Hội thi nằm trong khuôn khổ chương trình đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới giáo dục đại học "Chú trọng phát triển năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, đạo đức nghề nghiệp và hiểu biết xã hội", "Tất cả giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có năng lực sư phạm. Giảng viên phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm".

Hội thi hướng tới góp phần nâng cao chất lượng và phát triển đội ngũ giảng viên có trình độ cao; đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy và kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng giảng dạy; tạo điều kiện giảng viên học tập, trải nghiệm và trao đổi kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ; tăng cường đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển; nâng cao chất lượng giáo dục đại học.

Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục họp thống nhất, chuẩn bị cho Hội thi

Đây cũng là "sân chơi" để phát hiện, công nhận, tuyên dương và tổng kết, phổ biến kinh nghiệm thực tiễn, bổ ích của các điển hình, mô hình tiên tiến.

Hội thi được kỳ vọng sẽ góp phần đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động của trường và của ngành. Đồng thời, là một căn cứ đánh giá thực trạng năng lực chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giảng viên, làm cơ sở để đào tạo lại, bồi dưỡng giảng viên.

Theo thông tin từ Ban tổ chức cho biết, đến ngày 09/11/2020, có 24 đội đăng ký dự thi, đến từ các trường thuộc nhóm trường đào tạo giáo viên và nhóm trường không đào tạo giáo viên.

Diễn ra trong 04 ngày, các nội dung của Hội thi bao gồm: Chào hỏi và năng khiếu của đội; Hiểu biết sư phạm; Xử lý tình huống sư phạm; Hướng dẫn, tư vấn sinh viên học tập, rèn luyện và Thiết kế hoạt động giáo dục kết nối cộng đồng; Hùng biện và năng khiếu cá nhân.

Cơ cấu giải thưởng được chia theo nhóm trường đào tạo giáo viên và nhóm trường không đào tạo giáo viên. Trong đó, theo đội thi, dự kiến, mỗi nội dung thi sẽ có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 9-10 giải Khuyến khích tuỳ nhóm trường.

Chung cuộc, nhóm trường đào tạo giáo viên dự kiến sẽ được trao 3 giải Nhất, 6 giải Nhì và 7 giải Ba; nhóm trường không đào tạo giáo viên sẽ được trao 3 giải Nhất, 5 giải Nhì và 7 giải Ba. Giải Nhất sẽ được nhận Bằng khen của Bộ GDĐT.

Là đơn vị đăng cai địa điểm tổ chức, Trường ĐH Hùng Vương cho biết đã chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, sẵn sàng cho Hội thi. Theo đó, nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc và các nội dung thi là hội trường trung tâm, có sức chứa tối đa 1.000 chỗ. Nơi trưng bày các poster phần thi Thiết kế hoạt động là sảnh tầng 1 nhà hành chính hiệu bộ.

Theo TS. Hoàng Công Kiên, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Hùng Vương, trường đã tập trung tối đa các nguồn lực để hoàn thiện các điều kiện cơ sở vật chất và đảm bảo an ninh trật tự, y tế, truyền thông trước, trong và sau Hội thi,…

Tích cực hưởng ứng, đăng ký tham gia Hội thi, đại diện Trường ĐH Vinh cho biết, rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên, sinh viên là một trong những nội dung được lãnh đạo trường quan tâm, đưa vào chương trình hành động thường niên.

Nhận thấy Hội thi là một chủ trương đúng đắn của Bộ GDĐT, là cơ hội rèn luyện, học tập kinh nghiệp, cải tiến hiệu quả giảng dạy cho giảng viên, Ban giám hiệu trường đã thành lập 02 đội thi. Đó là đội gồm các giảng viên nhóm ngành đào tạo giáo viên và đội gồm các giảng viên nhóm ngành không đào tạo giáo viên. Hai đội thi này đã đăng kí tham gia 6 lượt nội dung thi tập thể và 10 lượt thi cá nhân.

Từ giữa tháng 10 đến nay, các đội thi duy trì tập luyện đều đặn. Mặc dù dành nhiều thời gian để chia sẻ với người thân, bà con vùng lũ, thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn,… nhưng các giảng viên vẫn dành thời gian tập luyện với mong muốn mang đến những tiết mục xuất sắc, ý nghĩa. Đây cũng là tinh thần và quyết tâm chung của các đội thi tham dự Hội thi Giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm năm 2020 lần thứ nhất.

TTGD