PGS.TS. Nguyễn Công Khanh
Vào đêm đông giá lạnh ngày 25/12/1991, cách đây 26 năm, lá cờ đỏ búa liềm từ đỉnh tháp Kremli, Moskva sau khi đã từng tung bay trên đó 74 năm phải hạ xuống, thay vào đó là lá cờ ba sắc. Liên Xô sụp đổ, chủ nghĩa xã hội với tư cách là một thể chế từ giã quê hương V. Lê nin và tiếc thay cũng không còn ở 8 nước Đông Âu.
Trước bối cảnh đó, nhiều người vô tình hay cố ý đã xem nhẹ ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười - Cuộc đại cách mạng đã sinh ra nước Nga Xô viết rồi Liên Xô vĩ đại. Hôm nay, đúng 100 năm sau khi tiếng súng đại bác gầm lên từ Chiến hạm Rạng Đông mở đầu cho cuộc cách mạng, cùng với cả nhân loại tiến bộ, chúng ta lại kỷ niệm sự kiện này. Trong báo cáo khoa học này, tôi xin đề cập đến một số vấn đề sau đây:
- Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là một tất yếu lịch sử.
- Ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười đối với thời đại và với Việt Nam 100 năm vẫn còn nguyên giá trị.
1. Cách mạng Tháng Mười Nga 1917 là một tất yếu lịch sử hay về tiền đề của Cách mạng Tháng Mười Nga.
Từ giữa thế kỷ XIX, K. Marx và F. Engels cho rằng: Thắng lợi của cách mạng vô sản chỉ có thể đảm bảo trong điều kiện giai cấp vô sản ở tất cả các nước đều cùng một lúc đấu tranh cách mạng chống lại sự thống trị cuả giai cấp tư sản. Bước sang đầu thế kỷ XX, theo V.I. Lênin, chủ nghĩa đế quốc là “đêm trước của cách mạng vô sản”, nhiệm vụ giành chính quyền là nhiệm vụ trực tiếp của giai cấp vô sản. Cách mạng vô sản có thể thắng lợi ở một vài nước trước tiên, thậm chí ở một nước riêng biệt nào đó. Lênin đề ra nguyên tắc xây dựng một đảng kiểu mới của giai cấp vô sản. Người cho rằng: Chuyên chính vô sản là tất yếu trong thời kỳ quá độ trong cuộc đấu tranh giải quyết vấn đề “ai thắng ai” giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Lênin chỉ ra rằng không có sự ngăn cách giữa cách mạng dân chủ tư sản và cách mạng vô sản, không nhất thiết phải trải qua thời kỳ tư bản chủ nghĩa và sự thống trị của giai cấp tư sản sau khi cách mạng dân chủ tư sản thắng lợi.
Nguyên lý của Lênin về sự chuyển biến từ cách mạng dân chủ tư sản sang cách mạng vô sản giúp các đảng vô sản định ra đường lối cách mạng, còn liên minh công nông là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong chiến lược và sách lưọc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Lênin đã phát triển khẩu hiệu của Mác “Vô sản toàn thế giới đoàn kết lại” thành khẩu hiệu “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”.
V.Lênin: “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”
Rõ ràng, ''Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng''. Các tác phẩm của V.Lênin đã nghiên cứu và giải quyết những vấn đề lý luận do thực tiễn cách mạng đề ra. Phát triển chủ nghĩa Marx trong điều kiện mới, Lênin đã đề ra học thuyết hoàn chỉnh về cách mạng vô sản. Giai cấp vô sản thế giới mà trước hết là vô sản Nga nắm vững vũ khí tư tưởng đó, tiến hành Cách mạng Tháng Mười, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử nhân loại.
Cách mạng không thể thắng lợi nếu không có đủ các điều kiện khách quan và chủ quan cần thiết. Về khách quan, đó là tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội, nhìn từ góc độ trong nước và quốc tế; Về mặt chủ quan, đó là khả năng về sự sẵn sàng của giai cấp tiên phong. Khi có đủ điều kiện khách quan thì yếu tố chủ quan đóng vai trò quyết định. Song, nếu chưa đủ điều kiện khách quan thì nhân tố chủ quan không phát huy được tác dụng.
