Sáng nay (30/9), Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Tự chủ đại học và trách nhiệm xã hội” với sự tham dự của hàng trăm trường đại học trên cả nước.
Mở đầu hội thảo, đại diện của các trường và nhiều chuyên gia giáo dục tỏ ra bất ngờ với sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, và ông phát biểu như một tham luận về vấn đề này.
Phó Thủ tướng bày tỏ: “Tôi rất hoan nghênh và cảm ơn Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam đã dành rất nhiều tâm sức xung quanh câu chuyện đổi mới giáo dục và đào tạo đặc biệt là giáo dục đại học cụ thể là việc tổ chức một cuộc hội thảo như ngày hôm nay.
Thú thực, tôi hơi bất ngờ. Tôi chuẩn bị đến đây là ngồi bàn tròn tâm sự với nhau, nhưng đến đây thấy rất đông đủ. Tôi rất mừng!”.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhận định, đổi mới là một quá trình liên tục. Việt Nam thường xuyên đổi mới giáo dục, nhưng vì xét thấy xu thế thế giới, thực trạng giáo dục trong nước cần phải đổi mới căn bản và toàn diện nên Trung ương có Nghị quyết 29.
Khi điểm lại quá trình xây dựng nghị quyết ấy, điểm lại thấy nền giáo dục nước nhà có rất nhiều kết quả, trong đó giáo dục phổ thông có nhiều điểm đáng mừng hơn.
Phó Thủ tướng chia sẻ: “Có rất nhiều chỉ số để nói rằng giáo dục đại học “có vấn đề”, ví dụ số lượng cử nhân, thạc sĩ ra trường không có việc làm. Đương nhiên điều này còn tùy thuộc vào tình hình kinh tế xã hội, nhưng rõ ràng cũng có vấn đề về chất lượng đào tạo.
Có nhiều nhà kinh tế nói với tôi rằng nếu ta có nhiều thật nhiều cử nhân ra cử nhân, thạc sĩ ra thạc sĩ, tiến sĩ ra tiến sĩ thì đó là nguồn lực thu hút mạnh mẽ hơn”.
Phó Thủ tướng nêu ra một thí dụ mà ông nói rằng rất buồn, đó là điểm lại công bố quốc tế Việt Nam rất thấp. Cụ thể, trong số khoảng 10.000 tạp chí ISI thì Việt Nam không có cái nào; trong số khoảng 20.000 tạp chí Scorpus thì Việt Nam có 3 cái, nhưng không có cái nào của trường đại học cả mà toàn của các viện nghiên cứu.
“Gần đây, ta nói nhiều đến khoa học công nghệ liên quan nhiều mảng của mình, đất nước phát triển bền vững thì phát triển khoa học công nghệ nhằm để đổi mới sáng tạo quốc gia là một tam giác đều, xoay chiều nào cũng được. Một đỉnh là đại học, một đỉnh là nghiên cứu, một đỉnh là Nhà nước và trung tâm là doanh nghiệp.
Còn ở nước ta theo nhiều chuyên gia quốc gia đánh giá, mô hình của Việt Nam là tam giác cân, đáy nhỏ nên không xoay nhiều chiều. Đỉnh cao nhất là Nhà nước, 2 đỉnh dưới cùng là doanh nghiệp và Đại học, ở giữa trung tâm là viện nghiên cứu.
Chính vì vậy, Đại học không tham gia vào nghiên cứu công tác nghiên cứu khoa học nhiều như các nước tiên tiến.
Hai điểm này cho thấy chúng ta cần đổi mới giáo dục căn bản toàn diện và đại học cần vừa căn bản toàn diện vừa mạnh mẽ bởi tiếp cận đầu ra của thị trường lao động thì đại học gần hơn”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có một bài "tham luận" sâu sắc, khẳng định tự chủ đại học là xu thế tất yếu của thế giới. ảnh: Ngọc Quang.
Và để đổi mới có hiệu quả phù hợp với xu thế tất yếu của thế giới thì các trường đại học phải quyết tâm tự chủ.
Theo nhiều nhà phân tích, môi trường đại học đòi hỏi sự khai phóng, sáng tạo và những người tham gia quản trị đại học là người có trình độ, có hiểu biết, mặt bằng hiểu biết tương đối cao và đồng nhất. Đặc biệt, tự chủ gắn với giải trình xã hội.
Phó Thủ tướng chia sẻ một câu chuyện hết sức thú vị: “Có lần, tôi gặp một chuyên gia, anh ấy hỏi tôi: Anh Đam, anh biết đấy, Havard là trường tư, nhưng anh biết trường đó là của ai không? Tôi trả lời: Tôi nghĩ là của nước Mỹ!
Chuyên gia này tiếp lời: Cũng đúng, nhưng nếu nói với tư cách bạn bè, theo tôi đó là trường của nhân loại”.
