TS.
Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng NVSP, Trường Đại học Vinh phổ
biến nội quy khóa bồi dưỡng. Ảnh: Hoàng Nam
Đây
là khóa bồi dưỡng trong khuôn khổ Chương trình phát triển các trường sư phạm để
nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông
(Chương trình ETEP), mục tiêu là hướng dẫn sử dụng phương pháp dạy học và giáo
dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh cho giáo viên phổ thông cốt cán để
triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Khóa
bồi dưỡng mô-đun 2 được chia làm 3 đợt (22/10 - 3/11) với sự tham gia của 1.425
giáo viên cốt cán ở cấp THPT, THCS.
Học
viên dự khai mạc khóa bồi dưỡng. Ảnh: Hoàng Nam
Là
1 trong 8 đơn vị tham gia Chương trình phát triển các trường sư phạm để
nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông
(ETEP), để tổ chức tốt khóa bồi dưỡng, trên cơ sở kế hoạch của Bộ Giáo dục và
Đào tạo, Trường Đại học Vinh đã có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Giáo dục và Đào
tạo các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh để chốt danh sách học viên, chuẩn bị về
cơ sở vật chất, đội ngũ báo cáo viên, sắp xếp lịch trình các đợt học khoa học,
hợp lý.
Nhà
trường ưu tiên sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông
tin, trang thiết bị tốt nhất hiện có để phục vụ bồi dưỡng. Đội ngũ giảng viên cốt
cán năng lực, tâm huyết, trách nhiệm cũng được lựa chọn cẩn thận, đáp ứng theo
tiêu chuẩn của Chương trình ETEP. Trước đó, đội ngũ giảng viên này đã được cử
tham gia đầy đủ các đợt bồi dưỡng tập huấn thuộc Chương trình ETEP và Dự án
RGEP tổ chức, tham gia đầy đủ các hội thảo, tập huấn và các hoạt động nâng cao
năng lực của nhà trường.
TS.
Trần Bá Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu tại lễ khai mạc . Ảnh:
Hoàng Nam
Trên
cơ sở đó, Trường Đại học Vinh đã lựa chọn các giảng viên sư phạm có năng lực
chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, tham gia sâu vào quá trình nghiên cứu,
biên soạn, xây dựng Chương trình phổ thông 2018 và được giao nhiệm vụ trực tiếp
đứng lớp bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông cốt cán, bố trí đủ 2 giáo viên/lớp.
Nhà trường cũng đã chủ động mời lãnh đạo, chuyên viên các Sở GD&ĐT Thanh
Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, đại diện Ban Quản lý Chương trình ETEP và Ngân hàng Thế
giới tham gia giám sát, dự giờ trong các buổi bồi dưỡng trực tiếp tại trường.
Do
có phương án bồi dưỡng hợp lý, phối hợp nhịp nhàng với Sở GD&ĐT các tỉnh,
chuẩn bị chu đáo và sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo nhà trường nên hoạt động bồi
dưỡng mô-đun 2 của Trường Đại học Vinh diễn ra theo đúng kế hoạch, tuân thủ các
nội dung được đề ra, đạt kết quả tốt và nhận được sự đánh giá cao của Bộ
GD&ĐT, Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương và Ngân hàng Thế giới.
Các
học viên tại các lớp bồi dưỡng. Ảnh: Hoàng Nam
Theo
TS. Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm, Trường
Đại học Vinh: Bên cạnh việc cung cấp đầy đủ tài liệu, giáo trình bồi dưỡng theo
chuẩn của Bộ GD&ĐT, giải đáp mọi thắc mắc, hỗ trợ tối đa cho học viên theo
các lớp bồi dưỡng, rút kinh nghiệm từ khóa bồi dưỡng mô-đun 1 năm 2019, năm
nay, công tác chuẩn bị về nơi ăn chốn ở, phương tiện đi lại cho học viên chủ động,
thuận lợi, khoa học hơn. Theo đó, nhà trường được hợp đồng, đấu thầu với các cơ
sở kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở kinh doanh vận tải từ trước để sắp xếp
phục vụ học viên theo lớp để thuận lợi cho việc học tập, trao đổi. Ngoài ra,
trong những ngày mưa lũ tại Hà Tĩnh, nhà trường đã phối hợp với Sở GD&ĐT Hà
Tĩnh động viên giáo viên phổ thông của tỉnh Hà Tĩnh nỗ lực, cố gắng tham gia đầy
đủ các nội dung của khóa bồi dưỡng.
Nhìn
chung hoạt động bồi dưỡng cho giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ
thông cốt cán đã tạo ra một không khí phấn khởi, hào hứng trong đội ngũ giáo
viên, lãnh đạo và các cán bộ phụ trách chuyên môn (các chuyên viên) của 3 Sở
GD&ĐT Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Đại đa số các giáo viên tham gia bồi
dưỡng và các cán bộ quản lý chuyên môn đã thấy tự tin, an tâm khi triển khai
Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Các
giáo viên phổ thông cốt cán cũng đã nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ của bản thân
trong việc hỗ trợ đồng nghiệp tại địa phương thực hiện phương thức bồi dưỡng
thường xuyên mới với phương châm "liên tục, tại chỗ, có chất lượng, đảm
bảo tiến độ" qua Hệ thống LMS.
Chương
trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và
cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), do Ngân hàng Thế giới tài trợ,
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ quản và điều phối.
Theo
lộ trình, năm học 2020 - 2021, Chương trình Giáo dục phổ thông mới hay
còn gọi là Chương trình 2018 bắt đầu triển khai đối với lớp 1 và thực hiện cuốn
chiếu đến năm học 2024 - 2025 sẽ hoàn tất ở tất cả các khối lớp. Để đảm bảo
tiến độ này, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rốt ráo tổ chức các lớp
tập huấn, bồi dưỡng cán bộ nguồn, giảng viên sư phạm chủ chốt để những người
này tiếp tục bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông.
Trường
Đại học Vinh được Bộ Giáo dục và Đào tạo chọn là 1 trong 8 cơ sở giáo dục chủ
chốt về đào tạo giáo viên theo Chương trình ETEP. Mỗi giáo viên phổ
thông cốt cán phải hoàn thành 6 mô-đun; giáo viên phổ thông đại
trà phải hoàn thành 5 mô-đun trong 3 năm (từ năm 2019 đến năm 2021).
Sau
khi hoàn thành các mô-đun bồi dưỡng, học viên sẽ được Trường Đại học Vinh cấp
chứng nhận hoàn thành chương trình. Theo kế hoạch, trong năm 2020, Trường
Đại học Vinh sẽ tổ chức bồi dưỡng 3 mô-đun cho 2.967 giáo viên phổ thông cốt
cán; 2 mô-đun cho 75.660 giáo viên phổ thông đại trà của 3 tỉnh
Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh.
|
Báo
Nghệ An