Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp dẫn tới nhiều cơ sở giáo dục đại học không thể tổ chức đào tạo tập trung, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - bà Nguyễn Thu Thủy có một vài chia sẻ về việc triển khai đào tạo từ xa theo phương thức đào tạo trực tuyến trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Thu Thủy - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học
Thưa bà, trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến cơ sở giáo dục đại học không thể tổ chức đào tạo tập trung, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai những công việc gì nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến ở các cơ sở giáo dục đại học nhằm ứng phó với dịch bệnh này?
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp của dịch Covid-19, chúng ta nhận thấy rằng cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp để khắc phục khó khăn do không thể tổ chức học tập trực tiếp.
Cùng với việc đẩy nhanh hơn nữa lộ trình xây dựng chính sách, Bộ đã tiếp thu các ý kiến đề nghị, góp ý của Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, ý kiến từ cơ sở đào tạo và của nhà chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục, để có những chỉ đạo quyết liệt liên quan đến việc hướng dẫn các cơ sở đào tạo chuyển đổi từ phương thức đào tạo trực tiếp theo phương thức truyền thống đối với các khoá đào tạo chính quy, vừa làm vừa học sang phương thức đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến (Công văn số 795/BGDĐT-GDĐH ngày 13/3/2020.
Đồng thời ban hành hướng dẫn các cơ sở đào tạo tổ chức triển khai, xem xét, công nhận kết quả học tập, tín chỉ cho học sinh, sinh viên (Công văn số 988/BGDDT-GDDH).
Để kiểm soát chất lượng đào tạo từ xa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 02 tư: Thông tư số 12/2016/TT-BGDĐT quy định Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng và Thông tư 10/2017/TT-BGDĐT Ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học.
Những quy định này là cơ sở pháp lý để các cơ sở đào tạo triển khai đầu tư hạ tầng công nghệ, đổi mới chương trình đào tạo, tập huấn đội ngũ giảng viên để ứng dụng công nghệ thông tin triển khai các khoá học đào tạo từ xa qua mạng và có thể áp dụng cho chương trình đào tạo cấp văn bằng theo hình thức đào tạo từ xa.
Chúng tôi cũng nhận thấy để có thể nhanh chóng đưa công nghệ vào trong giao dục ở thời điểm cấp bách này, chỉ một mình ngành Giáo dục sẽ không thể làm tốt.
Ngày 26/3/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký biên bản hợp tác trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số với Bộ Thông tin và Truyền thông đồng thời ký cam kết với 04 doanh nghiệp lớn về ICT.
Với những cam kết hỗ trợ từ Bộ Thông tin và truyền thông (về chủ trương chính sách), sự phối kết hợp và ủng hộ của 4 doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn (về hạ tầng và dịch vụ) có thể nói, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào đào tạo từ xa theo phương thức đào tạo trực tuyến thuận lợi hơn bao giờ hết.
Các doanh nghiệp ICT với lợi thế về hạ tầng công nghệ sẽ hỗ trợ hiệu quả nhất cho các cơ sở đào tạo, trước mắt là tháo gỡ được những khó khăn về hạ tầng và giải pháp.
Xin bà cho biết, thực trạng hoạt động đào tạo của các cơ sở đào tạo trong giai đoạn dịch Covid-19 hiện nay như thế nào?
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Để không bị gián đoạn công tác đào tạo trong mùa dịch Covid-19, nhiều trường đại học đã chủ động triển khai công tác đào tạo trực tuyến.
Cụ thể là đầu tư hệ thống đào tạo trực tuyến, mua bản quyền/chuyển giao công nghệ phần mềm quản lý học tập LMS, quản lý nội dung học tập LCMS, tập huấn giảng viên, số hoá học liệu...;
Một số cơ sở đào tạo có được sự đồng thuận cao của giảng viên trong công tác triển khai đào tạo trực tuyến.
