Tình trạng giáo viên đứng lớp thừa thiếu cục bộ hiện nay xảy ra khắp nơi trên cả nước. Nếu như cấp Mầm non và Tiểu học của một số địa phương đang thiếu thì cấp Trung học cơ sở lại dư thừa nhiều nhất.
Phần lớn giáo viên hiện nay có cuộc sống kinh tế còn tương đối khó khăn. Không mấy ai có thể sống đủ bằng đồng lương của mình, nhất là những giáo viên có tuổi nghề trên dưới 10 năm công tác.
Vì thế, muốn tồn tại với nghề thì không ít giáo viên phải làm thêm nhiều công việc tay trái khác để bám lớp, bám trường.
Một số gắng gượng là vì yêu nghề, nhưng cũng không ít người là vì mưu sinh, vì không biết làm gì khác ngoài nghề dạy học.
Trong khi đó điểm đầu vào các ngành sư phạm ngày càng thấp, “lời nguyền chuột chạy cùng sào” vẫn ám ảnh, đeo bám ngành giáo dục nước nhà mấy chục năm nay;
Với lực lượng giáo viên như vậy, lấy đâu ra chất lượng dạy và học cũng như động lực phấn đấu nâng cao tay nghề?
Do đó, đã đến lúc phải cải tổ ngành sư phạm nói riêng và giáo dục nói chung, trong chiến lược tinh giản bộ máy hành chính sự nghiệp mà Đảng, Nhà nước đang triển khai.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin nêu ra mấy nguyên tắc và giải pháp, ngõ hầu góp tiếng nói với các nhà lãnh đạo và toàn xã hội trong công việc lớn lao và đầy rẫy khó khăn này;
Chúng tôi mong sao bộ máy hành chính sự nghiệp nói chung, giáo dục nói riêng sẽ sớm được tinh giản hiệu quả mà không gây xáo trộn xã hội, ly tán lòng người vốn đã mỏi mệt vì những mặt trái trong giáo dục suốt mấy chục năm qua.
4 nguyên tắc tinh giản biên chế
Nguyên tắc thứ nhất:
Tinh giản từ trên xuống dưới, làm gọn bộ máy quản lý giáo dục trước, cắt giảm giáo viên dôi dư sau; luật hóa tinh giản biên chế thay cho bình bầu, tự giác.
Việc sắp xếp lại bộ máy quản lý giáo dục và cắt bỏ những bộ phận thừa, làm việc kém hiệu quả và tạo ra lực cản cho đổi mới giáo dục, chúng tôi đã bàn trong 3 bài viết gần đây trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam:
Ngành giáo dục cần tinh giảm bao nhiêu biên chế quản lý?;
Cần cắt bỏ biên chế lực lượng nào trong giáo dục?;
Đội ngũ “cầm tay chỉ việc” giáo viên từ phòng lên bộ có nên cắt bỏ?
Còn với đội ngũ giáo viên dôi dư gia tăng những năm gần đây nguyên nhân có nhiều, nhưng chủ yếu là do tuyển dụng bất minh và quy hoạch đào tạo sư phạm bị bỏ mặc.
Những năm qua truyền thông đã phản ánh khá nhiều hiện tượng tiêu cực trong tuyển dụng.
Nhiều nơi đã hình thành mức giá hàng trăm triệu đồng cho 1 suất “biên chế”, mà không phải cứ có tiền là xin được ngay.
Một số quan chức địa phương coi thường kỉ cương, phép nước, một số cá nhân có tư duy nhiệm kì đã thực hiện những “chuyến tàu vét” kí bừa trong việc tuyển dụng rồi nhận tiền là về hưu, hoặc chuyển sang vị trí công tác khác.
Những người này để lại hậu quả khôn lường mà xã hội phải gánh, cá nhân giáo viên phải chịu thiệt thòi, không biết kêu ai.
Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến những lãnh đạo kiểu này như bà Ngô Thị Hoa - nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Yên Định (Thanh Hóa) chỉ bị kỉ luật cảnh cáo;
Hay ông Nguyễn Sỹ Kỷ - nguyên Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) đã ký hợp đồng ngoài chỉ tiêu tới 526 giáo viên, bổ nhiệm thừa 32 phó hiệu trưởng;
Việc này dẫn đến tình trạng lãnh đạo không đủ việc làm, giáo viên không đủ tiết dạy, còn ngân sách nhà nước thì phải bội chi.
Thế nhưng trớ trêu thay, hiện nay ông Nguyễn Sỹ Kỷ đang là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk để rồi dính bê bối mới, xây biệt thự không phép trên đất nông nghiệp?
Do đó, để thực hiện được việc sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, tinh giản lực lượng cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên dư thừa do buông lỏng tuyển dụng và quản lý, chúng tôi khẩn thiết kiến nghị với Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ sớm có chủ trương và luật hóa nguyên tắc sau đây:
- Một là, cách chức, buộc bồi thường thiệt hại cho ngân sách nhà nước đối với những quan chức nào ký quyết định tuyển dụng nhân sự trái quy định, vượt chỉ tiêu biên chế;
- Hai là, những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn và phân cấp quản lý để tuyển dụng hàng chục, trăm giáo viên hoặc sa thải để tuyển mới, có dấu hiệu trục lợi (chạy biên chế), cần phải truy tố hình sự.
- Ba là, tất cả các trường hợp bị phát hiện “chạy biên chế” cũng phải được loại khỏi bộ máy.
Nguyên tắc thứ hai:
Minh bạch hóa quá trình tuyển dụng và sử dụng lao động trong ngành giáo dục, tất cả được công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan đơn vị tuyển dụng / sử dụng lao động để nhân dân theo dõi, giám sát.
Nguyên tắc thứ ba:
Phải xây dựng cho được hệ thống tiêu chí đánh giá chất lượng viên chức / giáo viên để làm sao không bỏ lọt thành phần “kém đức, thiếu tài, giỏi ‘quan hệ’ chạy chọt” và giữ chân được những người làm việc hiệu quả, có tinh thần trách nhiệm, thực tài, thực học.
Đây là công việc rất khó khăn, phức tạp, nhưng buộc chúng ta phải làm, không có cách nào khác nếu muốn tinh giản bộ máy hành chính sự nghiệp nói chung, cũng như ngành giáo dục nói riêng.
Hãy học tư duy quản trị và các kinh nghiệm sàng lọc nhân sự của các quốc gia tiên tiến trong lĩnh vực này như Singapore, Israel.
Để tránh tác động làm méo mó chính sách, cần có đội ngũ chuyên gia, tư vấn độc lập ngoài ngành giáo dục và hệ thống hành chính sự nghiệp.
Luật Viên chức đã ra đời từ 2005 có điều khoản viên chức 2 năm không hoàn thành nhiệm vụ thì bị loại khỏi bộ máy.
Oái oăm thay, chất lượng giáo dục ngày càng nhiều bất cập, nhưng năm nào các cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục cũng đều hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Để đến mức “hoàn thành nhiệm vụ” đã là hiếm có, cơ chế đánh giá hiện nay lấy đâu ra người “không hoàn thành nhiệm vụ” để mà tinh giản bộ máy?
Chủ trương tinh giản biên chế bộ máy hành chính sự nghiệp cũng vậy, không phải bây giờ mới có. Nhưng nghịch lý là, càng nhiều quy định tinh giản thì bộ máy lại càng phình to!
Vì sao vậy? Chúng tôi thiết nghĩ, lý do chính là chúng ta đang thiếu một hệ thống đánh giá chất lượng, hiệu quả viên chức một cách minh bạch và tin cậy.
Không ai tự cắt bát cơm của mình, cho dù nhiều người thừa biết mình chỉ là kẻ ăn bám ngân sách nhà nước.
Bởi vậy thay vì trông chờ vào sự tự giác của cá nhân, Nhà nước cần có biện pháp tinh giản biên chế hiệu quả bằng chính sách.
