Chuẩn bị bài bản, kỹ lưỡng
Đợt bồi dưỡng giáo viên cốt cán lần này là kết quả của một loạt các hoạt động thực hiện hiệu quả trong 2 năm qua của Ban Quản lý Chương trình ETEP và 8 trường ĐHSP/Học viện tham gia ETEP cũng như sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, sự vào cuộc chủ động, hiệu quả của Cục/Vụ thuộc Bộ GD&ĐT, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các Sở/Phòng GD&ĐT, các Trung tâm giáo dục thường xuyên các địa phương.
Giáo viên cốt cán tham gia bồi dưỡng tại Trường Đại học Vinh
Khoảng 700 giảng viên chủ chốt của các trường sư phạm đã đồng loạt "ra quân" trong đợt tập huấn giáo viên cốt cán lần này. Tỉnh Bình Thuận là địa phương đầu tiên tiến hành bồi dưỡng giáo viên cốt cán do Trường ĐHSP - ĐH Huế chịu trách nhiệm bồi dưỡng.
Bộ GD&ĐT đã mời Trường Đại học Giáo dục Hồng Kông trong vòng hai năm tư vấn, hỗ trợ 8 Trường ĐHSP/học viện tham gia ETEP xây dựng, phát triển chương trình bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên và CBQLGD bắt kịp với xu thế bồi dưỡng giáo viên trên thế giới; Cách tiếp cận khung chương trình bồi dưỡng của Hồng Kông và các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới đã được các giảng viên chủ chốt áp dụng trong xây dựng chương trình bồi dưỡng vừa qua mạng, vừa trực tiếp.
Riêng đối với đội ngũ giảng viên chủ chốt của 8 trường tham gia ETEP, Bộ GD&ĐT đã mời Trường Sau đại học Giáo dục thuộc ĐH Melbourne (Úc) tập huấn cho giảng viên chủ chốt của 8 trường tham gia ETEP. Các giảng viên đã nắm bắt được những nguyên tắc chủ chốt của giáo dục phát triển năng lực và các yêu cầu cốt lõi đối với giáo viên cốt cán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, đồng thời được bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng thực hành giáo dục phát triển năng lực, kỹ thuật tổ chức dạy học, phương pháp giảng dạy giúp ích cho việc đào tạo đồng nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Như vậy, không chỉ tài liệu bồi dưỡng giáo viên đã tiếp cận được với những nền Giáo dục tiên tiến trên thế giới, mà phương thức bồi dưỡng mà các giảng viên chủ chốt được trải nghiệm cũng có nhiều điểm mới, theo hướng phát triển năng lực người học.
Có thể nói, hoạt động bồi dưỡng giáo viên do Bộ GD&ĐT triển khai lần này đang đi đúng hướng với các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.
"Tôi rất may mắn được chọn là giáo viên cốt cán và được đi bồi dưỡng..."
Tham gia tập huấn đợt này, giáo viên phổ thông cốt cán được bồi dưỡng 3 nội dung chính: Tìm hiểu những nội dung cơ bản về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018; Tìm hiểu chương trình các môn học và hoạt động trải nghiệm; Xây dựng kế hoạch dạy học phát triển năng lực học sinh.
Học viên làm bài tập nhóm
Trước khi bồi dưỡng tập trung, học viên tự nghiên cứu bài học, tài liệu trên mạng với một hệ thống bài giảng, video đã được biên tập kỹ lưỡng.
Cô giáo Nguyễn Thị Diễm Hồng, Trường Tiểu học Hà Huy Tập, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng cho biết: "Hiện nay, các giáo viên cơ bản đã tiếp xúc với chương trình GDPT mới. Tuy nhiên, việc tiếp xúc vẫn còn chưa sâu sắc và toàn diện. Đợt tập huấn này là cơ hội cho chúng tôi, những giáo viên cốt cán tiếp nhận và xây dựng năng lực theo chương trình GDPT mới. Sau khi kết thúc đợt tập huấn, bản thân tôi sẽ thực hiện phổ biến và lan rộng nội dung của chương trình trong cơ quan, cơ sở tôi công tác. Tôi xin gửi lời cảm ơn đến Sở GD&ĐT và Trường ĐHSP - ĐH Đà Nẵng đã tạo mọi điều kiện tốt nhất cho chúng tôi đến và tham dự đợt bồi dưỡng này".
Một giáo viên có tài khoản facebook: Bùi Nữ Li Li đã chia sẻ trên trang Nhà giáo 4.0 (trang Fapage của Chương trình ETEP): "Lớp bồi dưỡng rất tuyệt vời, các thầy cô báo cáo viên vô cùng thân thiện, nhiệt tình và rất chuyên nghiệp. Mình đã học được rất điều điều bổ ích".
Một giáo viên khác chia sẻ trên diễn đàn taphuan.csdl.edu.vn: "Tôi rất may mắn được chọn là giáo viên cốt cán tham gia đợt tập huấn bồi dưỡng giáo viên cốt cán trong khuôn khổ Chương trình ETEP - Bộ GD&ĐT; Được đi sâu tìm hiểu chương trình, bản thân thôi thấy Chương trình ETEP có quy mô và tầm nhìn tốt. Hình thức tổ chức bồi dưỡng linh hoạt, khá phong phú và nhất là các trường ĐHSP tham gia ETEP đã lựa được đội ngũ giảng viên đầy nhiệt huyết, có trình độ chuyên môn vững vàng, nắm chắc nội dung, chương trình. Giảng viên nắm kiến thức chuyên sâu, sẵn sàng đáp ứng hầu hết các thắc mắc, vướng mắc của giáo viên cốt cán, trao đổi, giải đáp thắc mắc đến từng giáo viên rất đầy đủ, dễ hiểu và rõ ràng. Nội dung chương trình GDPT mới được nghiên cứu kỹ càng mang tính chính xác và thực tế cao. Chương tình được soạn theo hướng mở, nội dung kiến thức được giảm nhẹ, không đặt quá nặng vào truyền thụ kiến thức, đặc biệt là đã thay cụm từ: "Học sinh biết gì sau bài học?" thành "Học sinh làm được gì sau khi học?". Chương trình ETEP rất hay và ý nghĩa, phù hợp với xu thế của nền Giáo dục hiện nay. Khi đi vào thực tiễn tôi, tin sẽ thành công".