Có thể kể đến vài điển hình như: Trường Đại học Mở Hà Nội, Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học FPT, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Thương Mại, Trường Đại học Kiểm Sát Hà Nội, Trường Đại học Anh quốc - Việt Nam, Trường Đại học Fulbright, Trường Đại học RMIT...
Các cơ sở đào tạo đều xác định đây là cơ hội thúc đẩy số hóa học liệu để tất cả giảng viên, sinh viên và cán bộ quản lý khai thác được các yếu tố tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động quản lý, giảng dạy và học tập; linh hoạt được thời gian, không gian cho việc dạy và học mọi lúc mọi nơi.
Nhiều trường đã chủ động triển khai công tác đào tạo trực tuyến (đầu tư hệ thống đào tạo trực tuyến, mua sắm phần mềm quản lý học tập, quản lý nội dung học tập, tập huấn giảng viên,...; một số cơ sở đào tạo có được sự đồng thuận cao của giảng viên trong công tác triển khai đào tạo trực tuyến;
Theo số liệu báo cáo nhanh về tình hình các cơ sở đào tạo triển khai đào tạo từ xa về Bộ, đến hết tháng 3/2020, cả hệ thống giáo dục đại học có 98/116 cơ sở đào tạo (không tính khối an ninh quốc phòng) tổ chức giảng dạy trực tuyến.
Trong đó có 18 cơ sở đào tạo áp dụng cả phương pháp đào tạo trực tiếp và trực tuyến (blended learning), 80 cơ sở đào tạo áp dụng phương pháp đào tạo trực tuyến (Online learing). Hiện tại còn 76 cơ sở chưa triển khai tổ chức đào tạo từ xa.
Như vậy, bức tranh đào tạo từ xa theo phương thức đào tạo trực tuyến của Việt Nam hiện có thể chia thành 3 nhóm:
(i) Nhóm các trường đã có kinh nghiệm triển khai về đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến.
Đây là những cơ sở đào tạo đã sớm quan tâm đầu tư đến hình thức đào tạo này.
Họ đã xây dựng và phát triển được hệ thống quản lý học tập (LMS), hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS), đã cung cấp được đầy đủ nội dung học tập, quản lý được việc học và sự tiến bộ của người học, có phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập một cách chính xác, khách quan bằng công nghệ thông tin.
Nhóm này chỉ là số ít các cơ sở đào tạo có kinh nghiệm trong việc triển khai chương trình đào tạo từ xa cấp văn bằng điển hình là 2 đại học Mở.
(ii) Nhóm các trường chưa có hệ thống quản lý học tập (LMS), nhưng bắt đầu triển khai sử dụng phần mềm hỗ trợ dạy - học trực tuyến theo thời gian thực (Giảng viên giảng dạy qua mạng internet trực tiếp cho sinh theo đúng thời khóa biểu của cơ sở đào tạo) khá hiệu quả như Zoom, Google Hangouts Meet, Webex, Micorsoft Teams,...
(iii) Nhóm các trường chưa triển khai chủ yếu tập trung vào các cơ sở đào tạo thuộc khối an ninh - quân đội và một số cơ sở đào tạo chưa sẵn sàng cho việc tổ chức đào tạo trực tuyến đối với sinh viên chính quy, mới chỉ diện cung cấp tài liệu sinh viên tự học.
Có thể thấy, đào tạo từ xa theo phương thức đào tạo trực tuyến tại Việt Nam không phải là mới mẻ. Thực tế, nhiều cơ sở đào tạo đã quan tâm đầu tư hệ thống hạ tầng và phần mềm, đào tạo nhân sự, chuẩn bị giáo trình, học liệu điện tử bài bản.
Một số cơ sở đào tạo đã nhận ra rằng, đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phần mềm quản lý học tập LMS, LCMS, số hoá học liệu,...
