chống bạo lực học đường trong trường tiểu học/THCS/THPT; vai trò của hiệu trưởng và các thành viên trong nhà trường;
2. Các nguy cơ tiềm ẩn về tình trạng mất an toàn và bạo lực học đường trong trường tiểu học/THCS/THPT;
3. Xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử và an toàn học đường trong trường tiểu học/THCS/THPT.
Mô đun 8 “Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trường tiểu học/THCS/THPT” gồm 3 nội dung:
1. Khái quát về vai trò và lợi ích của sự gắn kết nhà trường và gia đình, xã hội để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh; trách nhiệm của hiệu trưởng và các thành viên;
2. Xây dựng kế hoạch hành động và cam kết phối hợp giữa nhà trường, gia đình và cộng đồng để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong trường tiểu học/THCS/THPT;
3. Thiết lập kênh thông tin và tổ chức các hoạt động giao tiếp 2 chiều giữa học sinh với gia đình và cộng đồng để thực hiện giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh;
Mô đun 9 “Ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản trị trường tiểu học/THCS/THPT” gồm 3 nội dung:
1. Vai trò, tầm quan trọng và xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông (ICT) trong quản trị trường tiểu học/THCS/THPT;
2. Lập kế hoạch hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản trị trường tiểu học/THCS/THPT, gồm một số hoạt động chính sau:
- Phân tích tình ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông của nhà trường;
- Xây dựng các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông của nhà trường như Xây dựng và sử dụng hệ thống cổng thông tin điện tử của nhà trường; triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử (e-office); Xây dựng và khai khác cơ sở dữ liệu tại nhà trường, các phần mềm và hệ thống thông tin của Bộ/Sở/Phòng GDĐT; Ứng dụng CNTT trong đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá học sinh; sử dụng phần mềm quản lý, sổ điện tử trong quản lý và lưu trữ thông tin của nhà trường; Phát triển năng lực CNTT cho GV,NV, sử dụng hệ thống học tập trực tuyến (LMS) và hệ thống quản lí thông tin đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục (TEMIS),…;
- Xác định các điều kiện thực hiện, phân công nhiệm vụ.
3. Tổ chức thực hiện và giám sát, đánh giá hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, truyền thông trong quản trị nhà trường.
BQL ETEP TƯ