Trước vấn đề này phóng viên đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đặng Văn Định - Trưởng ban nghiên cứu và phân tích chính sách (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam). 

Phóng viên: Nếu để chỉ ra một vài vấn đề bức xúc cần tháo gỡ từ hoạt động thực tiễn của giáo dục đại học thì ông sẽ chia sẻ điều gì?

Tiến sĩ Đặng Văn Định: Trong phạm vi bài viết này tôi xin được chỉ ra một số vấn đề (vì thực tế nhiều lắm).

Thứ nhất, hệ thống giáo dục đại học bị biến dạng

Quá trình đổi mới, nhà nước xác định "trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục đại học là bậc học cao nhất. Ở bậc học này, cần lấy cấp đại học là trình độ chuẩn, dưới cấp này là cấp cao đẳng và trên nó là các cấp cao học và tiến sĩ".

Sự xuất hiện các trình độ giáo dục đại học mới (trình độ cao đẳng, trình độ cao học) là cả một quá trình trải nghiệm mấy chục năm, nó đáp ứng đòi hỏi của kinh tế - xã hội và phù hợp với chuẩn phân loại giáo dục quốc tế ISCED của UNESCO, phù hợp với xu thế chung của thế giới.

Thế nhưng từ cuối năm 2014, những người am tường về giáo dục rất phân vân khi biết Luật Giáo dục nghề nghiệp quan niệm "giáo dục nghề nghiệp là một bậc học nhằm đào tạo trình độ sơ cấp, trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng" .

Năm 2018, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học quy định trình độ đào tạo của giáo dục đại học gồm trình độ đại học, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ, không thừa nhận cấp cao đẳng là trình độ đại học, xóa đi những kết quả được cuộc sống thừa nhận, tạo nên sự sự khác biệt giữa hệ thống giáo dục đại học Việt Nam với thế giới.

Vấn đề đặt ra là có nên duy trì một cơ cấu trình độ giáo dục đại học như hiện nay không? 

Thứ hai, mô hình đại học đa lĩnh vực

Năm 1993, Chính phủ thành lập Đại học Quốc gia Hà Nội, hai năm sau thành lập tiếp Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Những đặc điểm quan trọng là: 

- Sắp xếp và tổ chức lại một số trường Đại học và Viện nghiên cứu ở địa bàn thành phố lớn thành những trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực của cả nước; 

- Tổ chức hoạt động theo quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Có địa vị pháp lý đặc biệt, không có cơ quan chủ quản và được dùng con dấu quốc huy; tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình, đầu mối nhận phân bổ tài chính cấp I, Giám đốc Đại học Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm, được điều hành mọi hoạt động của đại học).

Theo định hướng trên, nhà nước đã thành lập một số đại học đa lĩnh vực ở các khu vực Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng, thường gọi là đại học vùng. Sự khác biệt chính là các Đại học vùng không được hoạt động theo quy chế riêng do Thủ tướng Chính phủ ban hành, không sử dụng con dấu quốc huy, không là đầu mối nhận phân bổ tài chính cấp I, chịu sự quản lý trực tiếp của cơ quan chủ quản là Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Ở đây, mô hình quản trị Đại học Quốc gia, Đại học vùng dựa vào nhà nước. Biến thể của nó là "nhà nước quản trị hoàn toàn và quản trị kiểu chính trị" được thiết lập.

Với vị thế đại diện chủ sở hữu, Chính phủ có thẩm quyền tập trung đầu tư và tổ chức Đại học Quốc gia theo cách đó. Cho đến nay, Đại học Quốc gia thực chất là một pháp nhân độc lập; các Đại học Vùng có quyền hạn cơ bản tương tự như các trường đại học công lập truyền thống. Không ít ý kiến trái chiều. Có những câu hỏi không nên lảng tránh: 

(i). Liệu có để các trường đại học thành viên thuộc Đại học Quốc gia, Đại học Vùng được thừa nhận có tư cách tương tự một trường đại học độc lập?

(ii) Làm gì để các Đại học Vùng trở thành pháp nhân độc lập?

Thứ ba, lợi nhuận và không vì lợi nhuận

Giai đoạn năm 2012 - 2018 luật và văn bản dưới luật có những quy định không phù hợp. Riêng về "không vì lợi nhuận" đã chấp nhận việc nhà đầu tư "hưởng lợi tức hàng năm không vượt quá trái phiếu Chính phủ". Làm như vậy để thu hút nguồn lực đầu tư nhưng xem ra không đi vào cuộc sống. 