Nguyên tắc thứ tư:
Tinh giản biên chế và sắp xếp lại bộ máy tinh gọn, hiệu quả phải đi đôi với chính sách cải cách tiền lương, thu nhập cho giáo viên trên cơ sở hiệu quả công việc.
8 giải pháp tinh giản biên chế giáo dục
Về những giải pháp cụ thể để có thể tinh giản biên chế bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, lực lượng giáo viên dôi dư, chúng tôi cho rằng phải được nhanh chóng cụ thể hóa thành các chính sách.
Quan trọng hơn nữa việc triển khai phải diễn ra công bằng, minh bạch nhưng cần thực sự khéo léo và tế nhị, bởi chính sách tinh giản lần này sẽ đụng đến những con người cụ thể, đằng sau họ là những hoàn cảnh, gia đình cụ thể.
Người Việt ta còn nặng lắm tâm lý duy tình.
Nhưng duy trì bộ máy thế này chỉ làm nước nhà kiệt quệ, giáo dục thui chột, không có tương lai, bắt buộc phải tái cấu trúc.
Bên cạnh việc tuyên truyền thường xuyên chủ trương tinh giản biên chế cũng như nguy cơ đem đến cho ngân sách vì bộ máy cồng kềnh kém hiệu quả, chúng tôi xin đề xuất 8 giải pháp cụ thể để tránh xáo trộn quá nhiều.
Giải pháp thứ nhất:
Hiện nay, có một bộ phận thầy cô đã gần tuổi về hưu, sức khỏe không tốt cùng với một lượng lớn giáo viên đào tạo cấp tốc (cấp Tiểu học) ngày trước đang rất vất vả với những đổi mới liên tục của ngành.
Vì thế, chúng ta có thể giải quyết chế độ và động viên các thầy cô này về trước chế độ. Bởi thực tế, cũng có rất nhiều thầy cô vì sức khỏe và nhiều lí do khác nhau mà họ cũng đã có ý định được nghỉ chế độ sớm.
Giải pháp thứ hai:
Biên chế giáo viên phình ra cũng bởi chính sách của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Khi thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa 2000, Bộ đã tăng thêm khá nhiều môn học mới: tin học, ngoại ngữ, âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ…
Đến năm 2008, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tổng kết khá rầm rộ trên cả nước về chương trình, sách giáo khoa hiện hành (lúc đó mới làm xong).
Kết thúc đợt tổng kết này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã ký báo cáo gửi Quốc hội, trong đó đã phải quyết định chuyển một số môn từ bắt buộc sang tự chọn / tự chọn bắt buộc để giảm tải.
Thực tế chúng tôi thấy “sách giáo khoa” của những môn này thay đổi liên tục và giá đắt hơn sách giáo khoa của các môn bắt buộc, cha mẹ học sinh năm nào cũng phải mua mới, gây lãng phí lớn cho người dân.
Hơn nữa, chúng tôi không hiểu Bộ Giáo dục và Đào tạo định dạy “kiến thức, kĩ năng” gì về tin học cho học sinh lớp 3 khi trẻ em 3 tuổi đã có thể sử dụng thành thạo điện thoại thông minh và máy tính bảng?
Các môn âm nhạc, mỹ thuật, công nghệ tại sao không tổ chức thành mô hình câu lạc bộ hoặc lồng vào chương trình ngoại khóa, mà bây giờ các nhà soạn chương trình gọi bằng cái tên mới: hoạt động trải nghiệm?
Làm được điều này, chúng tôi tin rằng sẽ giảm được rất nhiều biên chế giáo viên, đặc biệt là giảm tải cho học sinh.
Do đó thiết nghĩ Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có nghiên cứu tổng kết một cách hệ thống, khoa học, khách quan, minh bạch và cầu thị về các môn / hoạt động giáo dục này để chứng minh sự cần thiết phải đưa nó vào nhà trường, đưa vào từ lứa tuổi nào, thời lượng bao nhiêu là hợp lý.
