Chương trình giáo dục phổ thông mới được Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 2018. Để đi vào cuộc sống, việc tập huấn cần tạo ra cuộc cách mạng trong đổi mới giáo dục, đòi hỏi sự nỗ lực lớn từ bộ, ngành, sở và hệ thống chính trị.

Thứ trưởng GD&ĐT khẳng định, nhân tố quyết định thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới là đội ngũ giáo viên. Vì vậy đội ngũ này cần nắm chắc chương trình phổ thông, biết đổi mới tư duy, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá. 

Việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên cần đảm bảo tiến độ về thời gian để đáp ứng lộ trình triển khai của chương trình giáo dục phổ mới. Theo đó, năm học 2020 - 2021 tới sẽ áp dụng chương trình mới cho tất cả học sinh lớp 1. Năm học 2021 - 2022, chương trình sẽ áp dụng cho lớp 2, lớp 6. Năm học 2022 - 2023, chương trình áp dụng cho lớp 3,7,10 và cuốn chiếu. Đến năm học 2024 - 2025, các lớp sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, việc tập huấn giáo viên sẽ được giao nhiệm vụ cho các trường đại học sư phạm và học viện quản lý giáo dục trọng điểm, có hai điểm mới cốt lõi so với phương thức truyền thống, khắc phục những hạn chế trước đây. Thứ nhất, nội dung chương trình bồi dưỡng được xây dựng bám sát yêu cầu đạt chuẩn nghề nghiệp của giáo viên, hiệu trưởng phổ thông và cán bộ quản lý sở, phòng GD&ĐT. Thứ hai, giáo viên, nội dung tập huấn tập trung vào đổi mới phương pháp dạy, học, kiểm tra đánh giá. Hiệu trưởng tập trung vào quản trị nhà trường. Cán bộ quản lý sở, phòng tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo, quản lý giáo dục.

Việc bồi dưỡng giáo viên trước đây chủ yếu theo cách truyền thụ kiến thức theo một số nội dung có sẵn. Giáo viên cũng muốn được mang cái có sẵn đó về giảng dạy. Tất cả quy trình làm theo cách "cầm tay chỉ việc", rất dễ dàng cho giáo viên và người dạy.

Thứ trưởng GD&ĐT nhấn mạnh việc kết hợp giữa các trường đại học sư phạm với Sở GD&ĐT 63 tỉnh thành dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT trong bồi dưỡng giáo viên sẽ tạo ra sự thống nhất, bài bản.

Đồng thời, những đơn vị, trường đại học, sở GD&ĐT tham gia không nghiêm túc, kém chất lượng trong công tác bồi dưỡng giáo viên, Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản phê bình. Lãnh đạo các trường đại học sẽ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng GD&ĐT về chất lượng giáo viên được bồi dưỡng.

Theo Quyên Quyên (zing)