Trong bài viết trước, tôi có chỉ ra 4 nguyên nhân và bài viết này sẽ mạnh dạn trao đổi về 3 giải pháp.
1. Quy hoạch các trường, khoa sư phạm và nâng cao trình độ giảng viên
Như nguyên nhân đầu tiên: Nghề dạy học là một nghề khó, vậy những địa chỉ đào tạo nghề này không thể tràn lan như hiện nay, không thể "tỉnh hoá" việc đào tạo sư phạm. Các cơ sở đào tạo tràn lan sẽ làm cho chất lượng những "ông thầy" đào tạo ra thầy kém chất lượng.
Các trường sư phạm ở địa phương (thuộc quản lý của UBND tỉnh)
Phải có Hội đồng Đánh giá (cấp Trung ương) để rà soát lại về chất lượng đội ngũ để quyết định:
- Nếu kém quá thì có thể giải thể. Không thể lấy lý do "đào tạo tại chỗ" để duy trì các trường yếu ở địa phương. Bởi học sinh địa phương có thể học tại trường địa phương lân cận mà đủ chất lượng.
- Nếu chưa mạnh thì chỉ làm công tác bồi dưỡng giáo viên trong tỉnh (có thể mời thỉnh giảng là các giảng viên giỏi) và tinh giản biên chế của trường, có thể chỉ là Trung tâm Bồi dưỡng giáo viên thuộc Sở GD-ĐT.
- Nếu mạnh thì mới được làm công việc đào tạo giáo viên.
Không thể lấy lý do "đào tạo tại chỗ" để duy trì các trường yếu ở địa phương
Các trường sư phạm trọng điểm quốc gia
Cũng phải có việc rà soát và nâng cấp về mọi mặt, nếu thấy không xứng đáng là trọng điểm thì vẫn có thể tinh giản hệ thống trường này để dồn đầu tư, kể cả đội ngũ cho một ít trường mà thôi. Cần xem lại con số trường trọng điểm đào tạo sư phạm nên là bao nhiêu trường, bởi với tình hình thực tế hiện nay, chưa hẳn cần nhiều trường trọng điểm đến thế, khi mà dự báo số sinh viên sư phạm ra trường thất nghiệp có thể đến hơn 70.000 vào năm 2020.
Nâng cao trình độ giảng viên các trường đào tạo ngành sư phạm nhất là "thầy dạy nghề"
Trình độ giảng viên ở các trường sư phạm cần có khảo sát lại, từ các giảng viên dạy các môn khoa học cơ bản đến giảng viên dạy về phương pháp giảng dạy, đặc biệt là "thầy dạy nghề".
Một thời người ta nói về môn phương pháp dạy học là môn Giáo học pháp và bị đọc chệch thành "giáo học phét". Điều này có nghĩa là có những ông thầy dạy nghề dạy học nhưng dạy không ra gì cả! Thậm chí không dám dạy mẫu một tiết cho sinh viên "thưởng thức" tài năng hoặc thể hiện lý thuyết mà thầy dạy.
Bởi vậy, những giảng viên dạy môn Giáo học pháp phải là những người thầy giỏi (chưa hẳn là Tiến sĩ) thì mới truyền nghề dạy học cho sinh viên sư phạm được.
Nhiều sinh viên đã vào trường sư phạm nhưng lại bị thất vọng vì không gặp được thầy giỏi dạy nghề cho mình.
2. Chuẩn hoá giáo viên nhưng cần "tôn sư trọng đạo"
Bộ GD-ĐT đã có hệ thống tiêu chuẩn dành cho giáo viên từng bậc học và cả chuẩn cho các Hiệu trưởng các trường phổ thông. Các Sở GD-ĐT cần dựa vào các tiêu chí này để tăng cường bồi dưỡng giáo viên và sàng lọc những giáo viên không thể bồi dưỡng được hoặc không có ý thức tự bồi dưỡng nâng cao trình độ để đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, với những người thầy đạt chuẩn, chúng ta phải làm sao để chính những người thầy này là sự thu hút học sinh giỏi lựa chọn ngành sư phạm. Nhìn bố mẹ mình làm nghề giáo mà con cái không dám theo "nghề truyền thống gia đình" mặc dù có đủ tố chất làm nghề này, là lỗi của nhiều chính sách và sự đối xử của xã hội với người thầy. Chúng ta có thể làm gì?
- Đời sống vật chất của người thầy tác động mạnh đến chất lượng dạy học, đào tạo thế hệ trẻ. Rất nhiều thầy cô vì tâm huyết với nghề mà chấp nhận mọi khó khăn, túng thiếu để tiếp tục với nghề. Nhưng khi đời sống xã hội đã tăng lên mà mình lại đang ở dưới đáy thì cũng không thể không đau xót với chính bản thân. Chúng ta cần khảo sát xem bao nhiêu người thầy đang ở mức sống thấp?
