Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp
Vai trò, đóng góp to lớn của hệ thống đào tạo giáo viên
Báo cáo tại cuộc họp, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: Toàn quốc hiện có 56 trường đại học đào tạo sư phạm, bao gồm: 14 trường đại học sư phạm; 42 trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên; 2 học viện; 3 phân hiệu và 1 khoa trực thuộc.
Với 31 ngành đào tạo trình độ đại học; 1 ngành ở trình độ cao đẳng, tính tới tháng 12/2020, quy mô đào tạo đại học sư phạm chính quy là 52.362 sinh viên; tổng số giảng viên là 5.866 người.
Cho biết năm 2021, tình hình tuyển sinh sư phạm rất khả quan, kết quả đáng khích lệ so với những năm trước cả về số lượng và chất lượng tuyển sinh, bà Nguyễn Thu Thủy cũng chia sẻ hệ thống đào tạo sư phạm còn có những khó khăn, thách thức.
Những khó khăn này liên quan tới việc sắp xếp lại hệ thống đào tạo sư phạm; đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng; công tác tuyển sinh và các điều kiện bảo đảm chất lượng; liên kết trong và ngoài hệ thống; nghiên cứu khoa học gắn với đào tạo, tư vấn chính sách giáo dục; đổi mới phương pháp dạy và học.
Bà Nguyễn Thu Thủy thông tin, thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã ban hành và tham mưu ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đào tạo sư phạm, đáp ứng yêu cầu của quá trình đổi mới. Theo đó, đã triển khai nghiên cứu sắp xếp tổ chức lại hệ thống trường sư phạm; Luật hóa quy định nâng cao chất lượng đào tạo sư phạm; đầu tư nâng cao năng lực cho các trường sư phạm.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống trường sư phạm và tiến tới tích hợp trong quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm, Nghị định số 71/2020NĐ-CP quy định thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở;
Đồng thời, tăng cường công tác dự báo nhu cầu giáo viên, thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm; xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng tuyển sinh đầu vào; triển khai các Dự án ETEP, Đề án 69, Đề án 89… nhằm nâng cao năng lực đội ngũ và chất lượng đào tạo nói chung.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học báo cáo tại cuộc họp
Theo nhận định của lãnh đạo nhiều cơ sở đào tạo giáo viên tham dự cuộc họp, các trường sư phạm - đặc biệt là 7 trường tham gia Chương trình ETEP - đã và đang tham gia tích cực vào chủ trương đổi mới GD&ĐT, đặc biệt là giáo dục phổ thông; tạo lan tỏa, chuẩn bị tốt cho đội ngũ giáo viên đáp ứng Chương trình GDPT 2018, chuyển từ dạy theo tiếp cận nội dung sang dạy học theo phát triển phẩm chất và năng lực học sinh. Đây cũng là cơ sở để phát triển công tác đào tạo đáp ứng nhu cầu giáo viên trong thực tế và nâng cao tính tương tác giữa đào tạo - thực hành.
Cụ thể, các trường sư phạm là lực lượng nòng cốt trong xây dựng Chương trình GDPT; tham gia viết, thẩm định sách giáo khoa; là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng các chương trình bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT; tham gia bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Ngoài ra, các trường sư phạm còn tổ chức các hội thảo, tham gia nhiều chương trình và đề tài, dự án nghiên cứu xoay quanh đổi mới GD&ĐT ở bậc đại học cũng như phổ thông, triển khai rà soát, cập nhật chương trình đào tạo, xây dựng mới chương trình đào tạo, nhằm kịp thời cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng những thay đổi trong giáo dục.
Tại cuộc họp, nhiều nội dung được các trường sư phạm trao đổi, chia sẻ. Trong đó tập trung vào vấn đề quy hoạch mạng lưới; chất lượng đào tạo sư phạm; đào tạo giáo viên phục vụ chương trình, sách giáo khoa mới; việc triển khai các Nghị định 116, 71 của Chính phủ liên quan đến đào tạo sư phạm; vấn đề chuyển đổi số, đổi mới phương pháp dạy và học…
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn phát biểu tại cuộc họp
Đổi mới mạnh mẽ hơn
Đánh giá công tác tuyển sinh của các trường sư phạm ngày càng cải thiện đáng kể, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn yêu cầu, các trường cần tập trung triển khai Nghị định 116.
Đây là Nghị định với nhiều điểm mới, một số vướng mắc trong quá trình thực hiện đã được Vụ Giáo dục Đại học, Vụ Kế hoạch - Tài chính hướng dẫn làm rõ. Tuy nhiên, các đơn vị của Bộ cần tiếp tục nắm bắt khó khăn từ các trường, làm rõ thêm các quy định để các trường có cách làm thống nhất.
Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó có đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT 2018, phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo. Đổi mới thành công hay không, một phần rất quan trọng do lực lượng nhà giáo quyết định. Trong khi đó, muốn đổi mới lực lượng nhà giáo lại bắt đầu bởi hệ thống các trường đào tạo giáo viên. Hoàn thành sứ mệnh này phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tự thân, tự đổi mới mình của các trường đào tạo giáo viên - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết.
Về chương trình đào tạo, Thứ trưởng cho rằng, các trường đang đứng trước cơ hội, yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là trong bối cảnh công nghệ phát triển tác động tới phương thức tổ chức dạy và học. Có một chương trình thống nhất trong hệ thống sư phạm như ý kiến của một số trường đề xuất, theo Thứ trưởng là không đúng với tinh thần tự chủ, nhưng việc các trường tham khảo chương trình của nhau là việc cần khuyến khích.
Trước ý kiến của một số trường về quy hoạch hệ thống sư phạm, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh: Quy hoạch là vấn đề quan trọng được đặt ra, nhưng thực hiện triển khai quy hoạch hiệu quả mới là nội dung trọng yếu cần quan tâm nhất. Trong đó, làm sao để tăng cường được sự hợp tác giữa các trường, sự hợp tác này rất quan trọng trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm góp phần tăng hiệu quả của cả hệ thống.
Ở góc độ giáo dục phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai đổi mới Chương trình GDPT theo Nghị quyết Quốc hội. Theo đó, đã ban hành Chương trình GDPT 2018 với rất nhiều điểm mới; từ quan điểm xây dựng chương trình, đến mục tiêu, yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực; kế hoạch giáo dục; định hướng về nội dung giáo dục; phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.
Là đơn vị đào tạo giáo viên - người đảm đương nhiệm vụ triển khai Chương trình GDPT mới - từ lãnh đạo đến giảng viên các trường sư phạm cần nắm thật chắc Chương trình, gồm chương trình tổng thể và chương trình các môn học; cũng như nhận thức sâu sắc những khác biệt của Chương trình GDPT 2018 và Chương trình GDPT 2006.
Cùng với nhận thức là hành động, theo đó, các trường sư phạm bên cạnh quan tâm hơn nữa đến nâng cao chất lượng đào tạo, cần chú trọng hoạt động bồi dưỡng, đào tạo lại, giúp giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp thường xuyên, liên tục.
Xây dựng cơ chế để phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa giữa trường sư phạm với các sở GD&ĐT trong nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT; Đồng thời, lan tỏa năng lực của các trường tham gia ETEP với các trường sư phạm khác, để làm tốt hơn nhiệm vụ bồi dưỡng, từ đó có được đội ngũ giáo viên có năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại cuộc họp.
Chấp nhận đa dạng mô hình, nhưng thống nhất chuẩn chuyên môn
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh quan điểm: Để thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, trong đó có đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình GDPT 2018, phải bắt đầu từ đội ngũ nhà giáo.
Đổi mới thành công hay không, một phần rất quan trọng do lực lượng nhà giáo quyết định. Trong khi đó, muốn đổi mới lực lượng nhà giáo lại bắt đầu bởi hệ thống các trường đào tạo giáo viên. Hoàn thành sứ mệnh này phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực tự thân, tự đổi mới mình của các trường đào tạo giáo viên.
Ghi nhận nỗ lực và sự đóng góp trên nhiều phương diện của hệ thống các trường đào tạo giáo viên, vấn đề lớn cần bàn đến, theo Bộ trưởng, là trong dòng thay đổi rất mạnh mẽ của giáo dục nước nhà, các trường đào tạo giáo viên cũng đang thay đổi rất lớn, chuyển động theo hướng trở thành các trường đa ngành; thay đổi trong mô hình cơ cấu tổ chức, trong tuyển sinh, đào tạo; thay đổi trong cơ chế tài chính và các quyền tự chủ khác…
Vấn đề là chúng ta nhận diện về sự thay đổi ấy thế nào, và làm sao để thay đổi đạt được giá trị tích cực, hạn chế tác động tiêu cực. Lãnh đạo Bộ cũng phải nhận thức hết được đầy đủ chiều sâu của sự thay đổi để có chỉ đạo, ban hành chính sách phù hợp.
"Các trường sư phạm phải là tiên phong trong đổi mới phương pháp, trong cách tiếp cận, trong quan điểm và trong việc dạy học, để dẫn dắt toàn bộ hệ thống thay đổi" - Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn.