Luật Giáo dục đại học sửa đổi (2018) có một lối rẽ từ mô hình giáo dục đại học tư thục, đó là cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận. Theo đó "nhà đầu tư cam kết hoạt động không vì lợi nhuận" và "không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không chia".

Chưa thấy cơ sở giáo dục đại học tư thục nào đăng ký hoạt động không vì lợi nhuận, nhưng đã có tập đoàn kinh tế tuyên bố lập trường đại học không vì lợi nhuận.

Vấn đề là: 

(1) Đối tượng đầu tư nào ở Việt Nam có thể "cam kết hoạt động không vì lợi nhuận" và "không rút vốn, không hưởng lợi tức, phần lợi nhuận tích lũy hàng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không chia".

(2) Quy định không vì lợi nhuận hiện hành tác động thế nào đến hệ thống giáo dục đại học ngoài công lập hiện có?

(3)  Làm gì để thực hiện kỳ vọng phát triển các cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận?

Thứ tư, cơ quan chủ quản

Cho đến nay, mô hình quản trị đại học vẫn là vấn đề được tranh luận nhiều, trọng tâm là "cơ quan chủ quản".

Dựa vào hệ thống "tam giác phối hợp" quyền lực từ phía nhà nước, giới khoa học và thị trường, Burton Clark đã đưa ra bảng phân loại nổi tiếng gồm ba mô hình quản trị đại học được nhiều nhà nghiên cứu trên thế giới áp dụng và phát triển.

Đó là (i) quản trị dựa vào giới khoa học hàn lâm, (ii) quản trị dựa vào nhà nước và (iii) quản trị dựa vào thị trường. 

Ta quan sát các mô hình đại học được trải nghiệm sau đây:


Một số đặc điểm đáng lưu ý của các mô hình đại học được trải nghiệm

Trong thực tiễn, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập và các Đại học Quốc gia đều là pháp nhân độc lập, tự chủ cao, không có cơ quan chủ quản. 

Thử nghĩ: 

(i) Học được gì từ việc không có cơ quan chủ quản ở hai Đại học Quốc gia ở hàng trăm đại học tư thục và hàng nghìn trường phổ thông tư thục?

(ii) Liệu có thể cho các cơ sở giáo dục đại học thuộc diện thực hiện Nghị quyết 77 bỏ (hay thí điểm bỏ) cơ chế chủ quản?

Thứ năm, luật pháp để lại những thiếu hụt

Một là, không đồng bộ. Ví dụ Nghị quyết số 19-NQ/TW chỉ đạo "kịp thời bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách".

Đến nay mới chỉ có Luật Giáo dục đại học và Luật viên chức - công chức được sửa theo hướng mở rộng quyền tự chủ cho đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong khi đó Luật lao động, Luật kiểm toán, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu đều chưa được sửa, cho dù các luật này đang có nhưng quy định ngăn cản xu thế tự chủ đại học.

Hai là, không nhất quán.

Ví dụ 1 là vấn đề cơ quan chủ quản. Bảng 1 cho thấy ba nhóm: Đại học Quốc gia, trường đại học ngoài công lập, trường đại học công lập hoạt động theo Nghị quyết 77 đều chung chức năng nhiệm vụ và có quyền tự chủ tương đồng. Tuy nhiên cơ quan chủ quản chỉ áp dụng ở nhóm trường thứ ba.

Ví dụ 2 là việc áp dụng điều kiện tự chủ toàn diện. Nghị quyết 77 của Chính phủ tuyên bố tự chủ theo điều kiện tài chính. "tự bảo đảm toàn bội kinh phí hoạt động chi thường xuyên và chi đầu tư được thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện". Trong khi đó tất cả cơ sở đại học tư thục đều thỏa mãn "điều kiện tài chính" thì không được nhà nước thừa nhận "tự chủ toàn diện".

Ba là, không khả thi

Chính sách đất đai đối với các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập chuyển động như sau: nhà nước tuyên bố: "giao đất ổn định lâu dài" (Nghị định 73) ® "giao đất hoặc cho thuê đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng" (Nghị định 69) ® "thuê đất đã giải phóng mặt bằng" nhưng lại căn cứ khả năng ngân sách địa phương (Nghị định 53).