Xin đừng vì áp lực thành tích, đổi mới hay vì các khoản tiền hậu hĩnh từ dự án, bán sách giáo khoa và thiết bị dạy học, mà “sáng tạo” ra các môn / hoạt động giáo dục mới để tăng biên chế, còn học sinh, cha mẹ học sinh và giáo viên cứ quay cuồng chạy theo.
Giải pháp thứ ba:
Cần phải cơ cấu lại tổ chức bộ máy trong mỗi đơn vị trường học bởi có quá nhiều những chức danh không cần thiết.
Nhiều trường, giáo viên dạy 1 môn cứ đủ 3 người là thành lập 1 tổ chuyên môn tạo nên sự lãng phí rất lớn.
Chúng ta chỉ cần thành lập 4 tổ chuyên môn/đơn vị trường đối với những trường loại II-III là đủ: Tổ Văn phòng, tổ Tự nhiên, tổ Xã hội và 1 tổ khối các môn còn lại.
Chứ như hiện nay, nhiều trường trung học cơ sở chỉ có 50 giáo viên, nhân viên nhưng lập ra đến 10 tổ chuyên môn thì lãng phí vô cùng.
Gộp các tổ chuyên môn lại vừa đỡ phải chi trả tiền phụ cấp chức vụ (tổ trưởng) lại giảm được 1 biên chế (tổ trưởng được giảm 3 tiết).
Giải pháp thứ tư:
Là đối với đội ngũ lãnh đạo nhà trường cần thực hiện đúng với các văn bản hiện hành, nhiều trường loại 2-3 mà có 2 phó hiệu trưởng để làm gì?
Giảm được 1 phó hiệu trưởng là ngân sách giảm được hàng trăm triệu mỗi năm.
Bởi vì phía sau phó hiệu trưởng có đội ngũ tổ trưởng chuyên môn hỗ trợ rất nhiều. Nhiều trường thêm 1 phó hiệu trưởng phụ trách cơ sở vật chất hoặc phụ trách ngoài giờ không phát huy được tác dụng.
Nhất là đối với phó hiệu trưởng ngoài giờ mỗi tháng chỉ có 2 tiết hoạt động ngoài giờ thì có các giáo viên chủ nhiệm đảm trách, các phong trào thì có Bí thư chi Đoàn (cấp III) và tổng phụ trách Đội (cấp I-II) đảm nhận rồi.
Giải pháp thứ năm:
Đối với những tổ chuyên môn quá dư thừa giáo viên mà nội bộ trường không thể tự sắp xếp được, chúng ta có thể tham mưu đề xuất với cấp trên và động viên giáo viên đến công tác ở những trường khó khăn còn thiếu giáo viên.
Trong việc này, phải xem xét cụ thể từng trường hợp, minh bạch, công khai và tạo được tâm lý đồng thuận.
Phải quan tâm tới điều kiện sức khỏe, hoàn cảnh gia đình của giáo viên luân chuyển...để xây dựng các tiêu chí luân chuyển để tránh việc lợi dụng chủ trương luân chuyển để "làm tiền" với nhà giáo.
Chế độ chính sách cho các đối tượng luân chuyển này cũng phải được niêm yết rõ ràng, sau bao nhiêu lâu thì được về gần nhà, đãi ngộ thế nào, hỗ trợ ra sao...
Giải pháp thứ sáu:
Công tác đánh giá, xếp loại giáo viên hàng năm phải khách quan, minh bạch, đo lường được cái cần đo là chất lượng - hiệu quả công việc.
Những giáo viên nào không đáp ứng được yêu cầu công việc thì tinh giản biên chế theo đúng tinh thần Nghị định 56 của Chính phủ và Nghị định 88 sửa đổi mới được ban hành gần đây.
Giải pháp thứ bảy:
Công tác tuyển dụng, thuyên chuyển công tác giáo viên ở các sở, phòng giáo dục cần minh bạch thông tin.
Hiện nay, các sở, phòng giáo dục đều có Website riêng biệt.
