|
Nguyễn Đình Thục dùng loa kích động giáo dân đi kiện vào ngày 14/2/2017. |
Việc kích động, xúi giục giáo dân dẫn tới những hành vi vi phạm pháp luật của ông Thục không phải bây giờ mới diễn ra.
Trước đó vào năm 2012 khi đang là phó chánh của giáo xứ Quan Lãng (xã Tường Sơn, Anh Sơn), ông Nguyễn Đình Thục chính là người đứng sau vụ việc tổ chức truyền đạo, giam giữ, đánh đập người trái pháp luật xảy ra tại thôn Trung Hương, xã Yên Khê, huyện Con Cuông ngày 01/7/2012.
Sau khi được điều về làm quản xứ Song Ngọc (xã Quỳnh Ngọc, Quỳnh Lưu), ông ta lại tiếp tục gây sóng, nổi gió tại nơi này. Song Ngọc là một xứ đạo ven biển thanh bình, yên ả, người dân sống tốt đời đẹp đạo, chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tuy nhiên, sau khi ông Thục về làm quản xứ thì xứ đạo này đã không còn bình yên.
|
Ngày 14/2, dù thời tiết mưa rét nhưng một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin vẫn tham gia đi kiện theo lời kích động của ông Nguyễn Đình Thục. |
Sự cố ô nhiễm môi trường biển Miền Trung là một cái cớ để ông Nguyễn Đình Thục liên tục có những lời rao giảng xuyên tạc, chống đối, bêu xấu chính quyền, kích động người dân biểu tình với cái lý do rất không liên quan “đi kiện đòi bồi thường”.
Điển hình là tháng 10/2016, ông Thục đã có những lời rao giảng kích động giáo dân thuộc giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc và một số giáo xứ lân cận… vào Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh gửi đơn kiện Công ty Formosa, nhưng Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh đã trả đơn kiện vì đơn và các tài liệu của người dân khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại do sự cố Formosa gây ra.
Ông Nguyễn Đình Thục còn loan tin trên một số trang mạng xã hội về việc sẽ tổ chức cho giáo dân đi vào huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để khiếu kiện Công ty Formosa, đòi bồi thường cho ngư dân vùng biển Quỳnh Lưu, Nghệ An do sự cố môi trường biển xẩy ra ở Hà Tĩnh trong năm 2016.
Ngày 10/2/2016, ông ta còn soạn một bức thư ngỏ kêu gọi quý cha và cộng đoàn các giáo xứ “hiệp thông” cho việc lôi kéo giáo dân đi “gửi đơn kiện” tại tòa án nhân dân xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh).
Sáng ngày 14/2/2017, nhiều giáo dân nhẹ dạ, cả tin đã nghe theo lời rao giảng của ông Nguyễn Đình Thục tụ tập tại nhà thờ giáo xứ Song Ngọc, Quỳnh Ngọc (người đi bộ, người đi xe đạp, xe máy) mang theo cờ trống, băng rôn, loa, máy ảnh... kéo về phía Quốc lộ 1A, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
|
Khi đại diện chính quyền đứng ra giải thích với bà con, Nguyễn Đình Thục vẫn có hành vi kích động các giáo dân. |
Trước hết, hành vi của Nguyễn Đình Thục là không đúng với chức trách, nhiệm vụ của một chức sắc tôn giáo. Bởi việc giải quyết bồi thường thiệt hại do Fomosa gây ra là trách nhiệm của Chính phủ, của các địa phương liên quan. Trên thực tế vấn đề này đã và đang được Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm chỉ đạo giải quyết. Người dân các vùng ven biển miền Trung trực tiếp chịu thiệt hại do sự cố môi trường Formosa gây ra đã, đang và sẽ tiếp tục được nhận tiền đền bù, căn cứ theo sự thống nhất và thỏa thuận giữa các bên. Đồng thời, người dân các vùng bị thiệt hại tại 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế cũng đã ổn định cuộc sống và tổ chức sản xuất bình thường.
