LTS Báo GDVN: Với những động thái tích cực từ phía lãnh đạo nhà nước đối với sự phát triển giáo dục, nguồn nhân lực, thầy giáo Nguyễn Văn Lự bày tỏ tin tưởng vào sự đổi mới của ngành giáo dục trong giai đoạn 2016 - 2021. Theo đó, thầy cũng nhấn mạnh một số điểm “nóng” trong ngành giáo dục như một lời đề xuất đến các cơ quan hữu trách lưu tâm xử lý nhằm phát triển, đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục.

Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực và Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chính thức được Thủ tướng Chính phủ thành lập lần thứ 2 ngày 17/3/2017 (QĐ337/ QĐ-TTg và 338/QĐ-TTg) thể hiện quyết tâm đổi mới giáo dục của Đảng ta, mở ra một chương mới cho Giáo dục Việt Nam từ giai đoạn 2016-2021. 

Tư duy đổi mới

Rất khó hình dung được khuôn mặt mới của Giáo dục Việt Nam khi mỗi ngày hàng trăm bài báo các loại đưa tin về Giáo dục. 

Ngày 17/3/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành 2 Quyết định quan trọng về Giáo dục và Đào tạo ở cấp quốc gia là Hội đồng tư vấn và Ủy ban điều hành Đổi mới giáo dục và đào tạo. 

Một số báo [1] có sự nhầm lẫn về danh sách ủy viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển (Hội đồng) và Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo (Ủy ban) lần thứ 2, ngày 17/3/2017. 

Hai tổ chức này hoàn toàn có vị trí, nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn khác nhau và các thành viên cũng khác hoàn toàn trong Hội đồng thành lập năm 2012 và Ủy ban thành lập 2014 [2].

Về nhiệm vụ, nếu như Hội đồng là tổ chức tư vấn thì Ủy ban là tổ chức phối hợp điều hành liên ngành. 

Các ủy viên Hội đồng 2017 đã thay đổi về thành phần, lĩnh vực và nhiệm vụ như một thông điệp của Chính phủ sẽ lắng nghe tư vấn và chấp nhận quan điểm phản biện đa chiều để đổi mới giáo dục và đào tạo. 

Hội đồng năm 2017, các ủy viên là những chuyên gia giáo dục hàng đầu trong khi Hội đồng năm 2012 chủ yếu là các quan chức đầu ngành của Chính phủ kiêm nhiệm nên công việc tư vấn chắc chắn không thực tế bằng các chuyên gia trực tiếp làm việc về lĩnh vực giáo dục và đào tạo. 

Tập hợp nhiều chuyên gia tâm huyết, Hội đồng 2017 sẽ tư vấn giúp Thủ tướng chính phủ có cái nhìn đầy đủ và thực tế hơn, kể cả góc nhìn phản biện cũng khách quan và dân chủ hơn.

Ủy ban 2017 cũng tập hợp các ngành quan trọng liên quan việc thực hiện nhiệm vụ hơn là tuyên truyền, phổ biến. (Ủy ban 2014 có đến 3 ủy viên thuộc cơ quan tuyên truyền: Truyền hình, Phát thanh, Thông tấn xã).

Các Hội đồng và Ủy ban cấp tỉnh thành cũng sẽ thay đổi thành phần thành viên nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tư vấn và điều hành thực hiện đổi mới giáo dục và đào tạo.

Chúng ta lạc quan tin vào đội ngũ thành viên của Hội đồng và Ủy ban năm 2017 đều gồm những chuyên gia có trình độ và năng lực tư vấn về giáo dục và đào tạo. 

Những người quan tâm đến giáo dục nước nhà kỳ vọng vào cơ quan tư vấn chính sách, chiến lược, biện pháp giáo dục và đào tạo cần phải độc lập và khách quan, trách nhiệm và thực tế. 

Những năm 2012-2015, tổ chức tư vấn đã không giúp chính phủ hoạch định và thực thi chiến lược giáo dục đúng đắn, bền vững. 

Người dân và nhà giáo hoài nghi, mất lòng tin vào giáo dục. Quốc hội và Đảng, Chính phủ giao trọng trách cho Hội đồng tổ chức, tư vấn nhưng nhiệm vụ đó lại chỉ Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất, tư vấn. 

Chính tư duy “vừa đá bóng vừa thổi còi” của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khiến nhiều đề án, dự án, chương trình và chiến lược giáo dục và nhiều Thông tư, Chỉ thị hoặc phá sản hoặc có nguy cơ phá sản ngay từ lúc vừa ban hành.

(Một số ví dụ báo chí truyền thông đã nêu như: Thông tư 30, Đề án VNEN, Đề án Ngoại ngữ 2020, Chương trình và sách giáo khoa, Công nghệ thông tin…). 

Nhằm khắc phục tầm nhìn đơn phương và thiếu thực tế, Hội đồng quốc gia 2017 tập hợp nhiều trí thức có trình độ chuyên môn sâu thực hiện nhiệm vụ tư vấn, nghiên cứu, đề xuất chính sách và biện pháp, góp ý kiến giúp Thủ tướng Chính phủ về chủ trương, chính sách về Giáo dục và Phát triển nhân lực. 

Sự thay đổi một số ủy viên lần này đã thể hiện rõ ràng quyết tâm đổi mới toàn diện bắt đầu từ tư duy giáo dục đổi mới của Chính phủ. 

