Hệ thống trường sư phạm kỹ thuật có được đặt trong mạng lưới các trường sư phạm?
Tại buổi làm việc, PGS.TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐHSP Kỹ thuật TP. HCM cho biết hiện kinh phí đào tạo sinh viên sư phạm kỹ thuật do ngân sách nhà nước cấp chỉ bằng 1/3 so với thực tế. Giáo viên kỹ thuật không có mã chuyên ngành riêng như ô tô, dệt may, máy công nghiệp… mà chỉ có duy nhất mã ngành sư phạm kỹ thuật công nghiệp, rất chung chung.
Vì vậy, trường đang chuyển hướng đào tạo các sinh viên sau khi có bằng kỹ sư có thể học thêm 1 năm về nghiệp vụ sư phạm, hoặc những sinh viên học ngành sư phạm nhưng tự đóng học phí (khoảng 300 em). Những sinh viên này sau khi tốt nghiệp, ngoài giảng dạy trong trường nghề, nhiều em đang làm việc tại bộ phận đào tạo của các doanh nghiệp lớn.
"Vậy hệ thống sư phạm kỹ thuật có được đặt trong mạng lưới các trường sư phạm hay không? Nên chăng hướng đào tạo giáo viên không chỉ từ các trường sư phạm mà sinh viên tốt nghiệp những ngành khác cũng có thể học thêm về nghiệp vụ sư phạm. Đây là những vấn đề Bộ GD&ĐT cần tiếp thu, xem xét, bổ sung vào Đề án", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt vấn đề.
Hiệu trưởng các trường sư phạm làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
Dành ngân sách để tập trung đào tạo giáo viên theo "đặt hàng"
Nhiều hiệu trưởng nêu thực trạng nhu cầu giáo viên hàng năm đang thấp hơn 2-3 lần tổng số sinh viên sư phạm được đào tạo vừa gây lãng phí, vừa không bảo đảm chất lượng do kinh phí nhà nước cấp cho 1 sinh viên sư phạm quá thấp. Sinh viên ra trường không xin được việc làm.
PGS.TS. Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn nêu quan điểm không thể bao cấp toàn bộ kinh phí đào tạo sư phạm vì làm như vậy mất hẳn tính cạnh tranh, động lực học tập của sinh viên.
TS. Nguyễn Thị Minh Hồng, Hiệu trưởng Trường ĐHSP TP. HCM cho rằng, nên dành ngân sách nhà nước để tập trung đào tạo theo "đặt hàng" đúng nhu cầu của các địa phương tại các trường sư phạm có điều kiện tốt nhất.
Số lượng sinh viên ít hơn, học bổng cao, bảo đảm điều kiện việc làm khi tốt nghiệp thì chất lượng đầu vào cũng như chuẩn đầu ra của ngành sư phạm sẽ được nâng lên. Từ đó có thể thu hút cả những sinh viên học sư phạm theo diện tự túc, hoặc những em tốt nghiệp ngành khác bồi dưỡng thêm nghiệp vụ sư phạm để làm việc trong môi trường giáo dục.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP. HCM cho rằng, phải căn cứ nhu cầu sử dụng để "đặt hàng" đào tạo sư phạm. Vừa qua, ngành giáo dục TP. HCM có nhu cầu 8.000 giáo viên nhưng chỉ tuyển dụng được 2.000 giáo viên, trong đó thiếu rất nhiều về bậc mầm non, tiểu học.
Những môn toán, lý, văn, ngoại ngữ... thì thừa còn những môn về mỹ thuật, kỹ thuật lại thiếu nhiều. "Nếu có cơ chế để địa phương "đặt hàng", cấp học bổng cho sinh viên sư phạm thì sẽ làm được, và bảo đảm đủ giáo viên cho địa phương".
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại buổi làm việc
Các trường sư phạm không được đứng riêng
Kết luận cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định trách nhiệm bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành giáo dục là của Nhà nước. Nguồn ngân sách dành cho đào tạo sư phạm, cả Trung ương và địa phương, cần sử dụng hiệu quả hơn theo cơ chế "đặt hàng"; kết hợp với các chính sách học bổng đa dạng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu giáo viên của mỗi địa phương.
Ngân sách địa phương bảo đảm bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên trên địa bàn.
Theo Phó Thủ tướng, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường sư phạm lớn phải mở ra, hợp tác, liên kết đào tạo không chỉ sinh viên sư phạm mà đào tạo nghiệp vụ sư phạm cho sinh viên các ngành khác, ở trường khác và gắn với đẩy mạnh tự chủ.
"Chúng ta cần hình thành nhóm trường sư phạm lớn, làm hạt nhân, cộng đồng trách nhiệm xây dựng chương trình, hỗ trợ, hướng dẫn các trường sư phạm địa phương trong bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên cho giáo viên trên địa bàn. Cùng với đó, phát triển mạng lưới trường phổ thông thực hành rộng khắp, trước hết ở các trường sư phạm địa phương" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Từ phản ánh khó khăn của các trường sư phạm thể dục-thể thao, mỹ thuật, nghệ thuật…, Phó Thủ tướng đề nghị trong Đề án quy hoạch hệ thống các trường sư phạm Bộ GD&ĐT cần quy định "một nhánh riêng".
Theo Nhật Hồng (dantri)