Về điều kiện khách quan của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Nga, phải có một cái nhìn tổng hợp cả tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội, bởi vì nếu chỉ xét tiền đề kinh tế tức là sự phát triển lực lượng sản xuất thì nước Nga trong đêm trước Cách mạng 1917 không thể bằng các nước Tây Âu và Bắc Mỹ. Nhưng nếu nhìn tổng thể tất cả các điều kiện thì không thể có một nước nào trên thế giới có được những điều kiện như nước Nga: chín muồi các tiền đề làm bùng nổ cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười.
Một số nhà sử học tư sản hiện đại, một mặt có thừa nhận chút ít sự thật, nhưng họ vẫn cố chứng minh tính chất chưa chín muồi của tiền đề kinh tế, chính trị, xã hội của nước Nga trước khi cách mạng nổ ra. Một số khác lại tuyệt đối hoá sự lạc hậu của nước Nga, coi nước Nga là “xã hội phong kiến cổ hủ”, cực kỳ lạc hậu. Cách mạng nổ ra theo họ là do ý chí của bản thân Lênin, đứng đầu “âm mưu bạo động cướp chính quyền của những người thiểu số Bolchevik”. Một số khác thì cho là do khuynh hướng vô chính phủ, do yếu tố địa lý, khí hậu khi nói: “Thế giới Nga là một thế giới địa lý lịch sử đặc biệt khác với Âu, Mỹ”. Một số chính trị gia và sử gia tư sản phi Marxist cũng cho rằng nước Nga năm 1917 chưa có tiền đề cách mạng vô sản.
Giới sử học Marxist đã đập tan các luận điểm sai lầm kể trên, chứng minh khá thuyết phục rằng: Vào năm 1917, nước Nga đã có đủ điều kiện khách quan và chủ quan cho cách mạng xã hội chủ nghĩa. Theo K. Marx, nguyên nhân sâu xa cũng như trực tiếp của mọi cuộc cách mạng là nguyên nhân kinh tế. Vậy tình hình kinh tế nước Nga trước cách mạng như thế nào? Về mặt này, Lênin đã nêu lên một mẫu mực và phân tích khoa học về tình hình kinh tế - xã hội nước Nga trong tác phẩm nổi tiếng: “Sự phát triển của CNTB ở Nga”. Theo Lênin, mặc dù có nhiều khác biệt, nước Nga cuối thế kỷ XIX đầu XX đã là một nước tư bản chủ nghĩa điển hình có trình độ phát triển trung bình, đã tồn tại chủ nghĩa tư bản độc quyền nhà nước, “là sự chuẩn bị vật chất đầy đủ nhất cho chủ nghĩa xã hội, là phòng chờ của chủ nghĩa xã hội…”.
Về mặt xã hội, mặc dù số lượng giai cấp công nhân công nghiệp không nhiều, nhưng họ lại sống rất tập trung, lại tiếp xúc với nền sản xuất hiện đại, được kế thừa kinh nghiệm của phong trào công nhân châu Âu, lại được Đảng kiểu mới do Lênin đứng đầu lãnh đạo, đầy đủ khả năng lãnh đạo cách mạng Nga. Còn nông dân Nga chưa được hưởng thành quả cách mạng dân chủ tư sản do giai cấp tư sản mang lại, lại bị bóc lột nặng nề nên sẵn sàng ngả theo giai cấp vô sản trong khối liên minh công nông vững chắc.
Nước Nga trước cách mạng tồn tại cả quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa lẫn quan hệ sản xuất phong kiến nông nô. Quan hệ sản xuất tiền tư bản chủ nghĩa không cản trở cách mạng vô sản mà chính cách mạng vô sản và chỉ có giai cấp vô sản mới quét sạch tàn dư quan hệ tiền tư bản chủ nghĩa trên đường đi của nó.
