Linh hoạt hơn
Ông Hoàng Đức Minh, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản
lý giáo dục (Bộ GD&ĐT) cho biết: Hơn 5 năm triển khai thực hiện, Thông tư
số 47 là công cụ pháp lý quan trọng, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các
nhà khoa học, giảng viên thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, hoạt động khoa học công
nghệ; Là căn cứ để cơ sở đào tạo xây dựng kế hoạch giảng dạy, nghiên
cứu khoa học (NCKH), đánh giá, xếp loại và thực hiện chế độ cho
giảng viên. Việc quy định cụ thể định mức giờ chuẩn giảng dạy, kết quả thực
hiện nhiệm vụ NCKH đã kịp thời định hướng, khuyến khích giảng viên tham gia
NCKH, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phục vụ công tác đào tạo.
Tuy nhiên, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật
Giáo dục đại học và Nghị định số 99/2019/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo
dục đại học có hiệu lực, Thông tư 47 bộc lộ một số bất cập trong việc thực hiện
quyền tự chủ của các trường. Mặt khác, theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, CSGD đại
học không bao gồm các trường cao đẳng. Do vậy, việc quy định đối tượng áp dụng
tại Thông tư 47 là không phù hợp với các văn bản mới ban hành và thực tiễn hiện
nay. Do đó, xây dựng Thông tư quy định chế độ làm việc của
giảng viên CSGD đại học để thay thế Thông tư 47 là cần thiết.
Chia sẻ về những điểm mới trong dự thảo Thông tư quy định
chế độ làm việc của giảng viên CSGD đại học, ông Hoàng Đức Minh cho biết: Dự
thảo đã bổ sung quy định cụ thể thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của
giảng viên. Theo đó, thời gian làm việc của giảng viên trong năm học là 44 tuần
để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, NCKH, bồi dưỡng, tham gia các hoạt động chuyên
môn khác và được xác định theo năm học.
Thời gian nghỉ hằng năm của giảng viên là 6 tuần, giảng viên
được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm công tác quản lý là 4 tuần.
Thời gian nghỉ đã bao gồm nghỉ hè, nghỉ phép hằng năm theo quy định của Bộ luật
Lao động, được hưởng nguyên lương và phụ cấp (nếu có); Các chế độ nghỉ khác
thực hiện theo quy định của của Bộ luật Lao động. Căn cứ kế hoạch năm học và
điều kiện cụ thể của từng đơn vị, thủ trưởng CSGD đại học bố trí cho giảng viên
nghỉ vào thời gian thích hợp.
Ngoài ra, để phù hợp với năng lực giảng dạy, NCKH của mỗi
giảng viên, chiến lược phát triển của mỗi nhà trường, tăng cường thực hiện
quyền tự chủ của các trường, Dự thảo cũng quy định linh hoạt định mức giờ chuẩn
và NCKH, giao thủ trưởng CSGD đại học căn cứ vào thực tế của đơn vị; mục tiêu,
chiến lược phát triển nhà trường; đặc thù của môn học, ngành học để quyết định
định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học cho phù hợp.
Dự thảo Thông tư cũng bổ sung, thống nhất định mức giờ chuẩn
đối với một số trường hợp được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo hoặc kiêm nhiệm công
tác Đảng, đoàn thể theo quy định hiện hành; chế độ làm việc vượt định mức và
quy đổi các hoạt động chuyên môn khác ra giờ chuẩn.
Phù hợp với yêu cầu nâng cao chất lượng giảng dạy
Ủng
hộ sửa đổi Thông tư 47, PGS.TS. Phạm Thị Huyền, Trưởng Bộ môn Marketing, Khoa
Marketing - Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: Nhiệm vụ của giảng viên
trong các CSGD đại học đã thay đổi rất nhiều để thích nghi với bối cảnh mới,
hướng tới hội nhập quốc tế sâu rộng.
