Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ và Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội khuyến học Việt Nam Phạm Tất Dong chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện Vụ GD&ĐT, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương; Vụ Khoa giáo - Văn xã của Văn phòng Chính phủ; Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; các chuyên gia và lãnh đạo trường đại học, cơ sở GDTX, phòng GDTX của một số Sở GD&ĐT.


Quang cảnh hội thảo

Xã hội học tập ở Việt Nam đã trở thành một sự nghiệp giáo dục

Phát biểu đề dẫn, GS Phạm Tất Dong cho biết, sau 8 năm triển khai, Đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020" đã hoàn thành các nhiệm vụ đúng tiến độ và đạt được một số kết quả quan trọng. Trong đó, kết quả nổi bật nhất là phát triển xã hội học tập ở Việt Nam trở thành một sự nghiệp giáo dục, được đông đảo Bộ, Ban, Ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội từ Trung ương tới địa phương tham gia. Học tập suốt đời được đông đảo tầng lớp nhân dân nhận thức là giải pháp hữu hiệu để có năng lực sống và làm việc trong quốc gia đang từng bước tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và thích ứng với yêu cầu chuyển đổi số quốc gia.

Mô hình xã hội học tập trên địa bàn hành chính cấp xã đã được định hình và đang trên đà phát triển. Các mô hình học tập của người dân ở cấp xã (gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng thôn bản/tổ dân phố học tập… đang phát triển mạnh. Cộng đồng học tập cấp xã theo Thông tư 44/2014/TT-BGD&ĐT đã có mặt ở hầu hết các tỉnh thành. Rất nhiều mô hình học nghề, học chuyên môn nghiệp vụ đã được các tổ chức chính trị xã hội sáng tạo nên thành mô hình học tập đa dạng, cơ động và linh hoạt. Nhiều doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu khoa học đã mở ra các khoá học, lớp học cho người lớn, đặc biệt là khoá học trực tuyến… để phát triển xã hội học tập suốt đời.

GS Phạm Tất Dong cho rằng, việc thực hiện Đề án 89 đã góp phần đổi mới, cấu trúc lại hệ thống giáo dục, đưa giáo dục thường xuyên và việc học tập của người lớn thành một hoạt động có tính chiến lược; tập hợp đông đảo và đồng bộ các lực lượng xã hội, lực lượng kinh tế tham gia xây dựng chương trình học tập suốt đời tại nhiều cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp. Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đồng thuận: Đề án 89 đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp, chính quyền và xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. Công tác phổ cập giáo dục và xoá mù chữ qua đó được củng cố vững chắc với kết quả là cả nước đã hoàn thành xoá mù chữ theo Quyết định 692 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cũng từ việc thực hiện Đề án 89 được tăng cường mạnh mẽ hơn. Mạng lưới cơ sở GDTX được củng cố và phát triển nhanh chóng về số lượng, đa dạng về mô hình, hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của người dân…

Với những thành quả đã đạt được đó, cũng như nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân và thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển xã hội học tập, đại biểu tham dự Hội thảo khẳng định: cần thiết xây dựng và ban hành đề án mới để tiếp tục hình thành và phát triển xã hội học tập giai đoạn 2021-2030.

Xây dựng nền giáo dục số, tạo ra các công dân số

Từ đánh giá những điểm đạt được, điểm còn hạn chế của việc thực hiện Đề án, hội thảo tập trung thảo luận về nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030. Trong đó, cụm từ "giáo dục số", "chuyển đổi số", "công dân số" được nhắc lại nhiều lần, nhấn mạnh đây là nhiệm vụ, mục tiêu mà xã hội học tập ở giai đoạn tới cần đạt được, để đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên số. 

"Một trong những thành quả Đề án cần đạt được trong giai đoạn tới là việc hình thành mô hình công dân học tập có những năng lực cần thiết để xây dựng nền kinh tế tri thức, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao của nền sản xuất kỹ thuật số và hội nhập quốc tế", GS Phạm Tất Dong nói.

Phó chủ tịch thường trực trung ương Hội khuyến học Việt cũng cho rằng, việc xây dựng hệ thống giáo dục mở với những cơ chế, chính sách vận hành và hành lang pháp lý đảm bảo cho mọi công dân được thụ hưởng giáo dục, có được những cơ hội và điều kiện học tập suốt đời; xây dựng hệ thống trường lớp, cơ sở GD&ĐT hoạt động trong môi trường số, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia và hội nhập quốc tế… là thành quả mà xã hội học tập trong giai đoạn tiếp theo phải đạt được.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đắc Hưng - Vụ trưởng Vụ GD&ĐT, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, việc xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn 2021-2030 nếu không đặt nặng vấn đề chuyển đổi số mà tiếp tục như giai đoạn trước là tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thì rất vất vả mới có thể thành công và khó theo kịp sự phát triển của thời đại mới. Xã hội học tập tới đây phải hướng tới mục tiêu tạo ra các công dân số với đầy đủ năng lực, kỹ năng số, phục vụ việc phát triển bản thân và cộng đồng, đất nước. Muốn làm được điều này thì một yếu tố quan trọng cần có là cơ chế chính sách và tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia hỗ trợ đào tạo kỹ năng số cho công dân; huy động trí tuệ và sự đóng góp từ nguồn xã hội hoá để phát triển chuyển đổi số trong GD&ĐT. 

Lắng nghe các ý kiến góp ý, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết: "có rất nhiều điều bổ ích mà Bộ GD&ĐT tiếp thu được từ hội thảo này".

Đề án 89 có 7 nhóm nhiệm vụ được giao cho 4 Bộ ngành; UBND các tỉnh/thành phố; các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp; Hội Khuyến học Việt Nam và các Hội có liên quan. Đây là Đề án cấp Chính phủ nhưng Bộ GD&ĐT được uỷ quyền giao nhiệm vụ chủ trì tổng kết kết qủa thực hiện lộ trình 8 năm triển khai. Từ việc tổng kết này, nhiệm vụ quan trọng, cũng là sản phẩm cuối cùng cần đạt được là xây dựng được Đề án mới về xã hội học tập trong giai đoạn 2021-2030 để phù hợp với bối cảnh và yêu cầu của thời đại mới.

Từ ý kiến của đại biểu, hội thảo thống nhất một trong những mục tiêu quan trọng mà Đề án của giai đoạn 2021-2030 cần hướng tới là xây dựng xã hội học tập trong điều kiện chuyển đổi số. Ở xã hội học tập đó, mỗi người dân sẽ là một công dân học tập, công dân toàn cầu. Kế thừa những thành quả đạt được của giai đoạn trước, Việt Nam sẽ học hỏi thêm kinh nghiệm của thế giới trong xây dựng mạng lưới "thành phố học tập toàn cầu", xây dựng khung năng lực số, hướng tới một xã hội học tập trong điều kiện chuyển đổi số, hội nhập toàn cầu.

Để xây dựng được xã hội học tập, cần có sự vào cuộc đồng bộ, sát sao, phối hợp chặt chẽ của các Bộ ngành, địa phương, tổ chức kinh tế/xã hội và cả hệ thống chính trị. Từng người dân và mỗi cá nhân trong hệ thống chính trị cũng cần nhận thức rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong xây dựng và phát triển xã hội học tập. Đích đến cuối cùng của xã hội học tập ấy là tạo công bằng, xoá rào cản và mở rộng cơ hội để mọi người dân được tiếp cận giáo dục và học tập suốt đời.

Trung tâm TTGD