Kỷ niệm 39 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11), Thầy giáo - Tiến sĩ Lê Xuân Sơn đã có cuộc trò chuyện về công việc của mình.

PV: Nghề giáo - nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, một nghề với vô vàn những nỗi gian truân vất vả. Bản thân thầy vì sao lại chọn nghề giáo và đến thời điểm này điều gì khiến thầy yêu và gắn bó với công việc này?

Thầy giáo - Tiến sĩ Lê Xuân Sơn: Tôi lớn lên ở Thanh Hóa. Tốt nghiệp THPT, tôi cũng như nhiều học sinh ngày đó, đăng ký thi vào nhiều trường đại học và đã đậu Đại học Kinh tế với điểm Toán rất cao 9,75 điểm. Với kết quả này, tôi cũng đã suy nghĩ rất nhiều cho tương lai của mình nhưng cuối cùng tôi đã chọn ngành Sư phạm Toán của Trường Đại học Vinh vì yêu thích nghề giáo.

Qua 4 năm đại học, tôi tốt nghiệp loại Giỏi và sau đó may mắn được giữ lại trường. Đây là điều nằm ngoài dự đoán, bởi giấy báo tuyển dụng của Trường Đại học Vinh gửi về khi tôi mới ra trường được hơn 1 tháng. Từ Thanh Hóa, tôi vào Vinh và nhận công tác ở khối chuyên Toán - Trường Đại học Vinh (nay là Trường THPT Chuyên Đại học Vinh). 

Thầy giáo - Tiến sĩ Lê Xuân Sơn đã có gần 30 năm gắn bó với Trường THPT Chuyên Đại học Vinh và có rất nhiều học sinh đạt giải cao tại các Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế

Tôi chọn nghề giáo là tự nguyện và bởi vì thích sự chia sẻ từ nhỏ. Tôi hài lòng về công việc này bởi mình đã làm được việc mình thích. Bên cạnh đó, tôi hạnh phúc khi có được sự ghi nhận của các thế hệ học trò. Bản thân tôi cũng không đặt cao về thành quả mà tôi quan niệm điều quan trọng hơn là quá trình thực hiện đi đến thành quả.

Nghề giáo cho tôi những trải nghiệm mà qua quá trình giảng dạy, tôi thấy được học sinh của mình trưởng thành và bản thân tôi cũng trưởng thành. Cho đến nay tôi vẫn yêu và gắn bó với nghề giáo vì nó mang đến cho tôi sự bận rộn. Tôi rất thích tạo ra các sân chơi như cùng đồng nghiệp tổ chức mô hình Toán mùa đông, mùa hè; khuyến khích học sinh tham gia các cuộc thi về toán học ở trong và ngoài nước… Việc thuyết phục được ban giám hiệu nhà trường, đồng nghiệp và học sinh tin tưởng, tham gia vào các hoạt động cùng mình cũng là một trải nghiệm rất giá trị. 

Thầy giáo Lê Xuân Sơn và các học trò trong một chuyến trải nghiệm thực tế

PV: Đã gần 30 năm, thầy gắn bó với Trường THPT Chuyên Đại học Vinh. Ngoài công việc quản lý, thầy còn tham gia công tác giảng dạy và trực tiếp bồi dưỡng rất nhiều học sinh giỏi và có nhiều kết quả cao với nhiều học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề bồi dưỡng học sinh giỏi đang có nhiều ý kiến trái chiều, trong đó có cả những ý kiến cho rằng đó là đào tạo "gà nòi". Cá nhân thầy quan điểm về vấn đề này như thế nào? Tại Trường THPT Chuyên Đại học Vinh, việc giảng dạy và đào tạo học sinh đang hướng đến những mục tiêu gì? Những chuyển biến tích cực về công tác đào tạo của nhà trường trong những năm qua?

Thầy giáo - Tiến sĩ Lê Xuân Sơn: Cá nhân tôi cũng có một phần chia sẻ với ý kiến cho rằng bồi dưỡng học sinh giỏi hiện nay như là "đào tạo gà nòi", bởi vì có thể họ chỉ mới nhìn thấy một vài biểu hiện ở một đâu đó, như là quá đề cao kết quả các cuộc thi, dành quá nhiều thời gian cho các kỳ thi...

