Thực tế 1 năm triển khai cho thấy, đây
là quy định nhân văn, giúp học sinh giảm áp lực và tự tin hơn trước Kỳ thi tốt
nghiệp THPT.
Chứng nhận 12 năm học phổ thông
Luật Giáo dục 2019 quy định:
Học sinh học hết chương trình THPT đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ
trưởng Bộ GD&ĐT nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu
trưởng nhà trường cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ
thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng
để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp THPT khi người học có nhu cầu hoặc để
theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định
của pháp luật.
Quy định trên được nhắc lại
tại Điều 22 Thông tư 32 /2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 của Bộ GD&ĐT về Điều
lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học. Quy chế thi
tốt nghiệp THPT cũng quy định cụ thể về việc cấp Giấy chứng nhận hoàn thành
chương trình giáo dục phổ thông.
Năm 2020, Trường THPT Tắc
Vân, Cà Mau có 1 học sinh thi trượt tốt nghiệp. Đây cũng là thí sinh duy nhất
của trường này được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ
thông theo quy định của Luật Giáo dục cho đến nay. Theo thầy Dương Hồng Xuân,
Hiệu trưởng nhà trường, học sinh đó vốn hoàn cảnh gia đình khó khăn; cha mẹ làm
thuê nên ngoài việc học, em còn phải làm việc phụ giúp gia đình.
“Khi trượt tốt nghiệp, học
sinh đi làm công nhân tại Bình Dương. Theo tôi được biết, khi tuyển công nhân
bao giờ cũng hỏi về trình độ học vấn. Do đó, việc có Giấy chứng nhận hoàn thành
chương trình giáo dục phổ thông, chắc chắn em sẽ được ưu tiên hơn. Có thể nói,
Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông giống như “giấy
thông hành” cho những học sinh không có bằng tốt nghiệp THPT khi bước vào cuộc
sống, học nghề. Từ đó, các em vào đời sẽ không mặc cảm so với bạn bè. Đó là ý
nghĩa rất nhân văn” - thầy Dương Hồng Xuân nhận định.
Từ thực tiễn, thầy Nguyễn Văn
Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Kiệt, Phú Thọ cho biết: Trước Kỳ thi tốt
nghiệp THP, nhiều học sinh đề nghị được cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương
trình giáo dục phổ thông để nộp hồ sơ dự tuyển học nghề và xin việc làm. Với
quy định mới trong Luật Giáo dục, học sinh yên tâm hơn khi ôn tập, thoải mái và
không áp lực nhiều khi tham gia kỳ thi. Quy định này đồng thời mở cho học sinh
điều kiện khá thuận lợi trong đăng ký học nghề và tuyển việc làm khi chưa thi
tốt nghiệp THPT.
Thực hiện nghiêm
Trên thực tế, số thí sinh
không dự thi tốt nghiệp THPT rất ít; do đó, chủ yếu giấy này được cấp cho những
học sinh không vượt qua Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Tại Cà Mau, thông tin từ ông
Trương Hải Ưng, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở
GD&ĐT Cà Mau, năm 2020 toàn tỉnh có 220 thí sinh không đỗ tốt nghiệp THPT
được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Năm nay
100% học sinh lớp 12 của tỉnh đều đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT.
Còn thông tin từ Sở GD&ĐT
Hòa Bình, sở đã bàn giao cho các nhà trường 811 Giấy chứng nhận hoàn thành
chương trình giáo dục phổ thông - dành cho đối tượng không đỗ tốt nghiệp THPT
2020 (năm 2021, Hòa Bình không có học sinh 12 không đăng ký dự thi tốt nghiệp
THPT).
“Việc cấp Giấy chứng nhận hoàn
thành chương trình giáo dục phổ thông có ý nghĩa rất lớn và phù hợp thực tế” -
khẳng định điều này, thầy Trần Văn Hân, Hiệu trưởng Trường THPT Mĩ Quý, Đồng
Tháp cho biết: Giấy chứng nhận đặc biệt ý nghĩa với trường hợp vì lý do nào đó
như kinh tế gia đình khó khăn, bệnh tật… không thể tham gia thi tốt nghiệp.
Càng ý nghĩa hơn với các em
học lực trung bình, yếu có thêm động lực học tập để hoàn thành chương trình,
làm giảm đáng kể tỷ lệ bỏ học của học sinh. Học sinh có thêm động lực hơn trong
học tập thì việc giảng dạy của giáo viên, quản lý của nhà trường cũng thuận lợi
hơn; công tác giáo dục hướng nghiệp của nhà trường cũng đa dạng.
Còn theo thầy Nguyễn Văn
Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Thạch Kiệt, từ quy định mới của Bộ GD&ĐT, các
nhà trường cũng như phụ huynh và học sinh rất mong cơ quan quản lý, các ngành,
trường dạy nghề có những quy định cụ thể về giá trị của Giấy chứng nhận hoàn
thành chương trình giáo dục phổ thông, khi học sinh học hết chương trình không
tham gia thi, hoặc thi không đạt kết quả. Để mở ra cho học sinh nhiều cơ hội
chọn nghề nghiệp và việc làm sau khi học hoàn thành chương trình THPT.
Liên quan đến nội dung này,
một số sở GD&ĐT có văn bản hướng dẫn các trường cấp Giấy chứng nhận hoàn
thành chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó nhấn mạnh yêu cầu của Bộ
GD&ĐT: Việc quản lý, sử dụng phôi, cấp, phát, chỉnh sửa, thu hồi, hủy bỏ,
cấp bản sao từ sổ gốc Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ
thông thực hiện như đối với văn bằng, chứng chỉ quy định tại Thông tư số 21/2019/TT-BGDĐT
của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Sổ gốc cấp Giấy chứng nhận
hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông phải ghi đầy đủ, chính xác nội dung
của Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, đánh số trang,
đóng dấu giáp lai, không được tẩy xóa, quản lý chặt chẽ và lưu trữ vĩnh viễn.
Nguồn: Báo Giáo dục và Thời đại