Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về năm 2018 của ngành giáo dục? Chuyện gì khiến Bộ trưởng hài lòng, và chuyện gì khiến ông còn trăn trở?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2018 là năm tiếp theo ngành giáo dục triển khai Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và cũng là năm để lại trong ấn tượng của nhiều người là bức tranh giáo dục với nhiều cảm xúc, gam màu sáng có và màu tối cũng có.
Đơn cử gam màu sáng của năm 2018 được thể hiện chương trình giáo dục phổ thông mới sau một thời gian biên soạn, lấy ý kiến nhân dân, đã được công bố chính thức vào những ngày cuối cùng của năm 2018, sẽ hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Đó là những đổi mới trong nội dung, phương pháp giáo dục, dần chuyển từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang phát triển phẩm chất, năng lực người học, lấy người học làm trung tâm.
Ngoài ra những nỗ lực trong một quá trình của ngành đã được ghi nhận tại báo cáo công bố tháng 3/2018 của Ngân hàng Thế giới: Việt Nam là một trong hai quốc gia thuộc khu vực Đông Á - Thái Bình Dương có hệ thống giáo dục phát triển ấn tượng; học sinh Việt Nam có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ tin rằng năm 2019 sẽ có bản đồ về đổi mới từng cấp học
Sau hai lần tham gia Chương trình Đánh giá Học sinh Quốc tế (PISA) vào các năm 2012, 2015, trong đó năm 2015, học sinh Việt Nam xếp thứ tám thế giới về khoa học, cho thấy giáo dục đại trà của Việt Nam đạt chất lượng tiệm cận nhiều nước phát triển.
Bên cạnh giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn tiếp tục là điểm sáng.
Năm 2018, giáo dục Việt Nam đón nhận những tin vui trên các bảng xếp hạng quốc tế: Lần đầu tiên 100% học sinh các đội tuyển dự thi Olympic khu vực và quốc tế đoạt huy chương, trong đó đã có những em trở thành người chiến thắng với số điểm cao nhất thế giới. Những ngày cuối năm 2018, đội tuyển học sinh dự kỳ thi khoa học quốc tế mang về thành tích cao nhất từ trước đến nay.
Giáo dục đại học cũng có một năm nhiều biến chuyển đặc biệt là vấn đề tự chủ. Lần đầu tiên Việt Nam có 2 đại học lọt top 1.000 thế giới. 23 trường đã thực hiện thành công thí điểm tự chủ đại học, trong đó có 3 trường đại học đang làm Đề án tự chủ ở mức cao hơn nhằm phát huy tốt hơn nữa hiệu quả của tự chủ đại học.
Đặc biệt, cuối tháng 11/2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học đã được Quốc hội thông qua. Đây là điều kiện mở ra trang mới cho phát triển giáo dục đại học.
Bên cạnh đó vẫn còn một số việc mà ngành đang làm nhưng chưa có kết quả đó là việc chuẩn bị quy hoạch mạng lưới trường lớp từ cấp mầm non đến phổ thông, đại học rồi việc đẩy mạnh công nghệ thông tin trong dạy và học…
Tuy nhiên, năm qua ngành giáo dục vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như việc xét tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư còn để xảy ra sơ suất trong quá trình xét duyệt, kỳ thi trung học phổ thông quốc gia có sự cố ở một số địa phương rồi câu chuyện bạo lực gây bức xúc, vấn đề độc quyền, lãng phí sách giáo khoa…
Đời sống giáo viên, bạo lực học đường, chuyện thi cử và đặc biệt là chuyện chuẩn bị áp dụng chương trình, sách giáo khoa mới đang nhận được sự quan tâm rất lớn của các thầy cô và toàn xã hội. Năm 2019, trọng tâm công việc của ngành giáo dục là gì? Ông có định hướng nào cho công tác của ngành không?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Năm 2019, trước hết chúng tôi căn cứ vào Nghị quyết trung ương, Quốc hội, Chính phủ để tiến hành rà soát, khảo sát toàn diện trong đó đặt ra nhiệm vụ trọng tâm là khắc phục những tồn tại hạn chế đã xảy ra trong thời gian qua.
Cụ thể, trong kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới, chúng tôi tập trung xây dựng ngân hàng câu hỏi chuấn hóa đồng thời có điều chỉnh theo hướng tăng cường giải pháp kỹ thuật, bảo mật ở tất cả khâu của quá trình thi, đặc biệt là chấm thi; sắp xếp, bố trí lại nhân sự làm công tác coi thi, chấm thi nhằm hạn chế tiêu cực.
Việc xét tiêu chuẩn công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư qua thời gian, những quy định đó không còn phù hợp yêu cầu thực tiễn. Vấn đề đặt ra cho Bộ là phải tham mưu để bổ sung, thay thế bằng quy định mới phù hợp hơn.
Tháng 8/2018, quy định mới về bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư do Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng đã được Thủ tướng ban hành. Với những yêu cầu cao hơn, quy định mới sẽ giải được bài toán chất lượng giáo sư, phó giáo sư mà xã hội đặt ra.