Nhưng tôi nghĩ việc bồi dưỡng học sinh có năng khiếu cũng cần phải có những mục tiêu cụ thể, cũng cần sự lượng hóa nhất định trong từng giai đoạn cụ thể và đặc biệt rất cần sự giao lưu, trải nghiệm. Phần lớn tôi trân trọng những giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi và đặc biệt là những người tạo dựng, tổ chức các sân chơi trải nghiệm bổ ích cho học sinh giỏi. 

Thầy giáo Lê Xuân Sơn cùng các đồng nghiệp và học trò

Riêng ở trường chúng tôi, hòa chung với công cuộc đổi mới của ngành Giáo dục, mấy năm gần đây trường chúng tôi đã có những đổi mới đáng kể về cách tiếp cận mục tiêu giáo dục, đó là chuyển đổi từ cách tiếp nội dung sang cách tiếp cận phẩm chất và năng lực học sinh; chúng tôi đã có những thay đổi về tổ chức dạy học, kiểm tra đánh giá học sinh.

Đặc biệt, chúng tôi chú trọng đến việc trải nghiệm sáng tạo và việc chuẩn bị cho học sinh năng lực hội nhập. Năm học 2020 - 2021, Trường THPT Chuyên Đại học Vinh có tới 55 học sinh lớp 12 đạt Ielts từ 7.0 trở lên, trong đó có 2 học sinh lớp chuyên toán vừa đạt giải Học sinh giỏi quốc gia, vừa đạt Ielts 8.0.

Thầy giáo Lê Xuân Sơn và các học trò tại Kỳ thi Olympic Toán sinh viên và học sinh toàn quốc

PV: Là một giáo viên Toán học, thầy đã "làm mới" mình như thế nào để học sinh yêu thích với môn học này? Trong những năm qua, thầy cũng là người đã tổ chức rất thành công các mô hình Trường Toán mùa đông, mùa hè dành cho học sinh khu vực Bắc Trung bộ. Thầy hãy chia sẻ thêm về ý tưởng của chương trình này và những kết quả đã đạt được?

Thầy giáo - Tiến sĩ Lê Xuân Sơn: Có lẽ việc "làm mới" bản thân tôi là ở sự tích cực trải nghiệm và chủ động kết nối, chia sẻ với đồng nghiệp. Trăn trở lớn nhất của tôi đó là làm sao có nhiều hoạt động trải nghiệm để Toán học gần gũi hơn với cuộc sống. Vì thế trong dự định sắp tới, tôi và đồng nghiệp sẽ xây dựng một số chủ đề trải nghiệm Toán học để học sinh thấy được nhiều hơn ý nghĩa của Toán học, để học sinh phát triển năng lực Toán học. Tôi cũng đang ấp ủ sẽ theo học thêm về Toán mô hình với một số chuyên gia và mong muốn kết nối với đồng nghiệp khác ở nhiều tỉnh thành và các giảng viên khoa Toán ở Trường Đại học Vinh để tổ chức các Ngày hội Toán học mở cho giáo viên và học sinh khu vực Bắc Trung bộ.

Về ý tưởng về các Trường Toán phổ thông không có gì mới, ở nước ngoài họ đã tổ chức từ rất lâu. Còn ở Việt Nam, trước năm 2010 trong miền Nam (đứng đầu là TS. Trần Nam Dũng - Đại học KHTN TPHCM) đã tổ chức các chương trình Gặp gỡ Toán học rất hay. Trên mô hình đã có, năm 2013 tôi trao đổi với đồng nghiệp dạy chuyên Toán ở khu vực Bắc Trung bộ để tổ chức, mọi người đều hưởng ứng rất nhiệt tình. Chúng tôi nhận được sự giúp đỡ rất nhiều từ các chuyên gia, như GS. TSKH Hà Huy Khoái, TS. Trần Nam Dũng, TS. Lê Bá Khánh Trình. Cho đến nay, chương trình của chúng tôi nhận được phản hồi tích cực từ phía giáo viên và học sinh của các Trường THPT Chuyên trong khu vực.

