Vấn
đề này được xới lên khi mới đây, giáo sư một trường ĐH lớn ở TP.HCM viết trên
Facebook: "Sao nỡ lòng nào bắt giáo sư đi thi lấy chứng chỉ sư phạm
nữa".
Theo
giáo sư này, ông đã hướng dẫn thành công 8 nghiên cứu sinh, khoảng 50 thạc sĩ,
trên 100 cử nhân, đã dạy ĐH và cao học hơn 20 học kỳ và đã được bổ nhiệm làm
giảng viên cao cấp.
"Vậy
mà giờ này mình đang bị người ta dọa nạt là sắp tới phải đi học để lấy chứng
chỉ nghiệp vụ sư phạm do các trường sư phạm cấp, nếu không có chứng chỉ đó thì
sau này mình không được hành nghề giảng viên nữa.
Lúc thi
vào biên chế, mình đã phải có chứng chỉ phương pháp giảng dạy đại học rồi nhưng
cái chứng chỉ này giờ đây không được chấp nhận, phải là chứng chỉ nghiệp vụ sư
phạm này mới được", ông viết.
Đã quy định trong luật từ năm 2005
Trả lời
vấn đề này, đại diện Bộ GD&ĐT cho biết điều 77 Luật Giáo dục năm 2005
quy định trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo giảng dạy CĐ, ĐH là "Có
bằng tốt nghiệp ĐH trở lên và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với
nhà giáo giảng dạy CĐ, ĐH…".
Điều 79
Luật Giáo dục quy định "Trước khi được giao nhiệm vụ giảng dạy, giảng viên
CĐ, ĐH phải được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm…".
Thông
tư liên tịch của Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ ban hành năm 2014 về tiêu chuẩn chức
danh nghề nghiệp đối với viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục ĐH công
lập quy định một trong các tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng của giảng
viên là "có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho giảng viên".
Theo Bộ
GD&ĐT, quy định của pháp luật hiện hành, người tốt nghiệp ĐH, thạc sĩ, tiến
sĩ, để trở thành giảng viên CĐ, ĐH bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư
phạm, kể cả những người đã là giảng viên ĐH hoặc tốt nghiệp ĐH sư phạm.
Mỗi
chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng có mục tiêu, nội dung và đối
tượng áp dụng khác nhau. Do đó muốn đạt muốn đạt trình độ chuẩn được đào tạo
của nhà giáo dạy CĐ, ĐH theo quy định bắt buộc phải tham gia khóa bồi dưỡng về
nghiệp vụ sư phạm.
Vấn đề
này đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục sao giờ đây các giảng viên lại lăn
tăn? Mới đây, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về việc
xác định chỉ tiêu tuyển sinh CĐ, ĐH… nêu rõ: Cơ sở giáo dục chưa được công
nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định chất lượng giáo
dục theo quy định hiện hành sẽ không tăng chỉ tiêu tuyển sinh so với năm trước
liền kề…
Trong
khi đó, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục ĐH công bố năm 2018 về tiêu chí
giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn theo quy định có đến hơn 43% chưa đạt yêu
cầu.
Phần
lớn giảng viên chưa đạt chuẩn là chưa có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Do vậy,
để lo cho "nồi cơm"của mình, các trường bắt đầu "siết"
giảng viên, trong đó có việc buộc họ phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Không có nghiệp vụ sư phạm, nhiều giảng viên
là "tiến sĩ gây mê"
Trước
đây, các trường ĐH sư phạm có cấp "Chứng chỉ môn học sau ĐH", chứng
nhận cho người đã học xong môn "Lý luận dạy học ĐH" (60 tiết). Muốn
được dạy ĐH ngoài yêu cầu về bằng cấp chuyên môn, chỉ cần có chứng chỉ này. Sau
này có thông tư hướng dẫn Luật Giáo dục, Bộ GD&ĐT yêu cầu giảng viên phải
có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.
Đến năm
2013, Bộ GD&ĐT ban hành thông tư chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm
cho giảng viên trong cơ sở giáo dục ĐH, thay thế cho quyết định về nội dung này
có từ năm 2007. Nội dung chương trình này với tổng khối lượng kiến thức tối
thiểu: 20 tín chỉ (gồm khối kiến thức bắt buộc tối thiểu: 15 tín chỉ và khối
lượng kiến thức tự chọn: 5 tín chỉ).
Trong
đó, nội dung bồi dưỡng "Lý luận dạy học ĐH" với 3 tín chỉ nằm trong
khối kiến thức bắt buộc tối thiểu. Vậy mà, với "tấm vé" "Chứng
chỉ môn học sau ĐH" nhiều giảng viên vẫn ung dung giảng dạy, từ đó trở
thành giảng viên cao cấp, rồi giáo sư.
Đó là
giảng viên cơ hữu, còn với giảng viên thỉnh giảng có khi không cần có chứng chỉ
nghiệp vụ sư phạm gì cả vẫn được mời đứng lớp như thường. Điều này cho thấy lâu
nay các trường không quan tâm chất lượng giảng viên dẫn đến chất lượng giảng
dạy kém.
Trong
khi, lãnh đạo các trường ĐH đều thừa nhận giảng viên nếu không có phương pháp
dạy, không lập được đề cương môn học, không nắm được tâm lý sinh viên, không
thể dạy tốt được.
Thực tế
cũng cho thấy không phải ai nghiên cứu tốt đều có khả năng giảng dạy tốt ở ĐH.
Nhiều giảng viên thừa nhận giảng viên dù giỏi, có chuyên môn tốt nhưng không có
phương pháp truyền đạt cũng chỉ là "tiến sĩ gây mê" mà sinh viên vẫn
thường kêu ca.
Như
vậy, vấn đề đặt ra là cần phải nâng chất các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ
sư phạm này để ai muốn trở thành giảng viên đều mong muốn theo học.
Giáo
sư cũng phải học nghiệp vụ sư phạm
Hiệu
trưởng một trường sư phạm cho rằng: "GS, PGS là học hàm, phong dựa chủ
yếu vào thành tích nghiên cứu khoa học. Trong khi muốn đứng lớp phải
có nghiệp vụ sư phạm. Do đó, không phải ai có bằng tiến sĩ, được phong PGS,
GS đều có nghiệp vụ sư phạm tốt. Khóa nghiệp vụ sư phạm sẽ bổ sung những kỹ
năng này cho giảng viên".
|
Nguồn: Báo Tuổi trẻ