Các Thông tư này được ban hành trên cơ sở sửa đổi,
thay thế các Thông tư liên tịch số 20,21,22,23/2015/TTLT-BGD&ĐT-BNV do Bộ
GD&ĐT và Bộ Nội vụ ban hành năm 2015.
Thực tế triển khai những năm
qua cho thấy, các quy định của các Thông tư trước đây đã bộc lộ những bất cập
nhất định như tạo ra cơ hội cho những người không học thực chất mà chủ yếu tích
lũy đủ văn bằng, chứng chỉ; các đơn vị đào tạo, bồi dưỡng không có chất lượng
thực hiện việc tổ chức thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ, tin học không đúng quy
định… gây bức xúc đối với xã hội.
Về kết cấu của tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp, các Thông tư mới vẫn đảm bảo theo quy định của Luật Viên chức
và Nghị định hướng dẫn của Chính phủ. Theo đó, mỗi hạng chức danh nghề nghiệp
giáo viên bao gồm tên gọi và hạng, quy định về nhiệm vụ của hạng và các tiêu
chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp
vụ.
Về nội hàm các tiêu chuẩn hạng
chức danh nghề nghiệp giáo viên các cấp, một số điểm đổi mới quan trọng đã được
Bộ GD&ĐT quy định trên cơ sở tiếp thu những bất cập trong thực tiễn triển
khai cũng như cập nhật các quy định mới của Luật Giáo dục 2019 và các yêu cầu
đổi mới giáo dục.
Trong đó, điểm đổi mới quan
trọng của các Thông tư được giáo viên đón đợi là việc điều chỉnh quy định về
trình độ ngoại ngữ, tin học trong quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp
các hạng.
Cụ thể, các yêu cầu về ngoại
ngữ không còn quy định "cứng" là phải đảm bảo bậc 1 hay bậc 2, bậc 3
như trước đây mà chuyển thành "có khả năng sử dụng ngoại ngữ hoặc tiếng
dân tộc thiểu số trong một số nhiệm vụ cụ thể được giao".
Yêu cầu về trình độ tin học
không còn là đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định
tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11 tháng 3 năm 2014 của Bộ Thông tin và
Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin mà là "có
khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện các nhiệm vụ" của
giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp.
Điều này không có nghĩa là yêu
cầu về ngoại ngữ, tin học của giáo viên được xem nhẹ hoặc hạ thấp, mà đã được
nghiên cứu, điều chỉnh một cách hợp lý để đảm bảo yêu cầu về các năng lực này
được quy định hiệu quả và thực chất hơn. Cùng với việc điều chỉnh quy định về
trình độ ngoại ngữ trong tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ
GD&ĐT đã chỉ đạo đưa yêu cầu về trình độ ngoại ngữ vào chương trình đào tạo
theo khung trình độ quốc gia và chuẩn đầu ra của sinh viên sư phạm.
Đối với giáo viên ngoại ngữ, nỗi lo về "ngoại ngữ
2" không còn làm khó giáo viên nữa, để dành thời gian và tâm huyết cho
giáo viên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu mới.
Viên chức là giáo viên các
trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT được áp dụng bảng lương tương ứng ban hành
kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP như sau:
1. Giáo viên mầm non
- Hạng I, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2,
nhóm A2.2 (từ 4,0 đến 6,38);
- Hạng II, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1
(từ 2,34 đến 4,98);
- Hạng III, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A0
(từ 2,10 đến 4,89).
2. Giáo viên tiểu học
- Hạng III, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1
(từ 2,34 đến 4,98);
- Hạng II, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2,
nhóm A2.2 (từ 4,00 đến 6,38);
- Hạng I, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2,
nhóm A2.1 (từ 4,40 đến 6,78).
3. Giáo viên THCS
- Hạng III, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1
(từ 2,34 đến 4,98);
- Hạng II, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2,
nhóm A2.2 (từ 4,00 đến 6,38);
- Hạng I, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2,
nhóm A2.1 (từ 4,4 đến 6,78).
4. Giáo viên THPT
- Hạng III, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A1
(từ 2,34 đến 4,98);
- Hạng II, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2,
nhóm A2.2 (từ 4,0 đến 6,38);
- Hạng I, áp dụng hệ số lương của viên chức loại A2,
nhóm A2.1 (từ 4,40 đến 6,78).
TT. ĐHV