Chia sẻ về những vấn đề cụ thể của hệ thống sư phạm đang được quan tâm, Bộ trưởng nhấn mạnh đầu tiên đến quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm. Theo Bộ trưởng, đây là việc lớn, khó và cần được thực hiện một cách bài bản; cả về cách bố trí không gian, dự báo nhu cầu, sự tương tác trong hệ thống, quy hoạch cả trên phương diện đầu tư, cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn… Việc quy hoạch này chỉ thực hiện tốt được khi chúng ta đã rất rõ ràng về mô hình hoạt động của các tường và xu thế các trường thuộc nhóm ngành này.
Bộ trưởng cũng cho rằng, các trường sư phạm đã, đang và sẽ thay đổi về mô hình; theo đó đa ngành là xu thế lớn, nếu không muốn nói là xu thế tất yếu, nhất là khi thực hiện tự chủ đại học. Không nên coi việc chuyển đổi theo xu hướng đa ngành là điều gì đó không tốt với đào tạo giáo viên. Dù đa ngành, hay thuần túy đào tạo sư phạm, thì điều quan trọng là đào tạo giáo viên phải đạt được các chuẩn đặt ra.
"Chúng ta chấp nhận mô hình có thể đa dạng, chấp nhận sự chuyển đổi, nhưng điều không đổi là chuẩn về chuyên môn, chuẩn nghề nghiệp, chuẩn về nghiệp vụ mà sinh viên sư phạm cần đạt được. Do đó, các trường đào tạo giáo viên theo mô hình đa ngành cần đặt biệt lưu ý đến các nghiệp vụ sư phạm để không vì xu hướng đa ngành khiến đào tạo giáo viên giảm chất lượng. Với các trường chủ yếu đào tạo giáo viên, cũng cần cân nhắc về mô hình phát triển của mình trong tương lai" - Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn kết luận
Riêng với chương trình đào tạo, Bộ trưởng cho rằng, cần phát huy yếu tố năng động, thế mạnh của từng trường. Thống nhất một chương trình là không thể, nhưng cái cần thống nhất chính là chuẩn chương trình và chúng ta phải đẩy mạnh việc này càng nhanh càng tốt; căn cứ vào chuẩn chương trình đề thống nhất các mô hình tổ chức, các phương thức đào tạo còn đa dạng.
Liên quan đến triển khai Nghị định 116, dù còn có khó khăn, vướng mắc, nhưng Nghị định này bước đầu đã có tác động tích cực và thấy được hiệu quả. Một minh chứng là điểm đầu vào các trường sư phạm năm nay tăng rõ rệt. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu cần cố gắng thực thi, triển khai chất lượng Nghị định này trong thời gian tới.
Nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của hoạt động đào tạo giáo viên trong triển khai Chương trình GDPT 2018, trong đó bao gồm cả đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình mới, Bộ trưởng yêu cầu các trường sư phạm tiếp tục triển khai, phát huy hiệu quả công tác bồi dưỡng, ngay cả khi Chương trình ETEP đã đóng lại. Đồng thời, Bộ trưởng đặc biệt lưu ý đến đào tạo giáo viên để giảng dạy các tiếng dân tộc ít người; các trường sư phạm cần sớm tính đến việc phát triển các chương trình này để triển khai đào tạo.
Nhấn mạnh thêm các trường sư phạm phải là tiên phong trong đổi mới phương pháp, trong cách tiếp cận, trong quan điểm và trong việc dạy học, để dẫn dắt toàn bộ hệ thống thay đổi, Bộ trưởng cũng lưu ý đến việc phải kết nối mạnh mẽ hơn nữa giữa hệ thống sư phạm và phổ thông, các Sở GD&ĐT; củng cố, tăng cường hơn khâu kiến tập, thực tập gắn với trường phổ thông.
Với các trường sư phạm có xu hướng phát triển theo định hướng nghiên cứu, cần quan tâm phát triển khoa học giáo dục. Nguồn kinh phí khoa học công nghệ do Bộ GD&ĐT phân bổ sẽ ưu tiên một phần quan trọng cho khoa học giáo dục.
Ngoài ra, một số vấn đề khác cũng được Bộ trưởng nhấn mạnh, về kết nối hệ thống, cơ sở dữ liệu và sự chia sẻ; đổi mới thi, tuyển sinh, trong đó có việc phát triển các đơn vị khảo thí chuyên nghiệp tại các trường sư phạm trọng điểm; củng cố cơ sở vật chất,…
Theo GD&TĐ