GS.TS. Đinh Xuân Khoa
Một số mô hình đào tạo giáo viên trên thế giới
GS Đinh Xuân Khoa cho biết: Hiện nay, đối với phần lớn các nước Đông Á như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, và Hàn Quốc, cả hai mô hình đào tạo giáo viên là mô hình song song và mô hình nối tiếp cùng song song tồn tại.
Việc đào tạo giáo viên ở các nước này cũng có hai hệ thống trường cùng đảm nhiệm là hệ thống các trường chuyên đào tạo giáo viên (trường sư phạm) và hệ thống các trường đào tạo đa ngành.
Trong khu vực, ngoài Trung Quốc đào tạo giáo viên chủ yếu là trong các trường sư phạm, các nước còn lại trong khu vực Đông Á, việc đào tạo giáo viên trung học chủ yếu được thực hiện ở các trường đào tạo đa ngành còn giáo viên tiểu học thường được đào tạo ở các trường sư phạm.
Ở Châu Âu, như là một thay đổi nhằm thực hiện tiến trình Bologna, tiến trình tạo ra được một khu vực giáo dục đại học Châu Âu, các nước Châu Âu đã có những thay đổi đáng kể trong việc đào tạo giáo viên.
Hiện nay, có gần 90% các nước thành viên EU và 70% cơ sở giáo dục đại học ở các nước này đã triển khai đào tạo giáo viên theo hai bậc nối tiếp cử nhân (Bachelor) và thạc sĩ (Master).
Việc đào tạo giáo viên ở tất cả các bậc chủ yếu được thực hiện ở các trường đại học tổng hợp (các University), với các chương trình đào tạo được phát triển theo định hướng phát triển năng lực, đáp ứng chuẩn ở mỗi quốc gia và cộng đồng Châu Âu.
Ở Iceland, từ 2011, yêu cầu giáo viên các bậc học phải có trình độ thạc sĩ thay vì có trình độ cử nhân như trước đây. Việc đào tạo giáo viên được thực hiện theo mô hình nối tiếp, với 3 năm đầu (180 ECTS – tín chỉ chuyển đổi Châu Âu) để lấy bằng cử nhân và 2 năm tiếp theo (120 ECTS) để lấy bằng thạc sĩ.
Ở Iceland, cũng như các quốc gia Châu Âu khác, đào tạo giáo viên được tổ chức ở các đại học đa ngành có đào tạo giáo viên, người học sẽ được học tập ở các khoa sư phạm (College of teacher education) thuộc các trường đại học tổng hợp (University).
Ở Đức, mặc dù đào tạo giáo viên theo mô hình đào tạo phân 2 bậc nối tiếp cử nhân và thạc sĩ, nhưng ngay trong bậc đào tạo đại học, chương trình đào tạo đã có song song hai nội dung là khoa học ngành và khoa học giáo dục bao gồm cả thực tiễn giáo dục phổ thông. Tương tự các nước Châu Âu khác, ở Đức hiện nay, đào tạo giáo viên được thực hiện ở các trường đại học đa ngành có ngành đào tạo giáo viên.
Ở Hoa Kỳ, chính phủ liên bang giao quyền tự chủ cho chính quyền các bang, vì vậy, việc đào tạo giáo viên ở các trường đại học ở các bang có khác nhau. Nhìn chung đào tạo giáo viên ở Hoa Kỳ có thời gian 4 hoặc 5 năm. Mô hình đào tạo giáo viên ở Hoa Kỳ gồm cả đào tạo song song và đào tạo nối tiếp.
Lựa chọn mô hình đào tạo giáo viên ở Việt Nam
Theo GS Đinh Xuân Khoa, công tác đào tạo giáo viên ở nước ta hiện nay đang được thực hiện theo hai mô hình là mô hình song song và mô hình tiếp nối.
Trên thực tế, mỗi mô hình này đều có những ưu thế và những hạn chế nhất định trong việc đào tạo giáo viên. Việc công nhận và duy trì hai mô hình này sẽ tạo nên sự đa dạng trong phương thức đào tạo, hỗ trợ giáo viên phát triển năng lực nghề nghiệp và chuyên môn sư phạm, tăng thêm sự lựa chọn cho người học muốn trở thành giáo viên và theo kịp xu thế chung của giáo dục đại học trên thế giới.