Chấp nhận phản biện và loại dần sự độc quyền, độc đoán trong giáo dục đào tạo nhân lực là quan điểm tiến bộ và đúng nhất cho tương lai giáo dục nước ta hiện nay. 

Tất cả bắt đầu từ quan điểm, mục tiêu, cơ chế, chính sách, biện pháp, chế độ và chương trình… cần đồng nhất và hợp tác có trách nhiệm. 

Sự nghiệp giáo dục là của toàn dân nhưng chỉ đặt trên vai ngành giáo dục. Tư duy “trăm sự nhờ thầy và trăm sự tại thầy” cần loại bỏ khỏi bộ óc của không ít người Việt hiện nay. 

Cần tiếng nói chung

Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo 2016-2021 đã thay đổi thành phần ủy viên theo hướng phối kết hợp việc điều hành thực hiện chiến lược giáo dục. 

Những điều vô lý: “chưa biết, chưa nghe báo cáo, không phải lĩnh vực chúng tôi hay đợi chờ văn bản bên kia gửi ...” cần được lãnh đạo khắc phục. 

Tổ chức phối hợp liên ngành của Ủy ban mới 2016-2021 sẽ tìm được tiếng nói chung, quyết tâm đổi mới trong chỉ đạo, đề xuất và điều hành thực hiện các chiến lược, chương trình, dự án quan trọng của giáo dục và đào tạo trong giai đoạn này và tiếp theo.

Năm 2012, Chính phủ thành lập Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2015 (QĐ 36/QĐ-TTg ngày 6/1/2012) và mỗi Dự án, Đề án lại thành lập một Ban chỉ đạo, các tỉnh thành cũng vậy nên việc thực hiện chồng chéo và kém hiệu quả. 

Năm 2014, Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo (QĐ 764/QĐ-TTg ngày 26/5/2014) để thống nhất chỉ đạo và thực hiện, giải tán hết các Ban vô lý kia. 

Năm 2017, Ủy ban được kiện toàn cùng ngày 17/3/2017 với Hội đồng đã tạo điều kiện pháp lý cho việc chỉ đạo, xây dựng, hướng dẫn và thực hiện cơ chế, chính sách, biện pháp liên quan để đổi mới giáo dục.

Ủy ban cấp tỉnh thành cũng sẽ được thành lập có nhiệm vụ phối hợp các cơ quan liên ngành chỉ đạo và điều phối thực hiện các chủ trương, chính sách để đổi mới giáo dục của địa phương. 

Khi nào Ủy ban cùng chung quan điểm và hành động giữa các ban ngành thì việc đổi mới giáo dục và đào tạo mới thành công. 

Gốc rễ thành bại của một đất nước là giáo dục con người. Gốc rễ của giáo dục là đội ngũ nhà giáo. 

Cơ chế chính sách, chiến lược giáo dục và giá trị của đội ngũ được khẳng định trong hàng trăm Luận án Tiến sĩ, Thạc sĩ nhưng mặt trận giáo dục lớn quá, trận đánh lớn quá nên Bộ này không hiểu và không biết Bộ kia làm gì.

Đội ngũ nhà giáo “bị bỏ quên” trong các cơn bão cải cách với nhiều dự án, chương trình nghìn tỉ đồng. 

Họ sẽ quyết định tương lai đất nước qua từng giờ, từng lời nói và việc làm nhưng cơ chế chính sách và tiêu cực đã đẩy họ đứng ngoài cuộc, đã để mặc họ buông xuôi trong bất lực và sợ hãi. 

Lương thấp, tiêu cực thi cử, bổ nhiệm chức vụ, biên chế ồ ạt, đào tạo thất nghiệp, dự án phá sản... chính là những mảng tối lớn của sự trì trệ, không ai chịu trách nhiệm của Ủy ban liên ngành về giáo dục. 

Suy nghĩ việc của Giáo dục là của Giáo dục, việc ai người nấy chịu suốt thời gian qua hoặc đá sang sân của nhau… đã đẩy sự nghiệp trồng người đến nhiều bất cập và tiêu cực.

Vấn đề có văn bản quy phạm, đúng và hợp lý nhưng các thành viên không nêu cao trách nhiệm và đồng quyết tâm thì không thể có tiếng nói chung, không thể giải quyết được đổi mới. 

Quyết tâm của Chính phủ hôm nay còn cần sự tin tưởng và ủng hộ của đội ngũ cán bộ, giáo viên, học sinh và nhân dân. 

Chương mới của Giáo dục và đào tạo Việt Nam cần viết trong cuốn sách mới hoàn toàn. 

Niềm tin đã dấy lên từ quan điểm tư duy mới cần cái nhìn đa chiều, phản biện trong tư vấn và thống nhất trong điều hành, thực hiện đổi mới giáo dục, đào tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

 

Tài liệu tham khảo:

[1] Báo VnExpress.net, ngày 20/3/2017; vietnamnet.vn ngày 21/3/2017 và một số báo khác.

[2] QĐ 36/QĐ-TTg, ngày 6/1/2012; QĐ 764/QĐ-TTg, ngày 26/5/2014; QĐ 337/QĐ-TTg, ngày 17/3/2017; QĐ 338/QĐ-TTg, ngày 17/3/2017.

​[3] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-su-Pham-Vu-Luan-Tien-si-Nguyen-Vinh-Hien-va-nhung-sieu-de-an-ngan-ti-post173521.gd

[4] http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/viet-nam-khong-co-dai-hoc-nao-lot-top-300-dai-hoc-tot-nhat-chau-a-20170318121157252.htm

Nguồn: Báo GDVN