Đây là chính sách mới, thể hiện quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc cụ thể hóa Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 về chủ trương phát triển và đầu tư cho giáo dục: "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu" (khoản 1, Điều 4, Chương 1) và "Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển" (khoản 1, Điều 17, Chương 1). Sự ra đời của Nghị định mang nhiều ý nghĩa to lớn, không chỉ tạo cơ chế cho các địa phương chủ động kế hoạch, ngân sách dành cho đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp giáo dục địa phương mà quan trọng hơn còn góp phần nuôi dưỡng đam mê nghề giáo cho thế hệ trẻ bằng những chính sách thiết thực.

Trường Đại học Vinh là một cơ sở đào tạo giáo viên có uy tín trong cả nước. Trong 60 ngành đào tạo trình độ đại học hiện nay của Nhà trường có 15 ngành đào tạo giáo viên. Hầu hết các chuyên ngành đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ mà Nhà trường đang thực hiện đều liên quan đến việc nâng cao trình độ của đội ngũ nhà giáo. Trong chiến lược phát triển, Nhà trường luôn xác định lấy chất lượng đào tạo giáo viên làm nòng cốt để nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo của Nhà trường. Hiện nay, Trường Đại học Vinh được chọn là một trong 8 cơ sở giáo dục chủ chốt về đào tạo giáo viên theo Chương trình Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục (ETEP). Vì vậy, Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 được ban hành không chỉ ảnh hưởng đến hàng chục ngàn sinh viên sẽ theo học trong các trường đào tạo giáo viên của cả nước mà còn có ý nghĩa hết sức to lớn, là động lực để tập thể cán bộ, viên chức và học sinh, sinh viên Trường Đại học Vinh yên tâm học tập, cống hiến cho ngành giáo dục.

Trường Đại học Vinh là một cơ sở đào  tạo giáo viên có uy tín của cả nước

Nâng bước cho sinh viên sư phạm nghèo

Trường Đại học Vinh đóng trên quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, có truyền thống yêu nước, hiếu học nhưng cũng là mãnh đất có khí hậu khắc nghiệt, lắm thiên tai. Trường Đại học Vinh hiện có 2.306 sinh viên sư phạm. Sinh viên của Nhà trường đến từ 54 tỉnh thành trong cả nước nhưng chủ yếu là sinh viên thuộc các tỉnh: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Phần lớn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, sinh viên dân tộc, sinh viên là con của gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, người có công với cách mạng. Bởi vậy, Trường Đại học Vinh còn được gọi là "trường của những sinh viên nghèo". Chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm được quy định trong Nghị định 116/2020/NĐ-CP rất thiết thực, kịp thời đối với sinh viên của Nhà trường. Với chính sách hỗ trợ kinh phí bảo đảm đủ tiền đóng học phí và chi trả chi phí sinh hoạt tối thiểu để sinh viên yên tâm theo học ngành đào tạo giáo viên, một luồng không khí mới vui tươi, phấn khởi đang tràn ngập trong khối sinh viên sư phạm của Nhà trường trước thềm năm học mới 2020 - 2021.

Theo Nghị định, sinh viên sư phạm sẽ được hỗ trợ hai khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí, trong đó học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi theo học và chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường được hỗ trợ mức 3,63 triệu đồng/tháng. Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường theo quy định, nhưng không quá 10 tháng/năm học.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định những chính sách ưu đãi khác như: đồng thời được hưởng các chính sách trợ cấp ưu đãi, trợ cấp xã hội, học bổng khuyến khích học tập, tín dụng sinh viên theo quy định. Trường hợp học sinh, sinh viên sư phạm nghỉ học tạm thời do ốm đau, tai nạn, học lại, lưu ban (không quá một lần) hoặc dừng học vì lý do khác không do kỷ luật hoặc tự thôi học sẽ được cơ sở đào tạo giáo viên xem xét tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ. Bình luận về chính sách mới này, GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh đã nói: "Nghị định là chính sách nâng bước sinh viên sư phạm nghèo". Có thể nói, chính sách hỗ trợ cho sinh viên sư phạm đã tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất cho những sinh viên mong muốn học ngành đào tạo giáo viên và cống hiến trong ngành giáo dục. Chính sách ấy thể hiện sự quan tâm mang tính nhân văn sâu sắc của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng bước cho sinh viên nghèo nuôi dưỡng đam mê với nghề giáo.

GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh

Thu hút sinh viên giỏi vào học và công tác trong ngành giáo dục

Nhằm nâng cao chất lượng giáo viên, trong những năm gần đây, Bộ GD&ĐT đã quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào đối với các thí sinh xét tuyển vào các ngành đào tạo giáo viên trình độ đại học. Đồng thời, chú trọng công tác nghiên cứu, dự báo nhân lực sư phạm, trong đó phối hợp với các địa phương rà soát dự báo số lượng giáo viên các cấp, thực hiện giao chỉ tiêu đào tạo sư phạm theo nhu cầu. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở đổi mới chương trình đào tạo, tăng cường công tác hướng nghiệp sư phạm. Trong khuôn khổ Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ GD&ĐT đã ban hành kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT cũng tăng cường sự phối hợp với các bên liên quan trong việc quan tâm đến nâng cao vị thế nhà giáo, tăng tính hấp dẫn của nghề giáo, môi trường làm việc của giáo viên gắn với chế độ đãi ngộ lương, phụ cấp, thu nhập. Dù vậy, tỷ lệ học sinh giỏi vào học và công tác trong ngành giáo dục những năm qua còn chưa nhiều.

Với chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm được quy định trong Nghị định này, các cơ sở đào tạo giáo viên hy vọng đây sẽ là động lực lớn nhằm thu hút những sinh viên giỏi, có tâm huyết, nguyện vọng cống hiến cho ngành giáo dục. Bạn Nguyễn Đức Tiệp, sinh viên năm thứ 4, ngành Sư phạm Toán hệ chất lượng cao bày tỏ suy nghĩ: "Nghị định của Chính phủ rất thiết thực đối với sinh viên sư phạm chúng em, bởi vì giúp chúng em có điều kiện học tập tốt hơn, toàn tâm toàn ý cho việc học tập mà không phải bận tâm về tài chính. Tuy nhiên, em có chút "tiếc nuối" vì bây giờ đã là sinh viên năm thứ tư rồi". Chia sẻ về điều kiện ràng buộc của chính sách, bạn Tiệp cho biết điều kiện ràng buộc cũng không phải là quá khó cho sinh viên vì sinh viên đều mong muốn sau khi tốt nghiệp ra trường được cống hiến trọn đời trong ngành giáo dục. Đảng và Nhà nước cũng như các địa phương, ngành GD&ĐT nên tiếp tục có những kế hoạch và chính sách cụ thể, thiết thực hơn nữa để sinh viên sư phạm ra trường được công tác trong ngành mà không chật vật để đi tìm những công việc khác.

Sinh viên mong muốn được hỗ trợ bằng những chính sách thiết thực, cụ thể

Tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chia sẻ: "Với chính sách được quy định trong Nghị định sẽ tạo động lực cho người giỏi vào học sư phạm, đặc biệt là đối với những sinh viên nghèo, là điều kiện thuận lợi để các trường sư phạm nâng cao chất lượng dạy học, chất lượng đào tạo đội ngũ nhà giáo".

Chính sách hỗ trợ kinh phí (bao gồm học phí và sinh hoạt phí) cho sinh viên sư phạm sẽ giúp cơ sở đào tạo giáo viên chủ động hơn, thúc đẩy quá trình tự chủ và phát triển của nhà trường.

Đối với Trường Đại học Vinh, Nhà trường luôn xem việc nâng cao chất lượng thực học, thực nghiệp là đòn bẩy để nâng cao toàn diện chất lượng đào tạo. Từ năm học 2017 - 2018, Nhà trường đã áp dụng chương trình đào tạo tiếp cận CDIO cho tất cả các chương trình đào tạo trình độ đại học, trong đó có các ngành đào tạo giáo viên. Hiện nay, Nhà trường đang triển khai mạnh mẽ công tác kiểm định chất lượng các ngành đào tạo đại học, các chuyên ngành đào tạo sau đại học, phấn đấu đến năm 2025 có tối thiểu 18 chương trình đào tạo được kiểm định và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Trong năm học 2020 - 2021, Nhà trường tiến hành kiểm định theo Bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục của Mạng lưới Đảm bảo chất lượng các trường đại học ASEAN (AUN-QA) đối với 2 ngành Sư phạm Toán học và Công nghệ thông tin; kiểm định trong nước đối với 5 ngành, trong đó có 3 ngành Sư phạm, gồm: Sư phạm Hóa học, Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non.         

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nhiều thuận lợi nhưng cũng đặt ra không ít thánh thức đối với giáo dục đại học nói chung và đối với đào tạo giáo viên nói riêng. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng Đảng và Nhà nước đã không ngừng quan tâm, có chính sách thiết thực hỗ trợ cho những nhà giáo tương lai của ngành Giáo dục nước nhà. Điều đó không chỉ thể hiện tầm chiến lược cho tương lai mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong đường lối, chủ trương, góp phần nuôi dưỡng đam mê nhà giáo cho thế hệ trẻ Việt Nam. 

TT. ĐHV