1. Giới thiệu về Covid-19

a) Covid-19 là gì?

Hiện chúng ta đang đối mặt với một loại bệnh viên đường hô hấp cấp có thể lây từ người sang người và dẫn đến tử vong. Bệnh do chủng mới thuộc siêu vi corona gây ra, có tên gọi là Covid-19 (Corona virus desease -19).

Bệnh khởi phát đầu tiên vào tháng 12/2019 ở Vũ Hán, Trung Quốc và đến nay đã trở thành đại dịch toàn cầu, lan ra 199 quốc gia và vùng lãnh thổ với 739.000 người mắc bệnh và 34.000 người đã tử vong. Bệnh có một số triệu chứng giống cúm mùa như ho, có đờm, sốt, nếu bệnh nặng, dẫn đến khó thở và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

b) Nguyên nhân

Bệnh được cho là do chủng mới thuộc họ siêu vi corona gây ra, nên đầu tiên nó có tên gọi là nCov (novel coronavirus). Vi rút thuộc họ corona có thể lây bệnh trên động vật và trên người. Trong các chủng corona được cho là lây từ động vật sang người phải kể đến là SARS (Severe Acute Respiratory Syndrome): Hội chứng hô hấp cấp tính trầm trọng và dẫn đến tử vong, xuất hiện năm 2002, và MERS (Middle East Respiratory Syndrome): Hội chứng hô hấp Trung Đông, xuất hiện vào năm 2012.

Qua phân tích vật chất di truyền của chủng corona mới cho thấy, chúng có cấu trúc tương đồng với SARS (80%) nên được đặt tên là SAR-CoV-2.

c) Cấu trúc của SARS-CoV-2

Những gai bề mặt ngoài của vi rút (spike glycoprotein (S)) giúp cho nó bám vào các tế bào của con người, sau đó trải qua một sự thay đổi về cấu trúc cho phép màng vi rút kết hợp với màng tế bào. Các gen (RNA) của vi rút sau đó có thể xâm nhập vào tế bào chủ để được sao chép, nhân lên nhanh chóng, khi lượng vi rút trong cơ thể đủ lớn, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng bệnh kể trên.

Qua phân tích cấu trúc protein của các spike protein này cho thấy chúng có những đoạn chèn (insertion) khác biệt mà các loại thuộc corona trước đó không có. Những phân đoạn gen chèn này được so sánh với đoạn ngắn trên protein của virus gây suy giảm hệ miễn dịch ở người (HIV-1) và độ tương đồng trên dưới 80%. Sự tiến hóa trong cấu trúc của SARS-CoV-2 có thể giúp chúng gắn kết tốt trên các chủ thể và nhân bản rất nhanh khi bám vào thụ thể.

2. Cơ chế lây nhiễm

Giống như các coronavirus khác, vi rút SARS-CoV-2 có dạng hình cầu và có các protein gọi là gai nhô ra khỏi bề mặt của chúng. Những gai này giúp cho vi rút dễ dàng bám vào các tế bào của con người, sau đó trải qua một sự thay đổi cấu trúc cho phép màng virus kết hợp với màng tế bào. Các gen vi rút sau đó có thể xâm nhập vào tế bào chủ để được sao chép, tạo ra nhiều vi rút hơn.

Một nghiên cứu gần đây cho thấy, giống như vi rút gây ra dịch SARS năm 2002, gai SARS-CoV-2 liên kết với các thụ thể trên bề mặt tế bào người gọi là enzyme chuyển đổi angiotensin 2 (ACE2).

Các nhà nghiên cứu sử dụng kỹ thuật phân tích bằng kính hiển vi điện tử cryo cho thấy khả năng liên kết của gai protein vi rút Corona với tế bào người cao gấp 10 tới 20 lần so với vi rút SARS năm 2002. Điều này lý giải tốc độ lây lan nhanh chóng từ người sang người của loại vi rút mới này hơn hẳn các loại vi rút trước kia.

Sự lây lan của vi rút này giữa người với người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh như việc ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Vi rút cũng có thể bị lây từ việc ai đó chạm tay vào một vật mà người bệnh chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt họ. Những người chăm sóc bệnh nhân cũng có thể bị phơi nhiễm vi rút khi xử lý các chất thải của người bệnh.

3. Tốc độ lây lan

Bệnh hô hấp cấp Covid-19 khởi phát đầu tiên tại Vũ Hán, Trung quốc vào tháng 12/2019 và với tốc độ lây lan nhanh chóng, bệnh đã được phát hiện ở 199 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 739.000 người nhiễm trên toàn thế giới và 35.000 người chết (số liệu ghi nhận vào ngày 30/3/2020) và số ca lây nhiễm mới ngày một tăng nhanh. Mỹ là quốc gia ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới (gần 17.000 ca nhiễm mới vào ngày 30/3/2020, nâng tổng số người nhiễm lên trên 140.000 người), tiếp đến là Italy (5.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên trên 97.600) và Tây Ban Nha (6.800 ca nhiễm mới, nâng tổng số lên 80.000 người). Số ca tử vong cao nhất là ở Italia (mỗi ngày gần 800 người chết, nâng tổng số lên hơn 10.000 người), tiếp đến là Tây ban nha (ghi nhận hơn 800 người chết, nâng tổng số lên gần 7000 người. Con số nhiễm và tử vong vẫn tiếp tục tăng mỗi ngày.