Hiệu trưởng Trường ĐH Vinh phân tích: Mô hình song song hiện nay được áp dụng phổ biến trong các trường/khoa chuyên đào tạo giáo viên. Với mô hình này, quá trình đào tạo giáo viên được thực hiện trong 4 năm (cử nhân đại học) hoặc 3 năm (cử nhân cao đẳng), trong đó việc đào tạo khoa học cơ bản và đào tạo sư phạm (nghiệp vụ) sẽ được tiến hành đồng thời.
Mô hình này có ưu thế là người học sớm xác định được được mục tiêu học tập là trở thành giáo viên và mục tiêu này liên tục được củng cố trong một môi trường sư phạm thuận lợi cho hình thành năng lực và nhân cách của các chuyên gia giáo dục. Nhưng nhược điểm của mô hình này là chậm chuyển đổi chương trình để thích ứng với thực tiễn.
Mô hình kế tiếp (3+1) hiện nay đang được thực hiện tại Trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội). Trong đó, 3 năm đầu sinh viên được đào tạo khối kiến thức khoa học cơ bản ở các trường thành viên thuộc ĐHQG Hà Nội, năm cuối về Trường ĐH Giáo dục học kiến thức khoa học giáo dục và thực tập làm giáo viên ở trường phổ thông.
Mô hình này đã phát huy được tối đa sức mạnh của các đơn vị thành viên trong ĐHQG Hà Nội qua sự kết hợp khoa học cơ bản và khoa học giáo dục.
Mô hình nối tiếp có những ưu thế trong việc đào tạo giáo viên có kiến thức chuyên môn vững vàng, bởi những năm đầu được đào tạo như một cử nhân các chuyên ngành của khoa học cơ bản.
Tuy nhiên, theo GS Đinh Xuân Khoa, hạn chế của mô hình này là thời lượng phân bổ cho các học phần về khoa học giáo dục, kiến tập và thực tập sư phạm chưa nhiều. Điều này sẽ dẫn đến thực tế kĩ năng sư phạm của người học còn nhiều hạn chế, sinh viên sau khi ra trường sẽ cần thêm thời gian để hoàn thiện kĩ năng giáo dục, dạy học để vững vàng ở vị trí giáo viên.
Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới và Việt Nam, GS Đinh Xuân Khoa đề xuất nâng chuẩn được đào tạo của giáo viên theo hướng:
Đào tạo giáo viên trung học áp dụng mô hình đào tạo nối tiếp hai giai đoạn với khung thời gian đào tạo kéo dài hơn so với hiện nay. Giai đoạn 1 với 3-4 năm (tương ứng với 6-8 học kỳ), người học lấy bằng cử nhân khoa học; Giai đoạn 2 với 2 năm (4 học kỳ), người học lấy bằng thạc sĩ giáo dục chuyên ngành và đủ điều kiện để giảng dạy ở các trường THPT. Đào tạo giáo viên tiểu học áp dụng mô hình đào tạo song song truyền thống.
"Nhìn chung, việc đào tạo giáo viên ở Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nhất định: mở rộng về quy mô, đa dạng trong mô hình đào tạo; cơ sở vật chất ngày càng được nâng cấp. Đóng góp của cơ sở đào tạo giáo viên thời gian qua cũng góp phần đưa GD&ĐT ở Việt Nam đạt được những thành tựu đáng kể so với nhiều nước có thu nhập tính theo đầu người tương đương.
Tuy nhiên, đào tạo giáo viên ở nước ta hiện nay đang bộc lộ những hạn chế, bất cập so với yêu cầu thực tế, đặc biệt yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Do đó, nghiên cứu mô hình đào tạo giáo viên của các nước phát triển trên thế giới, đánh giá mô hình đào tạo giáo viên hiện nay ở Việt Nam, trên cơ sở đó đề xuất mô hình đào tạo giáo viên ở nước ta là hết sức cần thiết" - GS Đinh Xuân Khoa nhấn mạnh.
Nguồn: Báo GD&TĐ