Với mục tiêu hỗ trợ việc đào tạo theo phương thức truyền thống trong việc quản lý việc tự học của sinh viên không chỉ đa dạng hoa các phương thức, đối tượng đào tạo, xóa khoảng cách địa lý, tối ưu hóa nguồn lực và nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo của nhà trường, đẩy nhanh quá trình hội nhập với giáo dục đại học thế giới.
Tuy nhiên, thực tế là không có nhiều cơ sở đào tạo quan tâm đầu tư. Vì thế, có thể nói nhìn chung các cơ sở đào tạo cũng bị động, lúng túng và gặp nhiều khó khăn khi bắt buộc phải thay đổi hình thức đào tạo trực tuyến thay cho hình thức đào tạo chính quy truyền thống.
Khó khăn chung mà các cơ sở đào tạo đang phải đối mặt hiện nay là: Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị chưa đầy đủ và đồng bộ;
Sinh viên, giảng viên mới được bắt đầu tiếp cận về phương pháp, cách thức đào tạo, học theo hình thức trực tuyến, cần có thời gian thích ứng với công nghệ, phương pháp;
Khả năng tự học, đọc tài liệu và lĩnh hội kiến thức của sinh viên còn hạn chế và thường bỏ cuộc khi gặp khó khăn;
Hiệu quả chưa cao đối với những nội dung/học phần cần sự tương tác giữa giảng viên và người học;
Kiểm tra, thi kết thúc học phần còn gặp khó khăn; giá phần mềm bản quyền cao nên nhiều cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở đào tạo khó tuyển sinh, quy mô nhỏ, kinh phí hạn hẹp không thể sử dụng...
Bộ sẽ có giải pháp gì giúp các cơ sở đào tạo tháo gỡ bớt khó khăn, thưa bà?
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo đảm bảo việc học tập giảng dạy không bị gián đoạn, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Thông tin và truyền thông đã cùng chung tay để tìm kiếm thêm các nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ các cơ sở đào tạo.
Theo đó, dưới sự điều phối của 2 Bộ, các tập đoàn viễn thống công nghệ cùng các cơ sở đào tạo sẽ cùng kết nối, lắng nghe nhu cầu của nhau, đặt hàng để đối tác xây dựng hệ thống hạ tầng, dịch vụ phục vụ theo yêu cầu đào tạo của từng cơ sở đào tạo một cách phù hợp và hiệu quả nhất. Cụ thể:
- Viettel và VNPT sẽ hỗ trợ miễn phí hạ tầng, công nghệ gồm máy chủ, đường truyền băng thông đủ lớn đảm bảo dạy và học trực tuyến.
- Viettel, VNPT, Vietnamobile và Mobifone sẽ cung cấp miễn phí cước data di dộng cho học sinh, sinh viên, giáo viên và phụ huynh khi sử dụng các giải pháp đào tạo trực tuyến do Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trong giai đoạn dịch bệnh.
- Tất cả các cơ sở đào tạo có nhu cầu hỗ trợ, cung ứng hạ tầng dịch vụ, giải pháp đào tạo trực tuyến có thể liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp để được hỗ trợ và cung ứng tối đa.
Như vậy, với sự tham gia hỗ trợ của các tập đoàn viễn thông lớn như Viettel, VNPT,... hỗ trợ các cơ sở đào tạo về hệ hạ tầng kết nối cũng như hệ thống phần mềm quản lý đào tạo trực tuyến, tôi hy vọng rằng Việt Nam trong thời gian ngắn giáo dục đại học sẽ có những chuyển biến tích cực, nhiều cơ sở đào tạo sẽ nhanh chóng chuyển đổi từ mô hình đào tạo truyền thống sang đang tạo trực tuyến hoặc trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Giáo dục đại học việt Nam sẽ có cơ hội đẩy nhanh chuyển đổi số, tiếp cận các bài giảng quốc tế, nâng cao năng lực ngoại ngữ để nhanh chóng tiếp cận và bắt kịp với xu thế đào tạo của Thế giới. Việc hội nhập của giáo dục đại học Việt Nam nhờ thế sẽ đẩy nhanh lên một bước quan trọng.