Từ phân tích trên có thể thấy rõ cách mạng dân chủ tư sản, tiếp đó là cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi ở nước Nga chứ không ở một nước phương Tây nào khác. Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga nổ ra như một tất yếu lịch sử.
2. Sức sống của Cách mạng Tháng Mười hay ý nghĩa Cách mạng Tháng Mười với thời đại và Việt Nam:
2.1. Sinh ra từ Cách mạng Tháng Mười, Chính quyền Xô viết do Lênin đứng đầu lập tức ban hành một loạt sắc lệnh đáp ứng với yêu cầu cháy bỏng của mọi lớp người. “Sắc lệnh Hoà bình” kêu gọi các nước tham chiến ngừng bắn để đàm phán; “Sắc lệnh Ruộng đất” tuyên bố thủ tiêu sở hữu ruộng đất địa chủ, chuyển sang sở hữu toàn dân. “Tuyên bố về quyền các dân tộc” thừa nhận quyền tự do, phát triển bình đẳng của các dân tộc trên đất Nga. Quyền nam nữ bình đẳng cũng được công bố. Nhà nước quốc hữu hoá các ngành kinh tế then chốt, huỷ bỏ những hiệp ước bất bình đẳng mà chế độ cũ đã ký kết cũng như số nợ vay của các nước tư bản. Đương thời, không có một cương lĩnh nào rõ ràng và tiến bộ như thế. Nhờ cuộc Cách mạng Tháng Mười, nhân dân Nga đã đạt được những thành quả mà các dân tộc khác đấu tranh hàng trăm năm mới có.
Cuộc tấn công Cung điện Mùa Đông trong Cách mạng tháng Mười Nga
Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại đã mở ra một nền văn minh mới trong lịch sử văn minh nhân loại - văn minh xã hội chủ nghĩa, nền văn minh biến những lý tưởng của chủ nghĩa xã hội khoa học - những lý tưởng của chủ nghĩa nhân văn chân chính trở thành hiện thực. Cuộc đầu tranh chống thù trong giặc ngoài nhằm bảo vệ thành quả của cách mạng, xây dựng những nền tảng, cơ sở vững chắc về mọi mặt cho một chế độ mới, chế độ xã hội chủ nghĩa, chính là quá trình hiện thực hóa một cách triệt để những nguyên tắc của nền văn minh mới đó.
Cách mạng Tháng Mười đã khơi nguồn những sức mạnh tiềm ẩn của nhân dân Nga. Một nước Nga Xô viết tiêu điều đã đánh tan thù trong giặc ngoài và bước đầu xây dựng chế độ mới, thực hiện khẩu hiệu: “Chủ nghĩa cộng sản bằng chính quyền Xô viết cộng với điện khí hoá toàn quốc”… Từ một nước Nga lạc hậu, Liên Xô đã trở thành một nước cường quốc công nông nghiệp ngang hàng với các nước phát triển Âu, Mỹ. Bằng bàn tay khối óc của mình nhân dân Nga đã khôi phục lại những tổn thất của chiến tranh, bắt tay vào công cuộc cải biến vĩ đại. Sức sống mới đã đâm chồi nảy lộc khi Chính sách Kinh tế mới do Lênin soạn thảo đã đi vào cuộc sống.
Lý tưởng Cách mạng Tháng Mười đã cổ vũ tinh thần chiến đấu, hy sinh vô bờ bến cho cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Nhờ sức mạnh công nghiệp hùng hậu, nhờ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô mà đất nước Xô viết đã trở thành lực lượng quyết định nhất, tiêu diệt chủ nghĩa phát xít, cứu loài người ra khỏi thảm hoạ huỷ diệt.
