Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng Thông tư này sau khi được ban hành sẽ thay thế Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường đại học; Điều 1, Điều 2 của Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; các quy định về quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục đối với các đại học, học viện, trường đại học tại Thông tư số 62/2012/TT-BGDĐT ngày 28/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp.
Tất cả các trường đại học sẽ tham gia kiểm định chất lượng trong năm 2017
Thông tư này quy định cả về bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục và quy trình, chu kỳ kiểm định chất lượng giáo dục, áp dụng cho việc đánh giá đối với các học viện, trường đại học, với một số điểm mới như:
Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục được xây dựng dựa trên bộ tiêu chuẩn đánh giá cơ sở giáo dục do Mạng lưới các trường đại học ASEAN (AUN-QA) mới ban hành tháng 7/2016 (Guide to AUN-QA Assessment At Institutional Level (ver 2.0)) gồm có 25 tiêu chuẩn, 111 tiêu chí, đánh giá toàn bộ hoạt động của một cơ sở giáo dục đại học, được chia thành 04 nhóm:
Đảm bảo chất lượng về mặt chiến lược (08 tiêu chuẩn, 37 tiêu chí; Đảm bảo chất lượng về mặt hệ thống (04 tiêu chuẩn, 19 tiêu chí); Đảm bảo chất lượng về mặt thực hiện chức năng (09 tiêu chuẩn, 39 tiêu chí); Kết quả hoạt động (04 tiêu chuẩn, 16 tiêu chí).
So với bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng trường đại học hiện hành (ban hành theo Quyết định số 65/2007/QĐ-BGDĐT ngày 01/11/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; sửa đổi tại Điều 1, Điều 2 của Thông tư số 37/2012/TT-BGDĐT ngày 30/10/2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) chỉ có 10 tiêu chuẩn và 61 tiêu chí, bộ tiêu chuẩn mới có nhiều tiêu chuẩn và tiêu chí hơn. Triết lý chung cho đại đa số các tiêu chuẩn là các tiêu chí trong tiêu chuẩn sẽ được phân thành quy trình PDCA (Plan, Do, Check, Act).
Việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng có sự thay đổi cơ bản so với quy định hiện hành. Từng tiêu chí được đánh giá theo thang 7 mức để đánh giá thay vì chỉ có mức đạt và chưa đạt như hiện nay. Cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng khi có điểm trung bình của các tiêu chuẩn trong từng nhóm đều đạt từ mức 3,5 điểm trở lên và không có tiêu chuẩn nào có điểm trung bình dưới 2,0 điểm.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cho biết, dự thảo này quy định rõ hơn về những việc cần thực hiện trong cả chu kỳ kiểm định, nhất là sau khi cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Có các quy định về khuyến khích và chế tài đối với kết quả thực hiện công tác kiểm định chất lượng đối với các cơ sở giáo dục.
Quy định cụ thể về việc chuyển tiếp giữa quy định hiện hành và quy định mới. Theo đó, đối với những cơ sở giáo dục đang đánh giá theo bộ tiêu chuẩn hiện hành thì được thực hiện tiếp quy trình kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành trong giai đoạn chuyển tiếp theo các mốc thời gian quy định.
Cụ thể, việc tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài với tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thực hiện cho đến hết ngày 30/6/2017.
Việc đánh giá ngoài đối với các cơ sở giáo dục này được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2017.
Việc thẩm định kết quả đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn chất lượng được thực hiện cho đến hết ngày 30/6/2018.
Sau khi được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định hiện hành và có hiệu lực trong thời gian 5 năm, các cơ sở giáo dục cũng có thể đăng ký để đánh giá thêm theo quy định mới.
Nhật Hồng (Báo điện tử Dân trí)