Vấn đề chất lượng đào tạo từ xa qua hình thức trực tuyến sẽ được kiểm soát thế nào, thưa bà?
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Việc đào tạo trực tuyến thời điểm này có thể chấp nhận như biện pháp tình thế để phòng chống dịch.
Trước mắt, chúng tôi chưa đặt ra những tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, nhưng cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm thực hiện giải trình về các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra của các học phần dạy trực tuyến.
Đồng thời, để từng bước khắc phục những thách thức, bất cập này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Công văn 795/BGDĐT-GDĐH chỉ đạo các trường căn cứ vào đặc điểm tình hình và yêu cầu chương trình đào tạo để lựa chọn dạy online đối với học phần phù hợp, đảm bảo chất lượng đầu ra và chuẩn chương trình đào tạo.
Thưa bà, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có định hướng, chỉ đạo như thế nào để đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến không chỉ là công cụ người học để có thể tiếp cận tri thức nhân loại tại chỗ, mà còn đồng thời mở con đường ngắn nhất để hướng tới 1 xã hội học tập suốt đời?
Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học: Trước tiên, tôi tin tưởng rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Lãnh đạo Đảng và Chính phủ từ trước tới nay, dịch Covid-19 sẽ sớm được ngăn chặn.
Các cơ sở đào tạo sau mùa dịch này sẽ thực sự quan tâm đến việc đầu tư, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quản lý và tổ chức hoạt động đào tạo, không chỉ để ứng phó trong mùa với các tình huống phát sinh mà còn là tiền đề để phát triển trong tương lai, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương hoàn thiện các chính sách, sửa đổi các quy chế đào tạo nhằm định hướng, khuyến khích các cơ sở đào tạo mở rộng ứng dụng ICT, công nghệ đào tạo tiên tiến để đổi mới phương thức tổ chức quản lý đào tạo, phương thức dạy - học từ hình thức đào tạo chính quy, vừa làm vừa học theo phương thức truyền thống trực tiếp sang đào tạo trực tiếp kết hợp với trực tuyến (blended).
Ví dụ như: ban hành Thông tư quy định về liên kết đào tạo với nước ngoài theo hình thức trực tuyến và hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến; Thông tư ban hành chuẩn đánh giá chương trình đào tạo từ xa các trình độ của giáo dục đại học trong tháng 4/2020.
Các chính sách này đều có sự góp ý và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn triển khai của Bộ Giáo dục Australia.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, các đối tác trong và ngoài nước để hỗ trợ các cơ sở đào tạo về hạ tầng công nghệ.
Mặt khác, các cơ sở đào tạo cũng cần nhận thức đúng về tầm quan trọng của việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, chủ động mở rộng hợp tác với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ - đặc biệt là đơn vị có kinh nghiệm trong việc phát triển vận hành hệ thống đào tạo trực tuyến;
Đầu tư nâng cấp và sử dụng hiệu quả, tiếp nhận các công nghệ đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến tiên tiến trên thế giới; kết nối, chia sẻ tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên số.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo hai đại học mở, và một số cơ sở đào tạo lớn của Việt Nam cần phát huy vai trò làm đầu tàu trong việc đổi mới, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ đào tạo cho toàn hệ thống, kết nối các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, phát triển học liểu mở, khoá học mở phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Mới đây nhất, Đại học RMIT (trường đại học quốc tế có campus tại Việt Nam nằm trong tốp 100 trường hàng đầu Thế giới) với hơn 20 năm kinh nghiệm trong đào tạo trực tuyến cho biết, họ đã sẵn sàng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hỗ trợ các cơ sở đào tạo của Việt Nam khi triển khai thực hiện đào tạo trực tuyến và học liệu điện tử.
Trân trọng cảm ơn bà.
Thùy Linh