Các giảng viên và học sinh tham gia chương trình Trường Toán mùa hè tại Trường Đại học Vinh. Từ hoạt động này, mỗi năm có rất nhiều học sinh thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ tham gia chương trình đạt giải cao tại các cuộc thi Học sinh giỏi Quốc gia, Quốc tế

PV: Xung quanh câu chuyện về giáo dục, chương trình giáo dục phổ thông mới đã thay đổi quan điểm về đào tạo con người, với nhiều tiêu chí cần đạt bao gồm yêu cầu về phẩm chất, năng lực, yêu cầu năng lực cốt lõi, yêu cầu về năng lực đặc thù của học sinh… Chúng ta kỳ vọng gì về sự thay đổi này? Và thầy nói rằng thầy thích sự chia sẻ, vậy lúc này đây thầy muốn chia sẻ gì với đồng nghiệp của mình?

Thầy giáo - Tiến sĩ Lê Xuân Sơn: Ý thứ nhất của câu hỏi này quá lớn đối với tôi! Có thể câu trả lời của tôi không làm nhà báo thỏa mãn!

Đương nhiên là chúng ta kỳ vọng đến sự thay đổi tích cực về sản phẩm giáo dục, đến việc tạo ra thế hệ con người mới có đủ phẩm chất và năng lực để gánh vác được nhiệm vụ của quốc gia, dân tộc trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay. Riêng những người trong ngành Giáo dục chúng tôi, kỳ vọng về uy tín của Ngành sẽ dần được nâng cao qua lần đổi mới này. Và tôi biết có một đội ngũ gồm những người làm công tác quản lý, những chuyên gia Giáo dục và giáo viên đang rất nỗ lực, tích cực để sự kỳ vọng đó trở thành hiện thực.

Sự chia sẻ của tôi thường là trong công việc, nên gắn với từng đối tượng, từng nhiệm vụ cụ thể. Còn trong cuộc trò chuyện này, tôi chỉ xin phép được chia sẻ với đồng nghiệp rằng: Cá nhân tôi rất thích dạy học bằng sự đồng hành, bằng sự trải nghiệm có ý nghĩa từ chính bản thân mình!

Thầy giáo Lê Xuân Sơn và các học sinh được nhận giải thưởng Toán học Lê Văn Thiêm do Hội Toán học Việt Nam trao tặng năm 2018

PV: Thưa Tiến sĩ Lê Xuân Sơn, chúng ta đang kỷ niệm 39 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và đây cũng là ngày để chúng ta tri ân các thầy giáo, cô giáo. Trong những ngày này, câu chuyện về nghề giáo cũng đang được nói đến nhiều, đặc biệt là trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Vậy, để làm tốt những yêu cầu của công cuộc đổi mới, những người giáo viên trong giai đoạn hiện nay cần phải có những điều kiện gì?

Thầy giáo - Tiến sĩ Lê Xuân Sơn: Theo tôi, trước hết giáo viên cần nhận thức đổi mới là khách quan và cấp thiết; giáo viên cũng cần sự tự tin để xác định mình là một mắt xích quan trọng của công cuộc đổi mới, từ đó có quyết tâm và những hành động cụ thể phù hợp. Tiếp đến là hơn lúc nào hết, giai đoạn hiện nay giáo viên cần phải bản lĩnh, tin tưởng và công cuộc đổi mới, lắng nghe dư luận nhưng không để dư luận cuốn theo. Thứ ba là phải chủ động kết nối, chia sẻ trong cộng đồng giáo viên, tham gia tích cực các khóa tập huấn và phải tích cực truyền thông cho phụ huynh, học sinh hiểu thêm về công cuộc đổi mới, có niềm tin vào công cuộc đổi mới.

P.V: Xin cảm ơn thầy vì cuộc trò chuyện!

Nguồn: Báo Nghệ An