Tài khoản facebook Thiện Châu chia sẻ trên trang Bồi dưỡng giáo viên phổ thông - Trường ĐH Vinh: "Về nhà mà vẫn nghĩ đang tranh luận nhóm. Chân thành cảm ơn hai thầy và các đồng nghiệp. Dẫu biết chỉ là mới bắt cho công cuộc đổi mới phương pháp dạy học, nhưng tôi và các đồng nghiệp đã sẵn sàng. Nhớ mãi lớp GDTC".
Cũng trên trang này, tài khoản Sắc Hoa Mùa Xuân bày tỏ: "Lớp Hoạt động trải nghiệm xin chân thành cảm ơn thầy giáo Quang Vượng, cô giáo Phương Nhung đã cung cấp cho chúng em những kiến thức vô cùng quý giá mà bấy lâu nay đã mong đợi. Kính chúc thầy cô luôn dồi dào năng lượng và tràn đầy nhiệt huyết như những ngày qua nhé".
Một lớp bồi dưỡng tại Trường Đại học Vinh
Tài khoản facebook Chu Thuy An: "Chỉ ba ngày thôi cũng đủ để trở thành một tập thể gắn kết, tích cực và hiệu quả. Sản phẩm vật chất của đợt tấp huấn đã thể hiện năng lực người học - năng lực của tất cả học viên lớp Tiếng Việt 01. Nhưng quan trọng hơn là sản phẩm "tinh thần". Hai cô và các trò đã cùng "thấu hiểu" nhau và thống nhất quan điểm bồi dưỡng với phương pháp và hình thức tổ chức nhẹ nhàng nhưng hứng thú và hiệu quả. Cô trò đã thực sự "đánh thức" trong nhau những gì trước đây đã từng làm và bây giờ sẽ tiếp tục làm vì quan điểm dạy học Ngữ văn theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực học sinh".
Tài khoản Piêupiêu Liễu làm thơ, "thay lời muốn nói":
Những ngày vừa qua thầy hướng dẫn nhiệt tình
Trò cũng miệt mài nghiên cứu chương trình mới
Những bài giảng hay, những sẻ chia trao đổi
Những thông tin, những phản biện hai chiều!
Này lớp Toán học chăm, lớp Sử - Địa cần cù
Lớp Tự nhiên vừa duyên vừa xinh xắn
Lớp Khoa học cũng dịu dàng chẳng kém
Lớp Trải nghiệm vừa vui vừa sáng tạo thôi rồi!
Lớp Đạo đức hiền lành quá đi thôi
Còn Giáo dục thể chất lại vô cùng mạnh mẽ
Lớp Tin học ấy toàn những gương mặt trẻ
Lớp Tiếng Việt chung tay để khóa học hoàn thành!
Nếu mai này trên bước đường thực hành
Tập huấn tại huyện nhà mà trò còn bối rồi
Mong Thầy cô cùng đồng hành dẫn đường chỉ lối
Để trò tự tin, hoàn thành tốt vai trò!
Bà Trần Thị Mỹ An, chuyên gia giáo dục cao cấp của Ngân hàng Thế giới chia sẻ trang cá nhân An Tran của mình: "Theo dõi tỷ lệ giáo viên truy cập chương trình bồi dưỡng trực tuyến của cả nước đến cuối tuần qua cho thấy, giáo viên hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh có thời lượng truy cập và tham gia tự học cao nhất cả nước. Giờ học trực tiếp thì cả giảng viên và gáo viên đều say sưa chia sẻ và thảo luận, hỏi han đến phút cuối. Có thầy cô nhiệt huyết nghề nghiệp thế này học sinh học không giỏi mới lạ!".
Các hoạt động bồi dưỡng giáo viên phổ cốt cán sẽ còn tiếp tục từ nay đến năm 2021. Và đội ngũ cốt cán này sẽ còn được các trường sư phạm chủ chốt bồi dưỡng nâng cao năng lực thường xuyên để hỗ trợ các hoạt động phát triển nghề nghiệp của giáo viên tại địa phương một cách liên tục, ngay tại chỗ.
Việc tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ giáo viên cốt cán là bước đi quan trọng bối cảnh chương trình giáo dục phổ thông mới sắp triển khai. Tuy nhiên, sau khi được bồi dưỡng, được tập huấn thì các hoạt động tại địa phương, tại các trường phổ thông nhằm lan tỏa tinh thần của đổi mới đến toàn bộ giáo viên phổ thông cần được đẩy mạnh.
Và điều quan trọng là bản thân mỗi giáo viên phải chủ động, sáng tạo tiếp nhận tinh thần đổi mới. Sự thành công của chương trình giáo dục phổ thông mới, sự thành công của việc bồi dưỡng giáo viên phụ thuộc vào chính sự chủ động, sáng tạo của mỗi giáo viên./.
Nguồn: BQL ETEP Trung ương