Từ kết quả, hạn chế, bài học kinh nghiệm sau 5 năm, những nhóm nhiệm vụ và giải pháp ưu tiên cũng được đưa ra nhằm tiếp tục triển khai hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT.
Những yếu tố chủ chốt cho thành công của đổi mới
Sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và chính quyền các cấp, sự quan tâm, tham gia đóng góp của toàn dân đối với giáo dục là những yếu tố chủ chốt cho những thành công về đổi mới giáo dục trong thời gian qua.
Đó là bài học kinh nghiệm đầu tiên được Bộ GD&ĐT đưa ra trong báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Những bài học quan trọng khác là sự ổn định chính trị, những thành quả phát triển KT-XH, đời sống nhân dân được cải thiện và hội nhập quốc tế trong thời kỳ đổi mới đã tạo môi trường thuận lợi cho phát triển giáo dục.
Sự cam kết của Quốc hội trong việc đầu tư cho sự nghiệp giáo dục khoảng 20% ngân sách nhà nước và giữ ổn định từ năm 2007 đến nay đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự thành công của công cuộc đổi mới GD&ĐT;
Việc rà soát, loại bỏ các nội dung giáo dục trùng lặp và xây dựng các nội dung/chủ đề tích hợp, việc tăng cường sử dụng các phương pháp giáo dục tích cực, tổ chức các hoạt động dạy và học nhằm phát triển năng lực người học, việc tập trung kiểm tra, đánh giá khả năng vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn của người học,… trong quá trình thực hiện chương trình hiện hành là bước đi vững chắc, là sự chuẩn bị tâm thế sẵn sàng để triển khai hiệu quả chương trình phát triển năng lực trong giai đoạn tiếp theo.
Trong một xã hội mà tâm lý "ứng thí", "khoa cử", "chuộng bằng cấp" của người dân không dễ gì xóa bỏ, việc xác định "đổi mới kiểm tra, đánh giá, thi là khâu đột phá" là hoàn toàn đúng đắn.
Nếu đánh giá được sự phát triển năng lực người học và sự tiến bộ của người học theo thời gian, thì thể hiện được rõ ràng quan điểm nhân văn trong giáo dục "đánh giá không phải là điểm kết thúc của một giai đoạn mà là điểm khởi đầu cho một giai đoạn mới". Khi đó đánh giá sẽ điều chỉnh hoạt động dạy, hoạt động học, sẽ điều chỉnh, cải tiến chương trình và chính sách giáo dục.
Một hệ thống giáo dục mở (liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo; liên thông giữa các chương trình giáo dục; gắn kết giữa các yếu tố trong hệ thống giáo dục; gắn kết và tương tác giữa hệ thống giáo dục với các hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội,…) là môi trường lý tưởng để mọi người dân đều có thể học tập suốt đời, từ đó quốc gia phát triền bền vững và phồn thịnh.
Công tác quản lý giáo dục bảo đảm dân chủ; phân cấp quản lý giáo dục bảo đảm tăng quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình cho địa phương và cơ sở giáo dục; giám sát, thanh tra, kiểm tra tốt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho cơ sở, sẽ giảm thiểu những tiêu cực và bức xúc trong giáo dục, từ đó sẽ giúp cho việc đổi mới theo đúng kế hoạch, lộ trình và có chất lượng, hiệu quả tốt.
Bộ GD&ĐTcũng nhận định, ý thức trách nhiệm, sự nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và quyết tâm đổi mới của ngành giáo dục, của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt 8 nhiệm vụ và giải pháp đổi mới giáo dục.
Việc phân bổ, chi tiêu hợp lý ngân sách nhà nước cho GD&ĐT; việc huy động nhiều sự tham gia đóng góp của toàn xã hội cho phát triển giáo dục; việc gắn kết hiệu quả giữa nghiên cứu khoa học giáo dục, giảng dạy và đào tạo, ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh; việc mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước về lĩnh vực giáo dục;… đã góp phần không nhỏ vào thành công của đổi mới GD&ĐT trong thời gian qua.
9 nhiệm vụ, giải pháp ưu tiên
Tình hình kinh tế, chính trị khu vực và thế giới luôn có những diễn biến bất ngờ, phức tạp, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với công cuộc đổi mới GD&ĐT nước ta. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu, làm thay đổi cấu trúc hầu hết các ngành công nghiệp, đòi hỏi sự chuyển đổi hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị nhân lực, đòi hỏi sự thay đổi cung, cầu và cơ cấu lao động của mọi quốc gia, từ đó dẫn đến sự thay đổi của nền giáo dục tương ứng.
Hội nhập và toàn cầu hóa vẫn là xu thế chủ đạo, trong đó cơ hội phát triển và cạnh tranh gay gắt luôn song hành. Đặc biệt, nhiều khu vực tiềm ẩn nguy cơ chiến tranh và bất ổn, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến hòa bình và hợp tác giữa các quốc gia và khu vực.
Ở trong nước, tình hình chính trị và xã hội ổn định, tăng trưởng kinh tế ngày càng nhanh, vị thế đất nước ngày càng được nâng lên, môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được cải thiện, chính sách khởi nghiệp được Chính phủ quan tâm,... đã tạo điều kiện thuận lợi cho những ý tưởng đột phá về phát triển kinh triển kinh tế, xã hội.
Tuy nhiên, đất nước ta đang phải đối mặt những khó khăn, thách thức không nhỏ như năng suất lao động và sức cạnh tranh thấp, mức độ sẵn sàng thích ứng với yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thấp, nhu cầu đầu tư phát triển lớn trong khi nguồn lực hạn hẹp,...
Trong bối cảnh này, Đảng và Nhà nước vẫn đặc biệt quan tâm và dành ngân sách thỏa đáng cho công cuộc phát triển GD&ĐT. Vì vậy, ngành giáo dục cùng các bộ, ngành, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện 9 nhóm nhiệm vụ và giải pháp trong Nghị quyết 29, trong đó xác định ưu tiên cho một số vấn đề cụ thể.
Các nhiệm vụ và giải pháp được Bộ GD&ĐT đưa ra là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của Nhà nước, sự phối hợp các bộ, ngành, địa phương trong đổi mới GD.
Đổi mới hiệu quả các yếu cơ bản của GD&ĐT theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất và năng lực người học. Thực hiện phương pháp thi, kiểm tra, đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Tiếp tục đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh việc thực hiện tự chủ trong các cơ sở đào tạo; cơ sở GD nghề nghiệp; coi trọng quản lý chất lượng - đây là giải pháp đột phá trong giai đoạn tới. Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu đổi mới GD&ĐT.
Tiếp tục đổi mới chính sách, cơ chế tài chính nâng cao hiệu quả đầu tư; đẩy mạnh xã hội hóa đối với GD&ĐTvà giáo dục nghề nghiệp. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Tích cực, chủ động hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong giáo dục.
Theo Hiếu Nguyễn (GD&TĐ)