Ông Phạm Mạnh Hùng - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) nêu quan điểm như vậy tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập do Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì ngày 26/12, tại trụ sở Chính phủ.
Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng cho hay, Bộ GD&ĐT xây dựng dự thảo Nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục bằng việc nhận thức, trong đó có nhiều thay đổi về quan điểm rất là quan trọng. Việc xây dựng Nghị định lúc đầu dựa trên cơ sở tiếp cận khung Nghị định 16 với quan điểm là giao quyền tự chủ cho các đơn vị, các cơ sở giáo dục có khả năng đảm bảo về tài chính, khả năng đảm bảo tài chính càng cao thì quyền tự chủ càng lớn, tuy nhiên trong quá trình làm ở các trường thì nhận thấy nếu với quan điểm này thì giáo dục không tự chủ được.
Bộ GD&ĐT báo cáo về cơ chế tự chủ đại học tại cuộc họp Ban chỉ đạo Nhà nước về đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập ngày 26/12.
Lý giải về điều này, lãnh đạo Bộ GD&ĐT chia sẻ, nếu quan điểm tự đảm bảo tài chính càng cao sẽ có quyền tự chủ càng lớn thì có những trường suốt đời không thể tự chủ được, vì họ không có khả năng, không có nguồn thu. Ví dụ như những trường đặc thù như trường nghệ thuật hay một số ngành đặc thù, họ không biết thu kiểu gì để có khả năng đảm bảo tài chính cao để tự chủ nên phải sử dụng ngân sách nhà nước… Vấn đề này là một trong những điều phải thay đổi về điều kiện.
Đặc biệt, ban đầu quy định xây dựng cơ chế tự chủ ở các đơn vị công lập, tức là các cấp từ mầm non đến đại học, nhưng quá trình làm thấy rằng với cấp mầm non thì bức thiết về giao quyền tự chủ chưa phải lớn và làm khó vì cơ bản mầm non là bao cấp nhà nước, không có thu để trang trải. Vì thế, Bộ GD&ĐT xin cắt khối mầm non không tham gia tự chủ mà chỉ làm khối đại học.
Theo Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng: “Hiện nay các trường đại học đã sẵn sàng để tự chủ, nhưng Nghị định khi đưa ra phải có điều kiện là cho họ được tự chủ cao hơn mức bình thường để họ có thể tự chủ tài chính, nhưng khi tự chủ cao hơn thì lại vường vào một số luật và điều luật. Đơn cử như việc họ muốn được như một ông giám đốc doanh nghiệp, khi cần thiết có thể sa thải ngay một nhà giáo nào có vấn đề hoặc một viên chức dưới quyền, tuy nhiên điều này không làm nổi vì theo luật viên chức thì lại không có quyền đó”.
Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang thí điểm cơ chế tự chủ cho 15 trường đại học, lãnh đạo Bộ này cho biết những trường này không nhận ngân sách Nhà nước nữa và tự trang trải, về cơ bản đánh giá tốt, nguồn thu tăng lên tốt góp phần đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo của các trường này, Bộ sẽ tiến hành sơ kết tổng kết và xin nhân rộng mô hình này. Theo Nghị quyết của Chính phủ là thí điểm đến hết 2017 nhưng Bộ đang có hướng kiến nghị là kéo dài đến năm 2019.
Trường đại học nào có khả năng tài chính càng cao thì quyền tự chủ càng lớn (ảnh minh họa)
Sau báo cáo của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói rõ, theo Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 04, 05, đối với 15 trường tự chủ được như thế thì cho phép được hạch toán như doanh nghiệp. “Không biết Bộ GD&ĐT đã triển khai đến đâu? Đã hạch toán như doanh nghiệp thì sau này thậm chí là giao vốn, giao tài sản cho họ (đất đai), chứ không phải tự chủ nửa vời chỉ về tài chính” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đặt ra vấn đề nhiều trường đại học ở địa phương hiện hiện nay đang có hướng quay trở lại là phân hiệu thuộc đại học. Đáp lời Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Hùng khẳng định quan điểm của Bộ GD&ĐT là ủng hộ theo hướng này, trường nhỏ có thể trở thành phân hiệu của trường lớn để đảm bảo tiếp tục hoạt động.
Châu Như Quỳnh (Báo Điện tử Dân trí)