Bốn là, không công bằng, dẫn tới cạnh tranh không bình đẳng

Các cơ sở giáo dục đại học đang trong tình trạng cùng làm một dịch vụ công, nhưng riêng các cơ sở giáo dục đại học công lập không phải đóng thuế, được giao đất vĩnh viễn, được đầu tư cở vật chất, thậm chí cả ngân sách nhà nước cho chi hoạt động thường xuyên.

Trong khi đó, các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập không được nhà nước đầu tư đất đai và bất cứ nguồn lực nào đồng thời phải đóng thuế. (Giai đoạn đầu mức thuế suất 25%, 20%, 15% tùy thuộc đặc điểm vùng miền ®  10% cho mọi đối tượng và duy trì  đến nay).  Đang có một cuộc cạnh tranh rất không bình đẳng.

Lo ngại: không chỉ là kỹ thuật làm luật hạn chế mà còn là sự hiểu biết về phát triển dịch vụ công, là hành vi ứng xử điều hành của chủ thể quản lý. Và không gì ngại hơn khi nhà nước trao cả 3 nhóm việc vào tay một tổ chức:

 (1) xây dựng luật pháp;

(2) chỉ đạo thực hiện luật pháp;

(3) đánh giá tác động chính sách và phản biện chính sách.

Hệ lụy: Luật Giáo dục đại học đã hơn 1 năm mà không thể hướng dẫn thực hiện. Các cơ sở giáo dục đại học đang đứng giữa ngã ba đường.

Năm là, thách thức từ kỷ nguyên công nghệ số

Những tiến bộ khoa học công nghệ của kỷ nguyên số đang thâm nhập vào hoạt động của mọi lĩnh vực. Điều này nhắc nhở mỗi cơ sở giáo dục đại học đến với những lựa chọn mới về mục tiêu, chương trình, đào tạo; về các điều kiện bảo đảm truyền tải kiến thức và phương pháp giáo dục; về bảo đảm chất lượng.

Những vấn đề được đặt ra ở trên chưa phải là tất cả, nhưng cho thấy nỗi khổ của các cơ sở giáo dục đại học và sự cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện luật pháp. Theo nhiều chuyên gia, ưu tiên hàng đầu cho giáo dục đại học Việt Nam hiện nay là hoàn thiện thể chế với nguyên tắc bám sát các quy luật cốt lõi của thị trường, đảm bảo công bằng, bình đẳng. Ông nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Đặng Văn Định: Đúng như bạn nói. Tôi có một vài gợi ý về giải pháp làm chỗ dựa trong quá trình xây dựng các văn bản dưới luật và hoàn thiện luật: 

Thứ nhất, mỗi cơ sở giáo dục đại học là một pháp nhân độc lập. Nhà trường đại học tự chủ về đào tạo nghiên cứu; tự chủ về tổ chức nhân sự; tự chủ về tài chính tài sản; đồng thời chịu trách nhiệm giải trình trước xã hội và nhà nước về mọi hoạt động của mình; không có cơ quan chủ quản đối với nhà trường đại học. Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào công việc của nhà trường đại học. 

Thứ hai, việc quản trị nhà trường đại học dựa trên nền tảng sở hữu. Nhà trường đại học có tài sản thuộc sở hữu toàn dân, cơ cấu các thành phần tham gia quản trị gồm đại diện nhà nước và cộng đồng.

Nhà trường đại học có tài sản thuộc sở hữu chung, cơ cấu các thành phần tham gia quản trị gồm đại diện các bên liên quan. Nhà trường đại học có tài sản thuộc sở hữu riêng (tư nhân), cơ cấu các thành phần tham gia quản trị do các nhà đầu tư quyết định; khuyến khích sự tham gia của cộng đồng.

Thứ ba, tiến tới nhà trường đại học là một hệ sinh thái, việc truyền đạt và tích lũy kiến thức ở mọi lúc, mọi nơi. 

Thứ tư, Nhà nước ứng xử công bằng, bình đẳng với các cơ sở giáo dục đại học, không phân biệt trường công, trường tư; không phân biệt đào tạo theo truyền thống với các hình thức đào tạo khác.  

Thứ năm, xây dựng một hệ thống giáo dục đại học theo chuẩn mực chung được UNESCO khuyến cáo, bảo đảm nguồn nhân lực thích ứng điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế.

Tóm lại, thay vì tìm cách chống đỡ các vụ việc nảy sinh, chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thật, xác định những vấn đề còn thiếu hụt, hướng tới một Việt Nam thịnh vượng và hội nhập với thế giới để chấn hưng nền giáo dục đại họcViệt Nam.

Trân trọng cảm ơn ông.