Vì thế, khi có nhu cầu tuyển dụng hoặc thuyên chuyển giáo viên thì lãnh đạo ngành cần thông tin cụ thể trên các cổng thông tin điện tử của cơ quan mình.
Làm như vậy vừa giúp xã hội giám sát, vừa giúp các đối tượng trong diện tuyển dụng / luân chuyển biết cụ thể trường hợp của mình và đồng nghiệp / đối thủ cạnh tranh tuyển dụng, biết hồ sơ của mình đang ở đâu, giai đoạn nào.
Chỉ có minh bạch mới tránh được tiêu cực, như ánh sáng xuất hiện thì bóng tối phải lùi xa.
Tránh tình trạng lâu nay có nhiều địa phương không công khai, minh bạch dẫn đến tình trạng lãnh đạo này có thể gửi gắm con em mình được, người khác cũng làm thế hoặc người có nhiều tiền thì chạy về trường lớn.
Những giáo viên mới ra trường, giáo viên eo hẹp về kinh tế, không phải là thành phần con cháu lãnh đạo cứ loay hoay mãi ở vùng khó khăn.
Điều này dẫn đến tình trạng các trường khó khăn giáo viên luôn muốn tìm cách chuyển đi thì bắt buộc phải tuyển mới.
Các trường lớn thì toàn là lãnh đạo địa phương gửi gắm con cháu mình vào, thành ra điệp khúc thừa-thiếu cục bộ cứ lặp đi, lặp lại và ngày càng khó giải quyết.
Giải pháp thứ tám:
Phải gấp rút quy hoạch lại các trường sư phạm, tránh tình trạng địa phương nào cũng cũng có trường sư phạm, cũng tuyển sinh, cũng đào tạo.
Cần xem lại đề án đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên phục vụ đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông, và đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Dự án này vay vốn Ngân hàng Thế giới 100 triệu USD để thực hiện Quyết định số 732 của Chính phủ.
Quyết định này nêu rõ, đến năm 2020 ngành sư phạm sẽ đào tạo thêm 60.000 người.
Nhưng báo cáo của Bộ giáo dục và Đào tạo đã cho thấy, riêng năm 2015 đã đào tạo 70.000 người và năm 2016 là 68.000…Chất lượng đầu vào sư phạm thế nào thì khỏi cần nhắc lại, dư luận đã quá ngao ngán.
Với thực trạng này thì không chỉ giáo viên dư thừa mà những năm tới đây, sinh viên sư phạm thất nghiệp sẽ ngày một nhiều hơn.
Vì thế, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần làm gấp quy hoạch, dự báo cụ thể; Chỉ đào tạo khi nhân lực của ngành học còn thiếu;
Các ngành học đã thừa hoặc không có sinh viên theo học cần có những giải pháp cụ thể từ Bộ Giáo dục và các Ủy ban nhân dân tỉnh phải có chính sách chuyển đổi hoặc giải tán.
Ngân sách nhà nước không thể tiếp tục cáng đáng cho đội ngũ giảng viên các trường sư phạm chỉ đào tạo vì phải nuôi sống đội ngũ giảng viên sư phạm này, còn đâu xã hội gánh.
Bởi cứ tiếp tục vì “nuôi thầy” mà phải tuyển sinh, hậu quả cho xã hội còn nặng nề hơn rất nhiều việc tinh giản đội ngũ giảng viên các trường sư phạm.
Nếu chúng ta làm quyết liệt, hợp lí, bố trí tinh, gọn vừa phát huy được hiệu quả công việc, tránh chồng chéo và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau mà mỗi năm, mỗi đơn vị trường học giảm được hàng trăm triệu tiền lương, tiền phụ cấp chức vụ, trách nhiệm…
Nhiều đơn vị như thế, cả ngành giáo dục như thế… Mỗi năm có thể tiết kiệm cho ngân sách một số tiền rất lớn – số tiền tiết kiệm hàng năm đó có thể đầu tư được hàng trăm phòng học dột nát...
Nguyễn Nguyên (Báo GDNV)