GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa đã đưa ra đề nghị này tại Tọa đàm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Nghệ An do Sở KH&CN phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hoà Lạc (Bộ KH&CN), Trường Đại học Vinh tổ chức sáng 8/11/2017.

Các đại biểu dự tọa đàm

Trao đổi với hơn 300 sinh viên đến từ 4 trường: Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường Đại học Công nghiệp Vinh và Trường Đại học Y khoa Vinh, người đứng đầu Trường Đại học Vinh đặt vấn đề, hiện nay, khu vực nhà xe của trường đã được đầu tư song vẫn nhận phản hồi từ sinh viên là chưa thuận lợi.

Từ đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, sẽ hỗ trợ khởi nghiệp 150 triệu đồng nếu sinh viên không chỉ riêng Trường Đại học Vinh nghiên cứu và đưa ra giải pháp tối ưu để việc gửi xe được thuận lợi hơn.

Trước đó, mở đầu tọa đàm, GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa đánh giá, chưa bao giờ vấn đề khởi nghiệp của thanh niên, trong đó có học sinh, sinh viên, học viên của cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng lại được cấp uỷ Đảng, chính quyền dành nhiều quan tâm, tạo nhiều cơ hội và thúc đẩy mạnh mẽ như bây giờ.

Ngày 18/5/2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020. Cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025.

Giá trị khởi nghiệp không chỉ thành công về mặt tài chính mà còn ở những hoạt động đóng góp cho xã hội, những ý tưởng khởi nghiệp mang tính nhân văn… và trải nghiệm, kinh nghiệm của học sinh, sinh viên, học viên.

“Trong quá trình khởi nghiệp, có thể có người thành công, có người thuận lợi, có người không. Nhưng điều quan trọng nhất là dám theo đuổi ước mơ của mình” - GS.TS. Đinh Xuân Khoa truyền cảm hứng đến hơn 300 sinh viên. “Nếu các bạn sinh viên chúng ta dám dấn thân thì sẽ nhận được thành quả xứng đáng”.

Không sợ thất bại

Robert Lindsay - Thạc sỹ Triết học, Đại học Liverpool, Anh - đồng sáng lập, Giám đốc vận hành EduCreat - dự án Startup trong lĩnh vực truyền thông và giáo dục tại Anh chia sẻ với các sinh viên: “Hãy biết nắm bắt tất cả các cơ hội, thậm chí hãy đi tìm kiếm mọi cơ hội, đừng sợ thất bại vì đôi khi thất bại là thứ mang lại cho chúng ta nhiều nhất. Hãy mạnh mẽ để tiến gần hơn đến thành công”.

Thạc sỹ Robert chia sẻ về kinh nghiệp khởi nghiệp

Ông Robert khởi nghiệp ở thành phố cảng Liverpool trong lĩnh vực giáo dục với việc liên kết các tổ chức giáo dục, đặc biệt là liên kết các trường đại học, các nhà tư vấn để tạo ra nguồn tài nguyên về giáo dục trực tuyến, qua đó, giúp cho học sinh, sinh viên trên khắp thế giới có thể tiếp cận dễ dàng với việc học hơn thông qua Internet.

“Việt Nam rất tiềm năng và tôi mong muốn kết nối các nhà đầu tư để xây dựng một chuỗi về giáo dục như vậy ở đây” - Thạc sỹ Robert cho biết.

Tại cuộc tọa đàm, các ông Nguyễn Công Nhã - Chủ tịch HĐQT Công ty CP thương mại dịch vụ vận tải Lạc Hồng; Nguyễn Việt An - Phó phòng Chuyển giao Công nghệ, Trung tâm Dịch vụ Tổng hợp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc, Bộ KH&CN cũng đã chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp.

Chuyên gia Nguyễn Đặng Tuấn Minh chia sẻ những nét tổng quan nhất về hệ sinh thái khởi nghiệp

Đặc biệt, các đại biểu và sinh viên dự tọa đàm được nghe chuyên gia Nguyễn Đặng Tuấn Minh tốt nghiệp thạc sĩ về Quản trị doanh nghiệp số tại Đại học Westminster, Anh chia sẻ những nét tổng quan nhất về hệ sinh thái khởi nghiệp.

Chị từng là giảng viên Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội về doanh nghiệp số, chính phủ điện tử, nghiên cứu thị trường...

Hiện nay, chị là sáng lập viên của KisStartup, công ty hỗ trợ đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp và cố vấn khởi nghiệp; tác giả cuốn sách “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Tư duy và công cụ”.

Khép lại cuộc tọa đàm, đại diện lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ Tổng hợp, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (Bộ KH&CN), Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, Trường Đại học Vinh và quỹ Alba Charity trao đổi về những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

HN (Theo: Báo Nghệ An)