|
Một số giáo dân bị kích động đã ném đá về phía lực lượng chức năng đang thi hành nhiệm vụ. |
Thứ hai, nếu ông Thục thực tâm nghĩ cho giáo dân và mục đích là “nộp đơn” khởi kiện, có thể cử người đi đại diện, chứ sao nhất thiết phải huy động cả trăm người với đủ loại phương tiện, chủ yếu là xe máy, đi bộ mang theo đồ ăn thức uống, băng rôn, khẩu hiệu tổ chức quay phim, chụp ảnh phô trương, rùm beng như thế ? Mặt khác, một số giáo dân đi khởi kiện thuộc 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải và Quỳnh Thọ (Quỳnh Lưu) - là địa phương có vùng biển nằm ngoài vùng bị ô nhiễm sự cố môi trường do Fomosa gây ra tại Hà Tĩnh. Tại sao họ phải vất vả vượt một quãng đường dài vào tận Hà Tĩnh để nộp đơn khởi kiện?
|
Xe cảnh sát giao thông đậu bên quốc lộ 1A làm nhiệm vụ cũng bị các giáo dân quá khích ném vỡ kính, đèn hiệu, gương chiếu hậu. |
Trong khi theo như lời ông Thục tại Thư Ngỏ ngày 10/2/2016, chính ông ta (một người chẳng liên quan đến những thiệt hại do sự cố môi trường biển) là người “đứng tên cho 619 hộ thuộc địa bàn 3 xã Quỳnh Ngọc, Sơn Hải, Quỳnh Thọ....đòi bồi thường thiệt hại”. Ngạc nhiên hơn, Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh đã trả đơn kiện vì đơn và các tài liệu khởi kiện không đưa ra được tài liệu, chứng cứ chứng minh về những thiệt hại, thế nhưng ông Thục vẫn khẳng định trong Thư Ngỏ “chưa nhận được sự phúc đáp của các cơ quan nêu trên” và biến một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin thành “con rối” để giật dây, điều khiển.
Thứ ba, bổn phận của người chăm sóc phần hồn cho giáo dân là “làm phát triển nơi anh chị em và con cái những đức tính của người công dân tốt, nhất là ý thức về chân lý và công bình, và tinh thần sẵn sàng phục vụ lợi ích của Tổ Quốc”, chính Đức Giáo hoàng Benedict XVI đã răn rằng “người Công giáo tốt trước hết phải là một công dân tốt”. Thế nhưng, Nguyễn Đình Thục lại có những hoạt động dẫn dắt con chiên đi vào con đường lạc lối, đi ngược chủ trương, chính sách của Nhà nước, thậm chí vi phạm pháp luật. Với những hành vi ấy, liệu Nguyễn Đình Thục đã làm tròn bổn phận của mình?
Thứ tư, soi vào tinh thần Thư chung của HĐGM Việt Nam năm 1980 “Lòng yêu nước của chúng ta phải thiết thực, nghĩa là chúng ta phải ý thức những vấn đề hiện tại của quê hương, phải hiểu biết đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà Nước, và tích cực cùng đồng bào toàn quốc góp phần bảo vệ và xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, tự do và hạnh phúc” và trách nhiệm của các linh mục là “đưa Hội Thánh ở Việt Nam đi vào con đường đã lựa chọn là: sống Phúc Âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” thì hành vi kích động, lôi kéo giáo dân tụ tập, khiếu kiện đông người gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông của Nguyễn Đình Thục không chỉ đi ngược lại với đường hướng của giáo hội công giáo Việt Nam, mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của giáo hội công giáo Việt Nam.
Trong khi các cấp chính quyền đang nỗ lực hỗ trợ người dân ra khơi, sản xuất vụ Xuân thì ông Nguyễn Đình Thục lại lấy cớ từ một sự việc diễn ra ở địa phương khác để xúi bẩy, kích động một số giáo dân nhẹ dạ, cả tin đi khởi kiện, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn. Bất chấp việc làm này ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất và đời sống người dân, thậm chí đẩy những giáo dân này vào con đường vi phạm pháp luật.
Câu hỏi đặt ra là: đằng sau việc kích động giáo dân kéo vào Hà Tĩnh “nộp đơn” khởi kiện công ty Formosa là để đòi bồi thường thiệt hại cho người dân, hay để quay phim, chụp ảnh tung lên các trang mạng phục vụ ý đồ và lợi ích của ông Nguyễn Đình Thục?
Nguồn: Báo Nghệ An