(Có thể tham khảo thêm tại https://www.worldometers.info/coronavirus/).

3. Cách phòng ngừa

a) Mang khẩu trang

Việc mang khẩu trang sẽ hạn chế phát tán các hạt/ tế bào vi rút ra môi trường và người xung quanh và nhờ đó giảm sự lây nhiễm SARS-CoV-2 giữa người với người thông qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh như việc ho, hắt hơi, bắn tuyến nước bọt,... Thậm chí những người chưa phát hiện triệu chứng (gọi là thời gian ủ bệnh) vẫn có thể truyền bệnh.

b) Duy trì khoảng cách tiếp xúc cộng đồng (Social distancing)

Theo khuyến cáo của WHO cần duy trì khoảng cách tiếp xúc cộng đồng ít nhất là 1-2m giữa bạn và những người xung quanh (có nguy cơ ho, hắt hơn).

Bởi khi ai đó ho hay hắt hơi, tuyến dịch trong bộ phân hô hấp (mũi, miệng) của họ sẽ bắn ra ngoài trong khoảng cách đó, nên ít nhất khoảng cách 1-2m được cho là an toàn. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy, các hạt virus từ người bệnh có thể đi xa 4m

c) Hạn chế tay chạm mắt, mũi và miệng

Các tế bào mang vi rút có thể tồn tại lâu trên các vật thể như tay nắm của, quần áo, tấm bìa cứng. Khi tay bạn chạm vào các bề mặt có chứa vi rút rồi đưa lên mũi miệng, thì vi rút sẽ xâm nhập vào cơ thể bạn và gây bệnh.

d) Phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn có cồn?

Cấu tạo lớp màng của SARS-CoV-2 cũng giống như các loại vi rút và vi khuẩn khác ở thành phần cấu tạo chủ yếu lipid, chúng bao bọc và bảo vệ vật chất di truyền của vi rút. Các phân tử chất béo (lipid) này rất rất dễ phân rã khi tiếp xúc với xà phòng. Do vậy, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch (ít nhất 30 giây) có ý nghĩa rất lớn trong việc loại bỏ (rửa trôi) và tiêu diệt (phá huỷ lớp màng) của loại vi rút này.

Dung dịch rửa tay sát khuẩn có chứa cồn (70 độ) cũng là cách để tiêu diệt vi rút bám trên tay bạn.

e) Tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống có lợi cho sức khoẻ

Tăng cường các loại rau xanh, trái cây để bổ sung vitamin, khoáng chất cho cơ thể, tăng sức đề kháng. Ngoài ra có thể bổ sung các sản phẩm sữa lên men, bỏ sung lợi khuẩn có lợi trong đường ruột,  (probiotic). Uống đủ lượng nước mỗi ngày cũng là cách giúp bạn tăng cường sức khoẻ bởi các lợi ích của nước như hỗ trợ quá trình tiêu hoá, đào thải chất độc trong cơ thể, làm sạch khoang miệng và cổ họng (giảm viêm họng) giúp cơ thể chúng ta phòng ngừa được nhiều loại cảm cúm theo mùa, giúp cân bằng lượng nước trong cơ thể,...

f) Tập thể dục, vệ sinh thường xuyên cơ thể và nơi ở

Tập thể dục thường xuyên giúp cơ thể tăng cường sức khoẻ, sức đề kháng, giảm căng thẳng trong cuộc sống, cơ thể thoát mồ hôi (giải phóng các độc tố ra ngoài),... giúp chúng ta có một cơ thể khoẻ mạnh để chống chọi với bệnh tật.

Tăng cường thông khí khu vực nhà ở bằng cách mở các cửa ra vào và cửa sổ, hạn chế sử dụng điều hòa. Thường xuyên lau nền nhà, tay nắm cửa và bề mặt các đồ vật trong nhà bằng các chất tẩy rửa thông thường, như xà phòng và các dung dịch khử khuẩn thông thường khác.

g) Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Nhà nước về khai báo y tế, cách ly y tế.

Nguyễn Đức Diện, Lê Văn Điệp, Nguyễn Lê Ái Vĩnh

Viện Công nghệ Hóa sinh - Môi trường, Trường Đại học Vinh

Tài liệu tham khảo

1. Cẩm nang hỏi - đáp thông tin về bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới vi rút Corona (nCoV). Bộ Y Tế.

2. Novel coronavirus structure reveals targets for vaccines and treatments. March 3. 2020. National Institutes of Health. U.S. Department of Health & Humam services.

3. Why does the coronavirus spread so easily between people? 11 March 2020, Nature

4. Characterizing MERS-CoV Disease. National Institute of Allergy and Infectious Diseases.

5. Coronavirus disease (COVID-19) advice for public. World Health Organization.