Đề án "Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025" được ban hành tháng 10/2018, triển khai từ năm 2019, sẽ tạo chuyển biến căn bản về ứng xử văn hóa của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên, học sinh, sinh viên.
Về sách giáo khoa độc quyền, lãng phí, đây cũng là những tồn tại đã được ngành giáo dục thẳng thắn nhìn nhận trong năm qua và có giải pháp để khắc phục.
Chương trình giáo dục phổ thông mới với chủ trương "một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa", trong đó bộ khuyến khích và cho phép nhiều nhà xuất bản tham gia biên soạn sách giáo khoa, sẽ khắc phục được tình trạng độc quyền. Bộ cũng đã có những chỉ đạo quyết liệt để sử dụng sách giáo khoa tránh lãng phí.
Hơn nữa, chúng tôi tin rằng năm 2019 sẽ có bản đồ về đổi mới từng cấp học. Cụ thể:
Bộ sẽ tiến hành rà soát mạng lưới trường lớp của bậc mầm non đặc biệt ở khu công nghiệp, khu chế xuất nhằm đảm bảo cho các cháu mầm non đủ chỗ học, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao trình độ, kỹ năng cho giáo viên dạy trẻ.
Ở bậc phổ thông, Bộ khẩn trương chỉ đạo các địa phương chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó tập trung bồi dưỡng, đào tạo lại đội ngũ giáo viên; nâng cao chất lượng và trách nhiệm của đội ngũ hiệu trưởng.
Bên cạnh đó trong thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẽ tiến hành cắt giảm thủ tục hành chính để tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt hơn cho các thầy cô đồng thời lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân về Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội trong đó có vấn đề lương, phụ cấp giáo viên để đời sống thầy cô được cải thiện, sống được bằng nghề.
Riêng với bậc đại học thì năm 2019 được cho là năm đột phá, trong đó tập trung quy hoạch sắp xếp lại các trường đại học, quy hoạch mạng lưới trường sư phạm để đảm bảo chất lượng đào tạo…
Từ xưa đến nay, cha ông ta thường nói "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy" ý rằng thầy cô cần phải được tôn trọng, chia sẻ và có uy tín để dạy học. Thời đại mới này, theo Bộ trưởng có câu này có cần bổ sung thêm cách hiểu, cách tiếp cận gì không?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Giáo dục liên quan đến từng người, từng nhà nên được cả xã hội dõi theo, kỳ vọng và đặt niềm tin. Điều này tạo động lực cho ngành. Nhưng giáo dục cũng cần thêm cả sự chia sẻ và đồng hành từ xã hội.
Chúng ta đang thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đổi mới dựa trên những nghiên cứu căn cơ, có học tập kinh nghiệm nước ngoài và cân nhắc các điều kiện đặc thù của Việt Nam.
Yêu cầu đặt ra của xã hội với giáo dục là phải ổn định, vì nếu không ổn định thì khó tạo ra niềm tin. Nhưng trong một xã hội thay đổi từng ngày, sự ổn định của giáo dục phải được xem xét trong "thế cân bằng động".
Những gì đã tốt, chúng ta giữ ổn định. Những gì chưa tốt cần phải nghiên cứu, đổi mới để không bị trì trệ.
Tôi nói như vậy để mong rằng xã hội sẽ tiếp tục đồng hành, dành niềm tin cho giáo dục, vì đó vừa là động lực, vừa là thách thức đặt ra cho ngành. Niềm tin xã hội là nguồn lực quan trọng để ngành giáo dục chuyển biến tích cực.
Nhân dịp Xuân Kỷ Hợi, Bộ trưởng có nhắn nhủ gì với học sinh, sinh viên, các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục cả nước?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Những gì đã làm được trong năm 2018 là sự khởi đầu cho những kế hoạch mới trong năm 2019 và những năm tiếp theo.
Nhìn vào những kỳ vọng của xã hội với giáo dục sẽ thấy, ngành còn rất nhiều việc phải làm.
Chúng tôi thấy rõ trách nhiệm của ngành, luôn cầu thị và đang tìm ra những giải pháp hợp lý để giải quyết các vấn đề đặt ra đối với giáo dục nước nhà.
Chúng tôi mong nhận được sự đồng hành và tin tưởng của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo, các nhà quản lý giáo dục, các em học sinh, sinh viên trong cả nước để từng bước đáp ứng được những kỳ vọng ấy.
Nhân dịp đón xuân Kỷ Hợi, thay mặt lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, tôi xin gửi lời cảm ơn và lời chúc mừng năm mới tốt đẹp nhất tới các thầy cô giáo đã và đang công tác trong ngành giáo dục, các bậc phụ huynh, những người đã luôn dành sự quan tâm, đồng hành với ngành Giáo dục trong suốt năm qua.
Chúc các em học sinh, sinh viên trong cả nước có một năm mới với những tiến bộ và thành công mới!
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Thuỳ Linh (giaoduc.net)