Rào cản chi phí và các rủi ro…
Tại hội thảo “Trao đổi sinh viên Hoa Kỳ với các trường đại học và cao đẳng Việt Nam” do Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam và tổ chức Student Exchange Việt Nam tổ chức ngày 12/10, hơn 150 đại diện đến từ các tổ chức giáo dục, cơ sở đào tạo Hoa Kỳ và Việt Nam đã tập trung thảo luận về các chiến lược thu hút sinh viên Hoa Kỳ đến học tập, trao đổi tại Việt Nam; đồng thời khuyến khích các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đẩy mạnh hoạt động thiết kế, triển khai chương trình trao đổi sinh viên.
Khoảng cách giữa 2 xu hướng sinh viên Việt Nam đến Mỹ học và ngược lại hiện nay rất lớn. Đề cập đến nguyên nhân của thực trạng này, trong phần thảo luận với diễn giả quốc tế, một nữ giảng viên Trường ĐH Kinh tế HCM đặt câu hỏi: “Kinh nghiệm của trường chúng tôi cho thấy, những trường Hoa Kỳ hầu như không cởi mở với các chương trình trao đổi sinh viên. Hầu hết các trường Hoa Kỳ đã có chương trình cho học sinh của mình và họ tự tổ chức các chuyến tham quan học tập đưa học sinh đi.
Khi chúng tôi hỏi trường Hoa Kỳ về mong muốn đón nhận sinh viên Hoa Kỳ sang Việt Nam thì các trường đều trả lời là… quá đắt để họ có thể làm chương trình như vậy. Tôi muốn biết lí do thực sự mà các trường này không muốn gửi học sinh sang Việt Nam là gì?
Giải đáp thắc mắc của nữ giảng viên Việt, ông Jonathan Lembright, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Viện Giáo dục quốc tế (IIE) đồng tình khẳng định “bản thân chi phí đắt đỏ là yếu tố cản trở lớn học sinh/ sinh viên Hoa Kỳ sang các nước khác học tập, trong đó có Việt Nam”.
“Hoa Kỳ không ép sinh viên phải ra nước ngoài học. Hệ thống giáo dục nước Mỹ đặc biệt và khác biệt. Ở Mỹ không có Bộ Giáo dục như Việt Nam; các trường đại học có quyền tự chủ rất lớn.
Những rào cản lớn khiến học sinh, sinh viên Mỹ ngại ra nước ngoài học bắt nguồn từ suy nghĩ của rằng, việc ra học nước ngoài chỉ là chương trình bổ sung và các em lại phải tiêu thêm tiền (thường là đắt đỏ), bỏ thêm thời gian để tham gia các chương trình như vậy”, ông Jonathan Lembright lí giải về thực trạng cứ 10 sinh viên Mỹ mới có 1 sinh viên trải nghiệm nền giáo dục quốc tế.
Thêm vào đó, các “rủi ro” về việc quy đổi, chấp nhận tín chỉ sau khi hoàn thành chương trình học; chất lượng đào tạo; mức độ phù hợp giữa chương trình học và nguyện vọng… cũng khiến sinh viên Hoa Kỳ ngại sang học tập tại Việt Nam.
Ông Jonathan Lembright và bà Anne Talavera chia sẻ về kinh nghiệm, chiến lược để thúc đẩy sinh viên Mỹ sang Việt Nam học tập qua các chương trình trao đổi sinh viên
Thu hút sinh viên Mỹ đến Việt Nam, cần chiến lược gì?
Bà Anne Talavera, giảng viên tiếng Anh Đại học quốc gia Lào, hiện công tác tại Đại sứ quán Hoa Kỳ đã giải đáp vấn đề trên trên bằng việc tập trung vào mối quan tâm của sinh viên Hoa Kỳ khi ra nước ngoài học tập.
Theo bà Anne, để hấp dẫn sinh viên Hoa Kỳ, các trường đại học Việt Nam phải đảm bảo các yếu tố: chương trình học có thương hiệu, được phê duyệt, công nhận; hỗ trợ cần thiết cho sinh viên quốc tế và quảng bá hình ảnh trường trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đó cũng chính là mối quan tâm của các cơ sở đào tạo Hoa Kỳ khi gửi sinh viên của họ tham gia chương trình trao đổi học tập ở nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Giống như sinh viên khắp thế giới đến nước Mỹ vì chương trình học tập ở đây từ lâu có thương hiệu nổi tiếng chất lượng, muốn thu hút sinh viên Mỹ, Việt Nam cũng cần cung cấp cho sinh viên Mỹ và gia đình họ thông tin rõ ràng về chương trình đào tạo, đặc điểm nổi bật để họ tin tưởng rằng, chương trình mà họ sẽ theo đuổi là uy tín và phù hợp nguyện vọng.