- Sự thăng tiến của người thầy cần có một lộ trình rõ ràng. Đối với nhiều nghề, người ta có chuẩn cho các bậc thợ, vậy nghề dạy học cũng cần có các bậc như vậy và đi kèm mỗi bậc như vậy là chế độ chính sách thoả đáng. Cũng như bên lực lượng vũ trang có rất nhiều bậc thể hiện qua quân hàm và chế độ kèm theo quân hàm rất rõ ràng.
- Đời sống tinh thần của giáo viên cần phải được cải thiện để đầu óc người thầy thật sảng khoái, không bị ức chế khi lên lớp. Trước hết là môi trường tại trường học cần là môi trường thật hạnh phúc để "mỗi ngày đến trường là một ngày vui" không chỉ là dành cho học sinh mà chính giáo viên cũng khao khát điều ấy. Sự dân chủ trong trường học đang ở mức báo động khi hiệu trưởng trở thành "vua con" và hiện tượng "kéo bè, kéo cánh" vẫn đang diễn ra làm nản lòng những người thầy chân chính và có trình độ. Không chỉ lãnh đạo nhà trường mà lãnh đạo các phòng GD-ĐT cũng phải rà soát lại xem: liệu có "vua của vua" trong ngành giáo dục không? Việc thuyên chuyển giáo viên một cách tuỳ tiện, thậm chí năng về "chạy" vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi.
Mặt khác, thái độ của phụ huynh với người thầy cần phải trở lại truyền thống "Tôn sư, trọng đạo", dù cuộc sống có hiện đại đến đâu. Phê phán những giáo viên có hành vi không đúng của một người thầy nhưng không thể "vơ đũa cả nắm" và các cơ quan truyền thống cần là cơ quan định hướng đúng việc này. Hiện tượng giáo viên lựa chọn sự "an toàn" cho bản thân, rụt rè hoặc làm lơ với học sinh cũng không hiếm nữa và khi đó công tác giáo dục học sinh sẽ bị giảm sút trầm trọng.
- Cần làm rõ về "quốc nạn dạy thêm" để dạy thêm chân chính phải tồn tại, người thầy có thể lao động thêm để tăng thu nhập cho mình như các nghề khác. Hình ảnh người thầy chỉ xấu đi khi dạy thêm không chân chính. Bản chất việc dạy thêm hay làm thêm học thêm là không xấu. Chỉ những ai lợi dụng điều này để ép học sinh học thêm mới là thu nhập bất chính cần triệt tận gốc. Ngành y chỉ dẹp những cơ sở khám chữa bệnh không đủ tiêu chuẩn, chứ đâu có cấm mở phòng khám tư? Tại sao thầy giáo lại bị đối xử khác thầy thuốc? Nếu có điều kiện khảo sát từ những em học sinh đạt đỉnh cao trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp thì sẽ biết tác dụng của dạy thêm chân chính là thế nào. Khi học sinh cảm thấy "đói" chắc chắn sẽ phải "ăn thêm" và sẽ mãi tồn tại những người cung cấp các "món ăn" bổ sung "dinh dưỡng" cho các em. Bởi vậy chỉ nên cấm và có thể cấm được dạy thêm bất chính mà thôi.
3. Chống thất nghiệp cho nghề dạy học
Học mà không biết khi ra trường, kể cả giỏi, có việc làm hay không là nguyên nhân khá năng cho việc học sinh giỏi không chọn ngành sư phạm. Điều này không chỉ xảy ra đối với ngành sư phạm.
Với nhiều nghề, một số trường Đại học đã tích cực tìm các địa chỉ ra trường cho sinh viên của mình. tại sao các trường sư phạm không tích cực làm việc này? Nếu Bộ GD-ĐT đứng ra làm cầu nối từ các trường sư phạm với các Sở GD-ĐT, chắc chắn các trường sư phạm sẽ làm tốt điều này. Khi đó chỉ tiêu đào tạo sẽ không phải là con số "khó hiểu" mà là những con số được xây dựng cẩn thận liên quan tới việc chống thất nghiệp sinh viên ra trường.
Các Sở GD-ĐT cần có thống kê và đưa ra kế hoạch tuyển giáo viên hàng năm, trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT hoàn toàn nắm rõ việc tạo nguồn cần ra sao và các trường sư phạm cũng sẽ rõ việc sinh viên ra trường sẽ đi về đâu.
Việc tuyển dụng giáo viên hàng năm không chỉ do ngành giáo dục quyết định mà do UBND các cấp quyết định. Vậy mỗi quan hệ giữa Sở GD-ĐT với UBND tỉnh, giữa Phòng GD-ĐT với UBND quận/huyện/thành phố/thị xã trong việc này cần phải làm rõ trách nhiệm mỗi bên và mọi điều liên quan tới tuyển dụng giáo viên phải minh bạch.
Để kết cho bài viết này, xin chốt lại một câu: "Tương lai không phải là ước mơ mà là hiện thực của những người đi trước!". Muốn học sinh giỏi chọn nghề dạy học, hãy làm cho "những người đi trước" thật Hạnh phúc!
TS. Lê Thống Nhất (Bigschool)