Những ngày qua, mưa lũ đã gây ra nhiều thiệt hại trên địa bàn các tỉnh miền Trung, đặc biệt huyện Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh), nơi có hồ Kẻ Gỗ là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Mưa lớn dồn dập và lượng nước từ hồ Kẻ Gỗ xả tràn đã khiến nước lũ lên nhanh, gây ngập 150 thôn của 19 xã, thị trấn, cuộc sống của 13.339 hộ dân với 43.028 nhân khẩu của huyện Cẩm Xuyên gặp nhiều khó khăn, xáo trộn. Nhiều xã như Cẩm Thành, Cẩm Vịnh, Cẩm Thạch, Cẩm Quang... bị cô lập hoàn toàn, có những khu vực nước ngập sâu tới 2,5m. Trước tình hình mưa lũ lớn, các cơ quan chức năng đã di dời khẩn cấp 10.900 hộ với 32.700 người ở các vùng ngập sâu tới nơi an toàn.
Mưa lũ gây ngập nặng ở địa bàn huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh
Dù vậy, vượt mưa, vượt lũ, lặn lội đường sá xa xôi, cách trở, bị chia ngăn bởi nước lũ, thầy Hoàng Quốc Quyết - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Liễn vẫn nỗ lực, tìm mọi cách để có mặt tham gia chương trình bồi dưỡng. Chặng đường vốn đã xa, nay lại thêm cách trở, bởi cơn lũ bất ngờ đã làm ngập hết mọi con đường, không thể di chuyển bằng các phương tiện đường bộ thông thường. Đồng hành với thầy Quyết, còn là người vợ của thầy, cô giáo Nguyễn Thị Trà, giáo viên Lịch sử, Trường THPT Nguyễn Đình Liễn. Hai vợ chồng khăn gói lên đường với hành trang đơn giản là hai chiếc balo đựng máy tính và một ít áo quần. Song để di chuyển từ nhà đến đường Quốc lộ, thầy cô đã phải xin đi nhờ thuyền của các đoàn cứu hộ, chờ đến hàng tiếng đồng hồ mới có thể lên thuyền vượt lũ. Hành trình còn trở nên khó khăn, nặng nề hơn khi ở nhà, nước cũng đã dâng ngập phòng trọ nhỏ của hai vợ chồng. Ngôi trường nơi thầy Quyết, cô Trà đang công tác nay cũng đã chìm trong biển nước. Trước đó, Trường Đại học Vinh đã tổ chức tập huấn trực tuyến trên Hệ thống LMS, song tình hình mưa bão, tình trạng mất điện kéo dài, chương trình học của hai vợ chồng vẫn chưa được hoàn thành, việc học trực tuyến vẫn còn dang dở.
Thầy giáo Hoàng Quốc Quyết trao đổi với đồng nghiệp tại lớp bồi dưỡng
Cô giáo Nguyễn Thị Trà (Thứ 2 từ trái sang) nghiên cứu bài học trên hệ thống LMS cùng đồng nghiệp
Thế nhưng, câu chuyện "vượt lũ" đi tham gia bồi dưỡng không chỉ là câu chuyện riêng của vợ chồng thầy Quyết, cô Trà, mà còn là câu chuyện chung của rất nhiều thầy cô giáo khác. Thầy Hoàng Văn Báu - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập, một trong những giáo viên tham gia chương trình bồi dưỡng tại Trường Đại học Vinh cũng có hành trình gian nan không kém. Nhìn nhận việc tham gia bồi dưỡng vừa là nhiệm vụ, vừa là trách nhiệm đối với Ngành nhằm hỗ trợ, bồi dưỡng giáo viên đại trà trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, thầy Báu cho biết, tất cả các thầy cô đều tích cực trao đổi, tương tác nhằm tiếp thu tốt nhất phương pháp dạy học, kỹ năng truyền đạt, giáo dục phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Đến với Thành phố Vinh trong những ngày mưa dầm dề, thời tiết lạnh, nhưng tất cả học viên tham gia bồi dưỡng đều cảm thấy ấm lòng bởi sự quan tâm, tiếp đón chu đáo của các thầy cô Trường Đại học Vinh. Bên cạnh việc được chỉ dẫn, hướng dẫn tận tình về mặt chuyên môn trong thời gian bồi dưỡng, các học viên còn được hỗ trợ ăn ở, hỗ trợ kinh phí đi lại. "Chúng tôi rất cảm động trước sự tiếp đón của Nhà trường, dù rất khó khăn để có thể có mặt trong chương trình tập huấn, chúng tôi vẫn cảm thấy xứng đáng. Cảm ơn các thầy cô Trường Đại học Vinh, cảm ơn Ban Quản lý Chương trình ETEP đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ", thầy Báu chia sẻ.
Thầy giáo Hoàng Văn Báu theo dõi bài giảng trong giờ học
Đối với chương trình bồi dưỡng lần này, theo đánh giá của các học viên tham gia, mô đun 2 thực sự quan trọng, bổ ích và có ý nghĩa. Giáo viên khi triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng sau khi tham gia bồi dưỡng, giáo viên sẽ có đủ khả năng để truyền đạt, bồi dưỡng giáo viên đại trà ở các nhà trường.
Chia sẻ thêm, TS. Tăng Thị Thanh Sang - Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ sư phạm Trường Đại học Vinh tâm sự: Trường Đại học Vinh đã làm tốt công tác chuẩn bị trong việc xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, lựa chọn đội ngũ giảng viên, sắp xếp lịch giảng dạy cho các khóa bồi dưỡng. "Hình ảnh về những người thầy, người cô nhiệt huyết với nghề, kiên cường vượt lũ, bất chấp gió mưa để tham gia Chương trình bồi dưỡng làm chúng tôi thực sự thấy cảm động. Những buổi thảo luận, trao đổi sôi nổi, những nụ cười của các học viên trong đợt bồi dưỡng đã trở thành động lực, để chúng tôi ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình, xứng đáng với niềm tin tưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Quản lý Chương trình ETEP Trung ương, xứng đáng với sự kỳ vọng của các thầy cô học viên nhằm thực hiện tốt nhất công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, phục vụ Chương trình Giáo dục phổ thông 2018".
Các thầy cô giáo của Trường Đại học Vinh nhiệt tình hướng dẫn học viên trong quá trình bồi dưỡng
TT. ETEP