TS. Trần Đình Quang phát biểu tại Lễ ra mắt Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục - Trường Đại học Vinh
Xu thế toàn cầu hoá, hội nhập kinh tế quốc tế và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế tri thức đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao đảm bảo cho sự phát triển bền vững của đất nước. Nhiệm vụ cung cấp nguồn nhân lực này là của ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình phi tập trung hoá và đại chúng hoá giáo dục, các chuẩn mực giáo dục bị thay đổi và khá khác nhau giữa các nhà trường do chất lượng tuyển sinh đầu vào bị hạ thấp, qui mô tăng nhanh nhưng tài chính tăng chậm, các yếu tố tiêu cực ở bên ngoài tác động đến nhà trường. Trong bối cảnh đó, đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng trở thành những công cụ hữu hiệu của nhiều nước trên thế giới để duy trì các chuẩn mực chất lượng giáo dục và không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học.
Để phát huy hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng, trong những năm qua Trường Đại học Vinh đã bước đầu hình thành văn hóa chất lượng. Quán triệt sâu sắc các nghị quyết của Đảng về giáo dục và đào tạo, các kế hoạch về công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị quyết Đảng bộ trường khóa XXXI, trong những năm qua, Trường Đại học Vinh đã đạt được những kết quả nhất định trong công tác đảm bảo chất lượng, góp phần nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động của Nhà trường như đã hướng dẫn các đơn vị xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng cho từng năm học từ năm 2013 đến 2020 theo chu trình PDCA; thành lập mạng lưới cán bộ phụ trách công tác đảm bảo chất lượng tại từng đơn vị trong toàn Trường; cử cán bộ đi tập huấn ngắn hạn trong nước và nước ngoài về công tác đảm bảo chất lượng... đồng thời, Trường đã triển khai tự đánh giá cơ sở đào tạo 2 chu kì, được đánh giá ngoài cơ sở đào tạo 2 lần, được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục năm 2009 và được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục năm 2017; đã triển khai tự đánh giá 12 chương trình đào tạo giáo viên trung học phổ thông, trong đó có 01 chương trình được đánh giá ngoài; hiện tại đang triển khai tự đánh giá 5 chương trình đào tạo và sẽ tiếp tục tự đánh giá các chương trình đào tạo còn lại trong những năm tới. Hiệu quả của công tác tự đánh giá này là việc cải tiến liên tục chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực, ngày càng đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Bên cạnh đó, Trường đã lấy ý kiến của người học về giảng viên, về các hoạt động và các đơn vị trong Trường; chủ trương thành lập các mạng lưới cựu người học, tăng cường quan hệ với doanh nghiệp... Với những nổ lực nhằm cải tiến chất lượng liên tục, tháng 3/2018 vừa qua, Nhà trường đã chính thức trở thành thành viên của Hiệp hội CDIO quốc tế, thành viên liên kết của Tổ chức Đảm bảo chất lượng thuộc Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động đảm bảo chất lượng của Trường Đại học Vinh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như nhận thức của cán bộ, viên chức và người học về hoạt động đảm bảo chất lượng còn chưa đầy đủ; hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của Nhà trường chưa đồng bộ và chưa vận hành một cách hiệu quả, thông suốt như mong đợi, đặc biệt là văn hóa lưu trữ minh chứng về các hoạt động tại các đơn vị chưa được chú trọng đầy đủ; năng lực của đội ngũ cán bộ chuyên trách về hoạt động đảm bảo chất lượng còn bất cập trước yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong thời kì Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay.
Nhằm tăng cường hiệu quả công tác đảm bảo chất lượng bên trong (iQA) thông qua việc củng cố và phát triển văn hóa chất lượng, các cơ sở giáo dục đại học, trong đó có Trường Đại học Vinh, cần thúc đẩy việc hình thành và phát triển văn hóa lưu trữ minh chứng bên cạnh các hoạt động thường niên sau:
1. Tổ chức nghiên cứu, quán triệt trong toàn Trường về sự cần thiết của công tác đảm bảo chất lượng, nhằm nâng cao nhận thức hơn nữa của đảng viên, cán bộ, viên chức và người học về vai trò của công tác công tác đảm bảo chất lượng.
2. Xây dựng kế hoạch chiến lược về chất lượng và chính sách chất lượng của Nhà trường và của từng đơn vị nhằm định hướng và đưa chu trình PDCA vào mọi hoạt động của Nhà trường và các đơn vị.
3. Hoàn thiện hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong Nhà trường như thành lập Hội đồng Đảm bảo chất lượng của Nhà trường; rà soát, bổ sung mạng lưới cán bộ đảm nhận công tác đảm bảo chất lượng tại các đơn vị; chuyên nghiệp hóa đơn vị chuyên trách công tác đảm bảo chất lượng của Nhà trường; xây dựng Sổ tay đảm bảo chất lượng, hệ thống thu thập thông tin phản hồi và cơ chế đáp ứng, ...
4. Xây dựng và phát triển văn hóa chất lượng trong Nhà trường, tiến tới áp dụng mô hình quản lí chất lượng tổng thể (TQM) để không ngừng cải tiến và nâng cao chất lượng hiệu quả hơn nữa; trước mắt là xây dựng văn hóa lưu trữ minh chứng (thông qua thực hiện qui định hoạt động nào thiếu minh chứng thì đơn vị liên quan và trưởng đơn vị đó không nên được xếp loại thi đua bậc cao).
5. Hoàn thiện qui trình quản lí phát triển chương trình đào tạo và đánh giá kết quả giáo dục theo tiếp cận phát triển năng lực người học hướng đến hội nhập sâu hơn với khu vực và quốc tế.
TS. Trần Đình Quang