Một số quan chức cao cấp bị cách chức vì vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ
Tập trung dân chủ là một trong những nguyên tắc cơ bản của các tổ chức cộng sản và là một trong những đặc trưng cốt lõi để phân biệt chính đảng của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và các đảng phái chính trị khác. Từ khi ra đời đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đều xác định Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản, bao trùm, xuyên suốt trong mọi tổ chức và hoạt động của Đảng. Vấn đề căn cốt này đã trang bị cho học viên tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức về Đảng và chuẩn bị đứng trong hàng ngũ của Đảng.
Đối với tổ chức đảng các cấp, việc tuân thủ, thực hiện Tập trung dân chủ không chỉ là nguyên tắc lãnh đạo, hoạt động và sinh hoạt Đảng, mà còn là điều kiện bảo đảm để phát huy trí tuệ tập thể, mở rộng dân chủ, tăng cường đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Nhận thức chung là như vậy, nhưng thời gian qua, vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng đã "vi phạm nguyên tắc Tập trung dân chủ, gây mất đoàn kết nội bộ; đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức; độc đoán, gia trưởng, thiếu dân chủ trong chỉ đạo, điều hành", một biểu hiện suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã chỉ ra.
Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Sự vi phạm nguyên tắc Tập trung dân chủ biểu hiện ở nhiều khía cạnh, nhưng dễ thấy nhất là hiện tượng tách rời giữa tập trung và dân chủ; lợi dụng sự tập trung để lấy tập thể làm "bình phong" che chắn, lấp liếm nhằm "ý chí hóa cá nhân lãnh đạo" dẫn tới các hành vi độc đoán, gia trưởng của người lãnh đạo. Trong khi đó, phần vì nể nang, xuê xoa, dễ dãi; phần khác do ngại va chạm, lại đoàn kết theo kiểu hình thức, xuôi chiều và không loại trừ cả tư tưởng "lợi ích nhóm" mà các thành viên trong ban thường vụ, cấp ủy ở một số nơi đã bị "định hướng, lèo lái" theo ý chí của người lãnh đạo. Thực tế cho thấy, không ít chủ trương, nghị quyết của ban thường vụ, cấp ủy đã không được bàn bạc, thảo luận thấu đáo ở mọi khía cạnh, nên khi ban hành và đi vào cuộc sống hoặc chưa phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả như mong muốn, hoặc đã bị "nhóm lợi ích" chi phối dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Đáng báo động hơn, sự vi phạm nguyên tắc Tập trung dân chủ không chỉ xảy ra ở những tổ chức đảng cơ sở thường có một bộ phận cán bộ, đảng viên trình độ, hiểu biết hạn chế, mà xảy ra ở cả ban thường vụ, cấp ủy cấp huyện, cấp tỉnh, cấp ngành Trung ương. Thời gian gần đây, dư luận xã hội không khỏi quan ngại trước những vụ sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng liên quan đến nhiều cấp ủy, tổ chức đảng và cán bộ cao cấp của Đảng đều có một nguyên nhân chủ yếu là xa rời, thậm chí làm biến dạng, méo mó bản chất của nguyên tắc Tập trung dân chủ.
Trung ương đã kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015; Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015 - 2020; Ban cán sự đảng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011 - 2016; Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông nhiệm kỳ 2011 - 2016… vì các tổ chức đảng này đã có biểu hiện vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức sinh hoạt Đảng, vi phạm quy chế làm việc của cấp ủy. Ngoài ra, nhiều cấp ủy cũng bị đề nghị xem xét, thi hành kỷ luật vì lý do vi phạm nguyên tắc Tập trung dân chủ, như: Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an); Ban Thường vụ Huyện ủy Hướng Hóa (Quảng Trị) nhiệm kỳ 2015 - 2020…
Đáng nói hơn, không ít cán bộ cao cấp, nguyên cán bộ cao cấp của Đảng đã bị cách chức, xóa chức như các ông: Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Phạm Văn Vọng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Lê Phước Thanh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương; Nguyễn Bắc Son, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Trần Văn Minh, nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng… Những cán bộ cao cấp này đều có chung một vi phạm, khuyết điểm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra là: "Vi phạm nguyên tắc Tập trung dân chủ" và có biểu hiện thiếu dân chủ trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Mới đây, một trong những vi phạm rất nghiêm trọng đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP. Hồ Chí Minh đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, cũng liên quan đến khuyết điểm "Vi phạm nguyên tắc Tập trung dân chủ".
Tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ để giữ vững sức mạnh lãnh đạo của Đảng
Nguyên tắc là hệ thống các quan điểm, tư tưởng bao trùm, cơ bản và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đòi hỏi mọi tổ chức, cá nhân phải tuân theo. Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức theo nguyên tắc Tập trung dân chủ thì bắt buộc mọi cán bộ, đảng viên của Đảng phải chấp hành, thực hiện đến nơi đến chốn. Nguyên tắc này được ví như "la bàn" có vai trò định hướng cho đội ngũ đảng viên khép mình vào khuôn khổ tổ chức, tự giác chấp hành Cương lĩnh, Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị và quy định của Đảng. Nếu xem nhẹ, xa rời hoặc nhận thức không đúng, thực hiện không thấu đáo, hành xử thiếu nhất quán nguyên tắc này sẽ khiến cán bộ, đảng viên "đi chệch" quỹ đạo, từ đó có thể dẫn đến nhiều khuyết điểm, vi phạm trong công tác và trong sinh hoạt Đảng. Hàng loạt tổ chức đảng, đảng viên, nhất là những cán bộ cao cấp của Đảng bị cách chức, bị kỷ luật nêu trên, là minh chứng sinh động, rõ ràng nhất về việc xa rời nguyên tắc Tập trung dân chủ.
V.I. Lênin, một trong những lãnh tụ của giai cấp công nhân trên toàn thế giới, người đầu tiên nhắc tới khái niệm "tập trung dân chủ" đã giải thích rằng, một trong những nội dung chính của nguyên tắc này là mọi đảng viên được tự do trong thảo luận nhưng phải thống nhất trong hành động. Là người sáng lập, rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng từng khẳng định: "Đảng ta tuy nhiều người, nhưng khi tiến đánh thì chỉ như một người". Chỉ có sự thống nhất về tư tưởng, chính trị, tổ chức, ý chí và hành động mới bảo đảm cho Đảng thể hiện và thực hiện sứ mệnh cầm quyền của mình trong xã hội.
Một câu hỏi đặt ra là: Tại sao một nguyên tắc tổ chức cao nhất của Đảng lại không được tuân thủ, thực hiện nghiêm túc ở nhiều cấp ủy, tổ chức đảng? Có nhiều lý do dẫn đến thực trạng này, nhưng lý do chủ yếu là không ít cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy vừa không bám sát vào các nội dung nguyên tắc, quy chế làm việc của cấp ủy, thiếu bàn bạc dân chủ trong nội bộ, vừa lợi dụng vị trí, chức trách, quyền hạn được giao để có những biểu hiện áp đặt ý kiến chủ quan cá nhân khiến nguyên tắc bị vi phạm, méo mó. Một trong những nội dung quan trọng của nguyên tắc Tập trung dân chủ là thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Nhưng một số cán bộ chủ chốt của cấp ủy, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành vì động cơ, mục đích vụ lợi mà không thực sự tôn trọng, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể, né tránh sự giám sát của tập thể và đề cao quá mức vai trò cá nhân dẫn đến hiện tượng mất dân chủ, độc đoán, chuyên quyền.
Vì vậy, vấn đề cấp bách, mấu chốt hiện nay để đưa nguyên tắc Tập trung dân chủ vào đúng quỹ đạo của nó, cũng như bảo đảm cho nguyên tắc này được thực hiện triệt để, hiệu quả ở mọi cấp ủy, tổ chức đảng là phải sớm ban hành và thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực. Không có cơ chế kiểm soát quyền lực, nguyên tắc Tập trung dân chủ của Đảng vẫn rất dễ bị nhiều nơi, nhiều cán bộ lãnh đạo làm biến dạng, méo mó quyền lực chính trị, quyền lực Nhà nước, biến quyền lực công thành quyền lực tư, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy khôn lường cho tổ chức đảng và dễ làm tổn thất cán bộ.
Lịch sử của các đảng cộng sản và phong trào cộng sản, công nhân quốc tế, cũng như bài học đổ vỡ, tan rã, biến chất của nhiều đảng cộng sản ở châu Âu cho chúng ta bài học "xương máu": Ở đâu, khi nào mà các lãnh tụ, người lãnh đạo, người đứng đầu của các đảng cộng sản và tổ chức đảng luôn tuyệt đối tuân thủ, coi trọng chấp hành và thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả nguyên tắc Tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thì ở đó, lúc đó, đảng cộng sản giữ được vị thế, vai trò, sức mạnh lãnh đạo của đảng đối với nhà nước và xã hội.
Từ những bài học kỷ luật liên quan đến nhiều tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ cao cấp của Đảng thời gian qua cho thấy, đã đến lúc các cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng phải quan tâm hơn nữa việc tuyên truyền, phổ biến, học tập nâng cao trình độ nhận thức, hiểu biết của cán bộ, đảng viên về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung của nguyên tắc Tập trung dân chủ; đồng thời vừa chú trọng mở rộng, phát huy dân chủ đi đôi với tăng cường siết chặt kỷ cương, kỷ luật Đảng; kiên quyết ngăn chặn, xử lý kịp thời những biểu hiện manh nha vi phạm nguyên tắc này. Bên cạnh đó, cần phải phòng, chống, đấu tranh với mọi biểu hiện tập trung hà khắc, độc đoán, chuyên quyền, cũng như các biểu hiện dân chủ tùy tiện, vô tổ chức, vô chính phủ. Chỉ có như vậy mới góp phần củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, bảo đảm cho vai trò lãnh đạo và sức mạnh của Đảng được thống nhất, xuyên suốt từ Trung ương đến chi bộ.
Báo Quân đội nhân dân