Dự
thảo Thông tư mở đường cho CSGD đại học chủ động xác định định mức giờ chuẩn và
NCKH cho giảng viên, nghiên cứu viên của mình. Qua đó, CSGD đại học tùy thuộc
vào ngành đào tạo, chiến lược phát triển thành đại học định hướng nghiên cứu
hay định hướng ứng dụng mà xác định định mức cho từng nhóm nhiệm vụ phù hợp…
Song,
theo PGS.TS. Phạm Thị Huyền, tại các CSGD đại học, một nhóm đặc biệt quan
trọng, có ảnh hưởng quyết định tới chất lượng chuyên môn, là lãnh đạo các bộ
môn chưa được đề cập. Công việc của lãnh đạo bộ môn trong xây dựng chương trình
đào tạo, quản lý chuyên môn, kiểm soát quá trình đào tạo, nên cần bố trí đủ
thời gian để họ làm các công việc này.
Về hoạt động NCKH, Dự thảo đã dành Điều 6 để quy định
về nhiệm vụ này; thể hiện sự tin tưởng vào thủ trưởng các CSGD đại học để trao
quyền xác định định mức, việc quy đổi từ sản phẩm khoa học công nghệ để xác
định mức độ hoàn thành. Song theo PGS.TS. Phạm Thị Huyền, nên bổ sung thêm một
số nội dung hoạt động khoa học công nghệ, như kết quả nghiên cứu, sản phẩm công
bố, sở hữu trí tuệ, để có thể chỉ rõ và khuyến khích giảng viên thực hiện tốt
hơn nữa nhiệm vụ quan trọng này trong kỷ nguyên 4.0.
Trong
khi đó, PGS.TS. Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các Khoa học giáo dục, Trường Đại
học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội nhận định: Điểm mới và mạnh của Dự thảo là không quy
định cứng nhắc định mức giờ chuẩn của giảng viên trong một năm học; cân bằng
các nhiệm vụ chính của người giảng viên.
"Theo
tôi, giảng viên đại học có 3 nhiệm vụ chính là giảng dạy, nghiên cứu và phục vụ
cộng đồng từ chuyên môn. Ba thành tố này có quan hệ tương tác qua lại lẫn nhau.
Trong dự thảo đã quy định dành ít nhất 1/3 tổng quỹ thời gian làm việc trong
năm học để làm nhiệm vụ nghiên cứu khoa học. Điều này sẽ giúp giảng viên không
thành "máy dạy" và cũng phù hợp với chiến lược nâng cao chất lượng
nội dung giảng dạy; đưa những phát hiện nghiên cứu mới vào giảng dạy" -
PGS.TS. Trần Thành Nam cho hay.
"Cá
nhân tôi cho rằng, trưởng bộ môn có thể được giảm từ 20 - 40% định mức giờ giảng
và con số tương ứng của phó trưởng bộ môn sẽ là 15 - 30%, tùy thuộc vào số lượng
môn học, số sinh viên hoặc lớp chuyên ngành, số giờ giảng mà bộ môn đó phụ
trách. Con số cụ thể cũng cần được quyết định bởi thủ trưởng CSGD đại học".
PGS.TS.
Phạm Thị Huyền
Có
thể bổ sung về thời gian dành cho phục vụ cộng đồng dựa trên lĩnh vực chuyên
môn sâu. Những đóng góp có ý nghĩa cũng có thể được cân nhắc quy đổi để thúc
đẩy tinh thần khoa học phục vụ cuộc sống, khoa học ứng dụng trong cuộc sống.
Ngoài ra, trường đại học thuộc nhóm tinh hoa định hướng nghiên cứu và trường
đại học định hướng thực hành, quy định trách nhiệm giảng dạy, NCKH của giảng
viên có khác. Vì vậy, nên cân nhắc có điều khoản được quy đổi từ giờ NCKH
sang giờ giảng dạy và ngược lại, miễn sao tổng số giờ quy chuẩn tương đương
công sức lao động của 44 tuần làm việc.
PGS.TS.
Trần Thành Nam
|
Nguồn: GD&TĐ