Trình độ trung cấp chính thức bị "xóa sổ" trong nhà trường
Ở "Điều 72. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo
1. Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo được quy định như sau:
a) Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với giáo viên mầm non;
b) Có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên trở lên đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Trường hợp môn học chưa đủ giáo viên có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên thì phải có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm;
c) Có bằng thạc sĩ đối với nhà giáo giảng dạy trình độ đại học; có bằng tiến sĩ đối với nhà giáo giảng dạy, hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ;
d) Trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp."
Như vậy, với quy định trong Luật thì trình độ giáo viên mầm non ít nhất phải là cao đẳng sư phạm (trước đây chỉ cần trung cấp sư phạm), trình độ giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông ít nhất phải là đại học sư phạm (trước đây giáo viên tiểu học có trình độ là trung cấp sư phạm, giáo viên trung học cơ sở có trình độ cao đẳng sư phạm, giáo viên trung học phổ thông mới cần bằng đại học sư phạm).
Việc bắt đầu áp dụng chuẩn mới đối với giáo viên từ 01/7 tới sẽ có 2 tin không vui đối với giáo viên đang giảng dạy và sinh viên sắp ra trường.
Đối với giáo viên đang giảng dạy, thì từ 01/7 tới thì nếu chưa đạt trình độ theo Luật mới thì sẽ trở thành giáo viên chưa đạt chuẩn, nếu muốn tiếp tục công tác và hưởng lương theo vị trí việc làm phải học nâng chuẩn.
Mặc dù, lộ trình nâng chuẩn đối với giáo viên thực hiện từ khi Luật có hiệu lực đến 2030 theo lộ trình (những giáo viên còn dưới 5 năm công tác có thể không cần học tập nâng chuẩn) nhưng giáo viên không đạt chuẩn thì chắn chắn khi xếp lương, khi đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên sẽ có nhiều thiệt thòi.
Bên cạnh đó, các hiệu trưởng, phó hiệu trưởng nếu chưa đạt chuẩn có thể phải được sắp xếp không còn được làm lãnh đạo, quản lý.
Tiếp theo là những sinh viên đang học hoặc đã học các năm trước nếu có trình độ trung cấp sư phạm sẽ không còn cơ hội vào các trường mầm non trở lên, có trình độ cao đẳng sư phạm sẽ hết cơ hội vào các trường từ tiểu học đến trung học phổ thông.
Như vậy các trường sẽ chính thức dừng tuyển sinh giáo viên có trình độ trung cấp.
Tổng thu nhập giáo viên sẽ giảm?
Tại "Điều 76. Tiền lương
Nhà giáo được xếp lương phù hợp với vị trí việc làm và lao động nghề nghiệp; được ưu tiên hưởng phụ cấp đặc thù nghề theo quy định của Chính phủ."
Như vậy, cùng với thời điểm Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực thì việc được xếp lương theo vị trí việc làm có thể chưa thực hiện được (có thể ở năm 2021 nhưng chưa có lộ trình chi tiết ở thời điểm tháng nào), còn phụ cấp đặc thù nghề (phụ cấp ưu đãi ngành) thì vẫn sẽ được giữ.
Tuy nhiên, phụ cấp khác trong đó có khoản thu nhập đáng kể là phụ cấp thâm niên (công tác từ 5 năm trở lên được phụ cấp 5%, mỗi năm công tác được thêm 1%) sẽ chính thức bị bãi bỏ.
Từ 01/7/2020, mức lương cơ sở cho công chức, viên chức được điều chỉnh tăng từ 1,49 triệu lên 1,6 triệu đồng (tăng 7,38%).
Như vậy nếu áp dụng theo Luật về phụ cấp (tức là bỏ phụ cấp thâm niên), nhưng lương chưa thể xếp theo vị trí việc làm thì những giáo viên công tác từ 8 năm trở lên (phụ cấp 8%) chắc chắn sẽ giảm.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên chính thức giải thích cho giáo viên nắm rõ là từ 01/7/2020 khi bị cắt phụ cấp thâm niên, thì tổng thu nhập của giáo viên có phụ cấp thâm niên từ 8% có giảm không?
Nếu không giảm thì nhà nước có chính sách gì hỗ trợ cho giáo viên bị cắt phụ cấp thâm niên để tổng thu nhập không bị giảm?
Nguồn: Giaoduc.net.vn