Phó Thủ tướng phân tích, thực hiện Nghị quyết của TƯ, chúng
ta đã làm theo lộ trình rất bài bản, chủ động, theo đó nếu kỳ thi này được tổ
chức trước 1/7 vẫn sẽ mang tên là Kỳ thi THPT Quốc gia theo đúng lộ trình và
đúng luật. Tuy nhiên, vì dịch bệnh Covid-19 nên có một số điều bị động. Kỳ thi
phải tổ chức sau 1/7, nên thực hiện đúng Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ
1/7/2020, chúng ta sử dụng tên gọi là Kỳ thi xét tốt nghiệp THPT.
Do phải cắt giảm chương trình nên tinh thần là học gì thi
nấy. Nội dung đề thi, độ phân hóa đề sẽ giảm bớt, bài thi tổng hợp chỉ có một
đầu điểm vì nhiệm vụ chính của kỳ thi là phục vụ tốt nghiệp.
Về tổ chức thi, theo Phó Thủ tướng, năm nay không cử giảng
viên đại học về trông thi. Việc ra đề thi theo hình thức trắc nghiệm, gắn thêm
camera, sử dụng công nghệ phần mềm, chấm thi trên máy,... nên chúng ta hoàn
toàn có thể đảm bảo kỳ thi trung thực.
Ngoài ra, sẽ thêm một yêu cầu nữa là các tỉnh công khai điểm
học bạ và sau khi chấm xong trắc nghiệm sẽ đối chiếu với điểm học bạ. Chúng ta
cũng tăng trách nhiệm của địa phương, cùng thanh tra các cấp (nhà nước, cấp
tỉnh) có trách nhiệm thanh tra tổ chức kỳ thi.
Nói về tuyển sinh, Phó Thủ tướng cho biết, hiện nay có
khoảng 10% trường top trên tự tổ chức thi, trừ trường quân đội, công an và các
trường y; còn lại vẫn lấy theo kết quả kỳ thi này để xét tuyển và khoảng 25%
trường sẽ xét học bạ.
Với ý kiến cho rằng, như vậy là sẽ việc thi sẽ quay lại
giống như nhiều năm trước đây, Phó Thủ tướng khẳng định không phải như vậy.
Nhiều năm trước đây, tất cả các trường đều tổ chức thi, còn bây giờ, như nói ở
trên, không phải tất cả các trường đều tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng; chỉ một
số trường top đầu tổ chức thi. Các trường tốp giữa có thể liên kết với các
trường tốp trên để lấy kết quả tuyển sinh. Đây hoàn toàn đúng theo xu thế đổi
mới đại học.
Cũng theo Phó Thủ tướng, trước đây việc vào đại học khó khăn
hơn hiện nay; ở thời điểm này các trường đại học đã có rất nhiều thay đổi. "Vừa
rồi, đã kiểm định, phân thành các nhóm trường, xếp hạng, uy tín trong xã hội
của các trường đại học được ước lượng. Có những trường, kể cả xét học bạ cũng
không ai đăng ký.
Các trường đại học có thể tuyển sinh thành nhiều đợt trong
năm. Tuyển sinh không nhất thiết phải bằng điểm thi mà những em có năng khiếu
đặc biệt cũng có thể nhận được" - Phó Thủ tướng nói.
Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTTN&NĐ Quốc hội Phan Thanh Bình: "Tổ chức thi tốt nghiệp THPT là
đang đi đúng hướng"
Phát biểu cho ý kiến về phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp
THPT năm 2020, ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh
niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, dù khó khăn nhưng chúng ta
đang đi đúng hướng.
"Luật không đặt ra thi THPT quốc gia", nhấn mạnh
điều này, ông Phan Thanh Bình cho rằng, tổ chức thi tốt nghiệp THPT là thực
hiện đúng theo Luật Giáo dục 2019, để công nhận hoàn thành trình độ phổ thông,
được cấp bằng tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, việc này không làm nhẹ đi đánh giá
của THPT mà còn làm "chuẩn" để học sinh có thể học tiếp ở bậc học cao
hơn ở trong và ngoài nước.
Đồng tình với việc giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức
Kỳ thi của địa phương, ông Phan Thanh Bình nhấn mạnh: Lãnh đạo địa phương phải
chịu trách nhiệm về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương mình chứ
không phải Bộ GD&ĐT, điều này cũng được ghi trong Luật.
Liên quan đến vấn đề tuyển sinh, theo ông Phan Thanh Bình,
hiện nay khoảng 10% các cơ sở giáo dục đại học top trên đã có phương án tuyển
sinh; một số cơ sở giáo dục đại học khác đồng thời đã công nhận phương thức
đánh giá của những trường này.
"Ví dụ, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh năm nay thực hiện đánh giá
năng lực bằng một buổi thi trên máy tính rất nhẹ nhàng và hiện đã có 57 trường
đại học đăng ký nhận sử dụng kết quả của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh để tuyển sinh"
- ông Phan Thanh Bình cho hay.
Ngoài ra, nhiều trường đại học cũng có xu hướng kết khối
lại, tuyển sinh theo cụm trường; Bên cạnh đó, các trường cũng có thể sử dụng
kết quả học bạ, kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT để tuyển sinh.
Tuy nhiên, xu hướng tương lai, theo ông Phan Thanh Bình, là
các trung tâm đánh giá chất lượng phổ thông, có thể thực hiện đánh giá nhiều
đợt trong năm; hiện một vài đơn vị bắt đầu thực hiện việc này; đồng thời, một
số trường đại học cũng đã công nhận một số đánh giá của nước ngoài để xét
tuyển.
"Có thể nói dù khó khăn nhưng chúng ta đang đi đúng
hướng, và trong cái "nguy" có cơ hội. Tôi tin, khi cả hệ thống chính
trị cùng vào cuộc, chúng ta sẽ làm được. Các trường đại học, theo tôi biết cũng
có khuynh hướng ủng hộ việc này" - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục,
Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình nhận định.
Thủ
tướng: Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi
tốt nghiệp THPT năm 2020
Tại
cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 chiều 22/4, đồng ý
với phương án tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 (thay vì Kỳ thi THPT
Quốc gia như mọi năm), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chủ
tịch UBND tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi này, đảm
bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh.
Đánh giá cao sự chủ động của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong
việc xây dựng phương án thi THPT phù hợp với tình hình dịch bệnh, Thủ tướng
đồng thời yêu cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy chế và hướng dẫn
công tác thi tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng. Trong đó
tập trung vào một số việc: Bộ ra đề thi trên tinh thần không đánh đố, học gì
thi nấy, nhưng phải nâng cao chất lượng.
|
Trung tâm Truyền
thông Giáo dục