Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã xác định cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công là 1 trong 5 nhiệm vụ trọng tâm của cơ cấu lại nền kinh tế. Trên cơ sở đó, Trung ương đã giao Ban Cán sự đảng Chính phủ nghiên cứu, xây dựng Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, trình Hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa XII vào tháng 10/2017.
Phó Thủ tướng cho biết Đề án bao gồm 3 thành tố chính. Mục tiêu của đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức lại hệ thống là để hệ thống tinh gọn, ít đầu mối hơn nhưng hoạt động với chất lượng cao hơn, thúc đẩy xã hội hóa các dịch vụ công lập. Còn đổi mới cơ chế tài chính là thay đổi phương thức cấp phát ngân sách, tăng cường cơ sở vật chất cho đơn vị, đồng thời nâng cao thu nhập cho người lao động.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo hội nghị
Tiến tới xóa bỏ biên chế, giảm viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập
Tại buổi làm việc, báo cáo với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ về giải pháp đổi mới cơ chế quản lý, thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng cho biết, với giáo dục mầm non, phổ thông, về cơ bản nhà nước vẫn tiếp tục bảo đảm kinh phí, các điều kiện hoạt động để các cơ sở này thực hiện trách nhiệm của nhà nước về phổ cập giáo dục. Đồng thời, có chính sách thí điểm đổi mới theo lộ trình, từng bước trao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông ở các vùng có điều kiện thuận lợi trong việc thực hiện xã hội hóa để mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội.
Đối với giáo dục đại học công lập, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, đẩy mạnh giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế theo lộ trình: Ngay sau khi Nghị định về cơ chế tự chủ đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập được ban hành, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ chi thường xuyên đến hết năm 2020 và các cơ sở giáo dục đại học công lập được tự chủ toàn diện.
Các cơ sở giáo dục đại học thành lập Hội đồng trường theo quy định để hoạch định chiến lược, quản lý, giám sát quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở giáo dục đại học, tiến tới xóa bỏ cơ quan chủ quản.
Về giải pháp đổi mới cơ chế tài chính, Bộ GD&ĐT đưa ra giải pháp, Nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được Nhà nước giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc ít người (GD MN, GD PT có nguồn thu thấp, không đảm bảo bù chi phí hoạt động).
Chuyển đổi cơ bản phương thức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong cung cấp dịch vụ sự nghiệp công, chuyển từ việc giao dự toán ngân sách cho các đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công lập như hiện nay sang thực hiện phương thức đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công dựa trên chất lượng dịch vụ đơn vị cung cấp mà không phân biệt cơ sở công lập, ngoài công lập.
Đổi mới cơ chế tài chính đối với nhóm đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp các dịch vụ sự nghiệp có khả năng xã hội hóa cao (các trường đại học) theo hướng: giao quyền tự chủ, tự chịu nhiệm trong cung cấp dịch vụ gắn với nhu cầu xã hội, được quyết định thu giá dịch vụ trên cơ sở tính đủ các chi phí cần thiết do cấp có thẩm quyền ban hành...
Về kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập, Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho biết, rà soát, hoàn thiện mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập trên cơ sở chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực sự nghiệp.
Sắp xếp lại đối với những đơn vị cung cấp dịch vụ sự nghiệp công không có vai trò thiết yếu, hoạt động không hiệu quả, không đạt mục tiêu đặt ra, chất lượng kém.
Từng bước giảm dần biên chế viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng tăng dần hợp đồng lao động, hướng tới xóa bỏ biên chế trong các đơn vị công lập nhằm phát huy tính năng động, sáng tạo của người lao động để thuận lợi cho việc thực hiện cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp.
Không nên nhầm lẫn toàn ngành giáo dục phải tự chủ trong công tác tài chính.
Tại buổi khảo sát, sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, việc xây dựng Đề án có ý nghĩa quan trọng đối với đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Trưởng Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục, trong đó lưu ý sắp xếp các điểm trường ở khu vực miền núi với điều kiện tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận được dịch vụ giáo dục.
Về công tác tự chủ, Phó Thủ tướng cho rằng không nên nhầm lẫn toàn ngành giáo dục phải tự chủ trong công tác tài chính. “Cơ sở giáo dục ở vùng sâu, vùng xa làm sao có thể tự chủ được mà vai trò của Nhà nước vẫn phải rất lớn trong đầu tư, phát triển giáo dục ở những nơi này”, Phó Thủ tướng nói.
Riêng về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “càng tự chủ mạnh mẽ càng tốt”. Tuy nhiên, Chính phủ sẽ có các cơ chế đặt hàng dịch vụ công (đối với các trường đại học nghiên cứu khoa học cơ bản… khó có thể tự chủ tài chính) hoặc đấu thầu cung cấp dịch vụ công tới các cơ sở giáo dục đối với các dịch vụ giáo dục mang lại giá trị gia tăng.
Lãnh đạo Chính phủ cũng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mạnh mẽ như giao tài sản đất đai, cơ chế tín dụng phù hợp cho giáo dục đại học; chủ động sắp xếp lại lao động.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GD&ĐT tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội nghị, hoàn thiện lại báo cáo theo hướng bám sát các nội dung về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp của Đề án.
Hồng Hạnh (Báo điện tử Dân trí)