Quan tâm đến từng chi tiết
Nhận định một số nội dung đáng chú ý trong Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT, thầy Đỗ Quang Tuân - Hiệu trưởng Trường THPT Hùng Vương (Phú Thọ) - nhắc đến Khoản 2 Điều 19 sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan đến khu vực bảo quản đề thi, bài thi của thí sinh; cụ thể: Có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày; có công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày; có 1 cán bộ của trường đại học, cao đẳng trực tại phòng trong suốt thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi...;
Khoản 1 Điều 23 được sửa đổi, bổ sung liên quan tới việc chấm thi: Việc chấm thi tại mỗi hội đồng thi được thực hiện tại không quá 2 khu vực; nơi chấm thi, chấm kiểm tra bài thi tự luận và nơi bảo quản bài thi tự luận được bố trí gần nhau; bài thi trắc nghiệm được lưu trữ tại phòng xử lý và chấm bài thi trắc nghiệm hoặc được lưu trữ tại phòng chứa bài thi riêng biệt.
Thầy Đỗ Quang Tuân cho rằng, những sửa đổi trên liên quan trực tiếp tới việc bảo quản đề thi, bài thi là rất quan trọng để đảm bảo tính nghiêm túc của kỳ thi. Những vấn đề tiêu cực nảy sinh trong những năm trước đều xuất phát từ khâu quản lý đề thi, bài thi chưa chặt chẽ. Vì vậy, những sửa đổi, bổ sung của quy chế lần này sẽ giúp ngăn chặn tối đa tiêu cực có thể phát sinh để tạo ra một kỳ thi công bằng, nghiêm túc và khách quan.
Sớm chuẩn bị các điều kiện trước kỳ thi
Chủ trương giữ ổn định Kỳ thi THPT quốc gia 2020 được Bộ GD&ĐT công bố sớm, do đó các trường đều chủ động tuyên truyền với giáo viên, học sinh nắm vững các quy định của kỳ thi. Công tác ôn tập cũng được triển khai sớm.
Tại Trường THPT Hùng Vương (Phú Thọ), công tác tuyên truyền cho học sinh, phụ huynh học sinh nắm được quy định trong kỳ thi đã được triển khai; trong đó có lưu ý học sinh những vấn đề liên quan tới nội quy và kỷ luật trong trường hợp thí sinh vi phạm quy chế thi. Bởi một trong những thay đổi tại Dự thảo là thí sinh sẽ bị hủy kết quả thi nếu bị đình chỉ thi.
Công tác tổ chức ôn tập cho học sinh cũng được nhà trường triển khai tích cực. Theo thầy Đỗ Quang Tuân, trường đã tổ chức ôn thi THPT quốc gia ngay từ đầu năm cho học sinh trên cơ sở bàn bạc với phụ huynh và Ban đại diện cha mẹ học sinh. Đồng thời, tổ chức khảo sát, phân loại đối tượng để phân chia một cách hợp lý học sinh vào các lớp học thêm. Thường xuyên rút kinh nghiệm từ phía giáo viên để điều chỉnh phương pháp giảng dạy một cách hợp lý. "Chúng tôi cũng tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về cơ sở vật chất để bảo quản đề thi, bài thi và các điều kiện phục vụ cho kỳ thi" - thầy Đỗ Quang Tuân cho hay.
Với 383 học sinh lớp 12, từ đầu năm, học sinh Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) đã được nhà trường cho đăng ký các tổ hợp để định hướng ôn thi tốt nhất. Trong quá trình ôn tập, nếu thấy không phù hợp, học sinh có thể thay đổi tổ hợp đã đăng ký. Giáo viên dạy lớp 12 luôn là những thầy cô nhiều kinh nghiệm.
Việc xếp lớp ôn tập được thực hiện theo phân hóa đối tượng học sinh, nhằm đạt hiệu quả ôn tập cao nhất. Với những học sinh yếu, giáo viên sẽ tổ chức gặp gỡ với phụ huynh để trao đổi, cùng phối hợp giúp các em tiến bộ. Giáo viên trong trường cũng dựa vào đề thi chính thức và đề thi tham khảo do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2019 để hướng dẫn học sinh cách giải và cách tiếp cận với các kỹ năng giải đề thi, tập cho học sinh làm quen với định dạng của đề.
"Công tác ôn tập thi THPT quốc gia đã được tiến hành ngay từ đầu năm. Nhà trường cũng sẽ tổ chức các đợt thi thử để giúp học sinh quen với không khí thi cử, cách làm bài; đánh giá được năng lực của mình, biết mình "hổng" kiến thức chỗ nào, từ đó bổ sung. Qua đây, học sinh cũng có thể nhận biết và lựa chọn chính xác tổ hợp dự thi" - thầy Nguyễn Quý Xuân - Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi chia sẻ.
Hiếu Nguyễn