Làm sao sinh viên Mỹ có thể nhận ra trường chúng ta và lựa chọn theo học trong một tập hợp nhiều ngôi trường? “Thủ tục visa, phỏng vấn, hồ sơ, nhập học, tài chính… là các vấn đề mà người học quan tâm nhất trước khi quyết định lựa chọn.
Do đó, chúng ta phải giúp sinh viên Mỹ liên hệ được với các nhà tư vấn để họ được giải đáp thắc mắc. Đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhà tư vấn phải là người/ tổ chức thực sự sẵn lòng để giúp sinh viên tiếp cận với thông tin. Các sự kiện trao đổi, giới thiệu văn hóa cũng rất cần thiết để sinh viên có thể hiểu rõ bối cảnh văn hóa ở quốc gia họ chọn theo học”, bà Anne Talavera khẳng định.
Các hoạt động đón tiếp, định hướng, hỗ trợ sinh viên quốc tế chu đáo cũng sẽ giúp các trường ĐH Việt Nam “ghi điểm”. Hoạt động định hướng thực hiện trong 2-3 ngày sẽ giúp sinh viên Mỹ hòa nhập với môi trường Việt Nam dễ dàng hơn, xây dựng mối quan hệ học đường, từ đó tạo môi trường học tập, sinh sống thuận tiện cho người học nước ngoài.
Nhà trường có thể tổ chức các hội thảo văn hóa, học thuật, phổ biến thông tin khóa học, quy định, khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động xã hội. Cho họ biết, tổ chức sinh viên quốc tế/ tổ chức thể thao/ tổ chức văn hóa ở trường chúng ta…
Bà Anne lưu ý, dù sang Việt Nam trao đổi học tập với mục đích gì (ví dụ học đại học chính quy, chuyến thực địa, nghiên cứu, thực tập, tình nguyện, hội thảo, trao đổi văn hóa, trải nghiệm và củng cố hiểu biết cá nhân…) thì sinh viên Hoa Kỳ cũng rất muốn chương trình họ tham gia được công nhận, chứng nhận.
Đồng thời, nhà nước cũng cần cung cấp các dịch vụ/ bộ phận hỗ trợ nhập cư, học thuật, y tế… để đảm bảo họ không cảm thấy bị “cô lập” khi đặt chân sang Việt Nam học tập.
Ông Jonathan Lembright - Giám đốc khu vực Đông Nam Á, Viện Giáo dục quốc tế thì cho rằng: “Cách tốt nhất để giảm thiểu khoảng cách giữa 2 xu hướng, thu hút sinh viên Mỹ đến Việt Nam nhiều hơn là các tổ chức/ cá nhân/ hiệp hội giáo dục ở Hoa Kỳ tích hợp các chương trình đào tạo ở Việt Nam vào nước họ và cho sinh viên sang Việt Nam trao đổi học tập theo học kỳ. Một khi sự liên kết, hợp tác giữa 2 phía được thúc đẩy thì lúc đó hoạt động trao đổi sinh viên Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ khởi sắc.
Ông Jonathan cho biết, khi được hỏi về lí do sinh viên Mỹ nên sang Việt Nam học tập, một số sinh viên Mỹ từng đến Việt Nam đã trả lời rằng phần học thuật có thể họ chưa tiếp nhận được nhưng trải nghiệm văn hóa - xã hội ở Việt Nam thì thực sự đáng quý (dù chỉ trong 1-2 tháng).
Theo Giám đốc Viện Giáo dục Quốc tế khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cần chứng minh rằng mình có nhiều điều kiện hơn để đón tiếp các sinh viên quốc tế hơn nữa. Chẳng hạn, qua các chương trình học bổng hỗ trợ nhóm sinh viên yếu thế, thiểu số ở Mỹ sang học tập.
“Và quan trọng hơn cả, quý vị phải có sự thay đổi, kì vọng, chương trình đào tạo chất lượng, phù hợp để sinh viên Mỹ cảm thấy thực sự bị thu hút. Chẳng hạn như ở Mexico, sinh viên Mỹ lựa chọn đến đất nước này không phải là nhiều học bổng mà là các chương trình học phù hợp với sinh viên”, ông Jonathan Lembright khẳng định.
Lệ Thu (Báo Dân trí)