Trái với các chiến lược gia Mỹ cho rằng: Phải mất 20 năm và phải có viện trợ bên ngoài thì Liên Xô mới khắc phục hậu quả của chiến tranh, thì Liên Xô với tinh thần tự lực tự cường, dũng cảm bắt tay vào công cuộc hồi sinh đất nước chỉ trong vòng 4 năm 3 tháng. Là nước đầu tiên có nhà máy điện nguyên tử, có vệ tinh nhân tạo và tàu vũ trụ đầu tiên mở đầu kỷ nguyên chinh phục vũ trụ của nhân loại. Tuyên ngôn của Cách mạng Tháng Mười đã được thực hiện triệt để trong lĩnh vực xã hội Đến giữa những năm 70 của thế kỷ XX, Liên Xô đã đạt được những thành tựu vĩ đại, là một siêu cường trên nhiều phương diện. Trên trường quốc tế, Liên Xô là trụ cột của hoà bình thế giới. Đảng Cộng sản Liên Xô đưa dân tộc Nga và các dân tộc Xô viết lên vị trí các dân tộc tiên phong trên thế giới.
Tuy nhiên từ cuối những năm 80 của thế kỷ XX, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu lâm vào khủng hoảng rồi sụp đổ. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực 26 năm trước đây không phải là một hiện tượng ngẫu nhiên mà là hệ quả của nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân sâu xa: là những sai lầm tích tụ nhiều thập kỷ chậm được giải quyết và nguyên nhân trực tiếp là sai lầm của cải tổ làm tăng thêm mức độ trầm trọng của khủng hoảng đẩy nhanh đến chỗ sụp đổ. Nguyên nhân bên trong gồm nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp kể trên là lý do chủ yếu làm chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng và sụp đổ. Bên cạnh đó, nguyên nhân bên ngoài: sự chống phá của các thế lực chống chủ nghĩa xã hội ở trong và ngoài nước.
Chưa có một sự kiện nào gây chấn động lương tri nhân loại tiến bộ bằng việc chủ nghĩa xã hội không còn trong không gian hơn 1/6 diện tích trái đất này. Cách mạng thế giới trước bi kịch lịch sử này đang lâm vào thoái trào, nhưng như Lênin nói: “Cách mạng có thể bị thất bại nhưng cách mạng không bao giờ bị tiêu diệt”. Sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, Đông Âu chỉ là bước lùi tạm thời, đó chỉ là sự sụp đổ của mô hình Xô viết có nhiều thành tựu song cũng có không ít khuyết tật.
Chủ nghĩa xã hội vẫn đang ươm mầm xanh hy vọng, sức lan toả mạnh mẽ của nó là minh chứng hùng hồn cho lý tưởng cộng sản cho ước mơ dựng xây xã hội chủ nghĩa. Và để ngàn đời sau người ta vẫn nhắc đến Cách mạng Tháng Mười như một bài ca bất diệt
Các nước xã hội chủ nghĩa còn lại đã rút được bài học từ thất bại trên, đang tiến hành công cuộc “cải cách mở cửa”, “đổi mới” thành công. Chắc chắn chủ nghĩa xã hội đích thực sẽ giành thắng lợi trên phạm vi toàn thế giới. Và nước Nga sau 10 năm thử thách đã hồi sinh để lấy lại vị thế cường quốc dưới quyền lãnh đạo của Tổng thống V. Putin. Thời gian tuy đã lùi xa nhưng dư âm của cuộc Cách mạng Tháng Mười - cuộc cách mạng vĩ đại nhất trong thế kỷ XX vẫn còn sức lan toả mạnh mẽ.
Một chân trời mới được mở ra, chế độ xã hội chủ nghĩa lớn lên trong cái nôi của Cách mạng Tháng Mười là một hình mẫu cao đẹp về sự biến đổi xã hội, một ngôi nhà chung lý tưởng mà các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới đều khát khao.
2.2. Cách mạng Tháng Mười là sự kiện lịch sử vĩ đại, để lại dấu ấn không thể phai mờ, quyết định chiều hướng phát triển của nhân loại có sức sống bất diệt. Nó mở ra thời đại mới: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới, thời đại giải phóng nhân dân lao động và các dân tộc bị áp bức. Đúng như Hồ Chí Minh nhận định: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng năm châu, thức tỉnh hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người, chưa từng có cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế”. Cách mạng Tháng Mười là mặt trời đang lên, xua tan đêm tối. Đối với những người cách mạng phương Đông và Việt Nam, ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười và Chủ nghĩa Marx - Lênin tựa như nước uống với người đi đường bị khát, chờ đợi đã lâu ngày.
Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy bó đuốc soi đường cho cách mạng Việt Nam. Chủ nghĩa Marx - Lênin cuốn cẩm nang thần kỳ cho cuộc cách mạng của dân tộc mình và thành công của Cách mạng Tháng Tám là hiện thực hoá sinh động đã cổ vũ cho toàn thể dân tộc Việt nam đã thức tỉnh nhân dân ta tin tưởng hoàn toàn con đường mà lịch sử dân tộc đã chọn: con đường cách mạng vô sản.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945, “lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Qua đó, Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam có thể được coi là một trong những sự kiện quan trọng nhất của lịch sử thế giới kể từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Tiếp nối truyền thống của thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta tiếp tục làm nên chiến thắng lừng lẫy Điện Biên Phủ, chiến thắng chủ nghĩa thực dân Pháp; và cuối cùng là Đại thắng Mùa Xuân 1975, chấm dứt 21 năm chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Thắng lợi này mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam - kỷ nguyên độc lập tự do và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước. Tất cả những thành quả đó là nhờ có Chủ nghĩa Marx - Lênin, có ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười soi đường, đó là nhờ có Đảng Công sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã dẫn đắt dân tộc ta đi theo đúng con đường mà thời đại mới đã tạo ra. Tình đoàn kết hữu nghị Xô - Việt đã giúp con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua giông bão. Với sự giúp đỡ quý báu của Liên Xô, miền Bắc tiếp tục bắt tay vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương cho miền Nam thắng giặc Mỹ xâm lược.
Sự thành công của Việt Nam trên con đường đổi mới hôm nay là minh chứng hùng hồn về sự bất diệt của con đường cách mạng vô sản và sức mệnh diệu kỳ của Cách mạng Tháng Mười lại một lần nữa được khẳng định khi nó là nền móng vững chắc cho cách mạng Việt Nam. Việt Nam hôm nay sẽ tiếp thêm ngọn lửa truyền thống phát huy những di sản vĩ đại và cao quý mà Cách mạng Tháng Mười để lại.
Kỷ niệm 100 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga thành công, trong một thế giới toàn cầu hóa đầy những biến động khôn lường, một lần nữa ánh sáng của nền văn minh mới - nền văn minh xã hội chủ nghĩa với tinh thần nhân văn sâu sắc, triệt để của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên thắp sáng niềm tin của chúng ta vào những mục tiêu cao cả của sự nghiệp mà chúng ta đang tiến hành, xây dựng đất nước ta trở thành đất nước dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, tất cả nhân danh con người, vì lợi ích con người. Tinh thần Cách mạng Tháng Mười sẽ sống mãi với xã hội loài người, với sự nghiệp đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
Đúng 100 năm, cùng với cuộc cách mạng vĩ đại đã qua đi, tưởng như bão tố chiến tranh sẽ thôi gầm thét, nhưng ngay trong gần 2 thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI, khói lửa chiến tranh, xung đột, khủng bố vẫn phủ bóng các châu lục của địa cầu. Thế giới lại lâm vào một trạng thái mà trật tự cũ đã lui vào dĩ vãng, nhưng trật mới vẫn chưa được hình thành, một thế giới hỗn mang hiện đại, ở một tầng nấc khác hơn trạng thái hỗn mang của đầu thế kỷ XX. Tuy nhiên, vẫn hàm chứa những điểm tương đồng, vậy thì chúng ta có thể nhận được những thông điệp nào từ Cách mạng Tháng Mười? Có rất nhiều thông điệp mà Cách mạng Tháng Mười đã chuyển đến cho các thế hệ sau, trong đó có thông điệp về một nền văn minh mới trong những thời điểm như những tháng năm này./.