Các trường tự chủ, nhưng nhà nước tiếp tục quan tâm, hỗ trợ
Trên thực tế, vấn đề tự chủ đại học ở Việt Nam đã được đặt ra từ lâu, ngay từ năm 1994 đã áp dụng đối với Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 1995 áp dụng với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, rất đáng tiếc là sau đó vấn đề này lại không được thúc đẩy thêm, không đạt được những mong muốn đề ra.
Nguyên nhân chính dẫn tới vấn đề tự chủ chậm tiến triển là do hầu hết đều hiểu lệch theo hướng tài chính, lo lắng rằng nhà nước sẽ không cấp tiền nữa thì không có tiền chi thường xuyên.
Chia sẻ tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã giúp cho nhiều trường đại học thở phào nhẹ nhõm với những luồng suy nghĩ thoáng đạt hơn, hiểu rằng tự chủ không chỉ đơn thuần là về tài chính.
Theo Phó Thủ tướng, có ba vấn đề đáng chú ý:
Thứ nhất, tự chủ chuyên môn, dạy học và nghiên cứu liên quan đến quản lý nhà nước. Trước đây, ta có nhiều việc “cầm tay chỉ việc”, nhưng giờ đây đã tháo gỡ được nhiều, những trường gần đây cho tự chủ thậm chí được nhiều quyền hơn.
Thứ hai, tự chủ bộ máy tổ chức, nhân sự, vừa rồi Bộ Nội vụ có quyết định tháo gỡ căn bản liên quan đổi mới về sự nghiệp công. Trong sự nghiệp giáo dục, số biên chế hiện nay tự có, muốn tuyển thêm bao nhiêu là toàn quyền tự làm chứ không bị giàng buộc phải xin đề án xin nhân lực.
Thứ ba, về tự chủ tài chính. Cách đây 10 năm đặt ra câu hỏi: Tự chủ thật sự là như thế nào?
Ở những quốc gia như Đức, Pháp có tự chủ đại học có thậm chí rất nhiều nhưng nhà nước vẫn cấp kinh phí. Có nghĩa là tự chủ không có nghĩa là Nhà nước không cấp kinh phí nữa.
Vậy tự chủ là như thế nào? Ta hãy hình dung 14 trường tự chủ hiện nay, nếu nhìn tinh sẽ thấy các trường được lợi quá vì được nhiều quyền mà vẫn được Nhà nước đầu tư.
“Các đồng chí hãy bỏ ý nghĩ trong đầu nỗi sợ là nếu tự chủ thì không được nhà nước đầu tư nữa. Tôi khẳng định tự chủ không phải là Nhà nước không đầu tư chỉ có điều thay đổi cách đầu tư”, Phó Thủ tướng phát biểu.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, việc đăng ký tự chủ không chỉ mang lại cho mình mà còn giúp cho rào cản giữa công lập và tư thục được tháo gỡ.
Thay vì Nhà nước cấp tiền lương giáo viên, khi là viên chức yên tâm vị trí đó thì giờ dùng tiền ấy để cấp học bổng cho học sinh thuộc các đối tượng chính sách, gia đình khó khăc; hoặc nhà nước tiếp tục đầu tư tăng nguồn cho nghiên cứu khoa học, chứ Nhà nước không cắt ngay nguồn đầu tư cho khối đại học.
Phó Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ đang soạn Dự thảo Nghị định theo hướng về cơ bản các trường đại học tự chủ tạo toàn quyền nhưng thay đổi mô hình quản trị, cơ quan chủ quản giảm sự can thiệp hành chính bằng việc đầu tiên là bổ nhiệm hội đồng tường lâm thời (6 tháng,1 năm).
Trong thời gian đó, hội đồng trường đó bầu chọn Hiệu trưởng, hiệu phó, cơ quan lãnh đạo trong trường.
Ngoài ra, trước đây, quy định người có học hàm học vị 65 tuổi trở lên không được quản lý chỉ được làm chuyên môn, nhưng nếu tự chủ không nên can thiệp mà chỉ can thiệp tuổi về hưu.
Kết thúc bài “tham luận” sâu sắc, Phó Thủ tướng nêu ra một thí dụ so sánh tạo thêm niềm tin cho các trường mạnh dạn tự chủ: “Chúng ta đang rất kiên trì quyết liệt thực hiện đường lối đổi mới, và một trong những mũi ấy là đổi mới mũi doanh nghiệp Nhà nước.
Bước khó khăn nhất ban đầu mà chúng ta gặp phải là phân biệt chức năng quản lý Nhà nước với chức năng sở hữu doanh nghiệp và việc bỏ chủ quản trong doanh nghiệp vô cùng gian nan, vất vả.
Bởi khi đó các Bộ, các ủy ban, các Ban giám đốc không đồng thuận nhưng Nhà nước kiên trì thuyết phục và kết quả là đổi mới được hệ thống doanh nghiệp Nhà nước như hiện nay.
Đổi mới đại học còn khó khăn hơn đổi mới doanh nghiệp bởi nó liên quan đến con người cho nên trong thời gian tới chúng ta cần có trách nhiệm hơn, khấu triệt và quyết tâm cao hơn”.
Ngọc Quang - Thùy Linh (giaoduc.net.vn)