Hội nghị có sự tham dự của hơn 900 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương; đại diện các hiệp hội, các tổ chức quốc tế; Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng đại học/Chủ tịch Hội đồng trường, Giám đốc/Hiệu trưởng, lãnh đạo bộ phận tổ chức nhân sự của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong cả nước.

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, hội nghị hướng tới mục đích cùng nhận thức sâu hơn, đầy đủ và thông suốt hơn về các vấn đề có liên quan, cùng bàn về các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện, chỉ ra các nguyên nhân, đề xuất các giải pháp. Đặc biệt là cùng xác định các vấn đề, các yêu cầu, các công việc mà cơ sở GDĐH, bộ, ngành, địa phương cần thiết phải triển khai.

Trình bày báo cáo về một số kết quả triển khai chính sách tự chủ đại học, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đã nêu những đánh giá về hoạt động của hội đồng trường, thống kê số trường theo khả năng tự đảm bảo kinh phí hoạt động, mức độ và tác động triển khai tự chủ trong các lĩnh vực, tình hình triển khai và tác động của các chính sách tự chủ. Báo cáo cũng đề cập đến cơ cấu trình độ giảng viên qua 5 năm và số lượng công bố quốc tế qua 5 năm.

Tự chủ không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam điểm lại một số kết quả đạt được sau thời gian thực hiện tự chủ. Các bảng xếp hạng quốc tế khác nhau cho thấy, thứ hạng của giáo dục đại học Việt Nam từ vị trí 80-90 trên thế giới đã nâng lên vị trí 60-70. Từ chỗ không có trường đại học nào của Việt Nam được xếp hạng quốc tế, đến nay, tùy từng bảng xếp hạng, đã xuất hiện nhiều hơn các trường đại học của Việt Nam.

Trước khi thực hiện tự chủ, 70-80% công bố từ các viện nghiên cứu, 30% từ các trường đại học, đến nay tỉ lệ này đảo ngược lại: 70% từ các trường đại học. Tuy nhiên, số lượng các công bố vẫn còn rất thấp so với ngay các nước trong khu vực. Tỉ lệ giảng viên có trình độ cao nâng lên từ 25% lên 32%.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị

Học sinh đã có cơ hội lựa chọn học theo sở thích, năng lực tốt hơn rõ rệt so với trước khi thực hiện tự chủ đại học kết hợp với những đổi mới về thi, tuyển sinh. Tỉ lệ hài lòng của doanh nghiệp khi tuyển dụng sinh viên tại các trường tăng lên rõ rệt về kỹ năng làm việc nhóm, tự tin bày tỏ ý kiến. Việc thực hiện dân chủ trong trường học tốt hơn. Thu nhập của giáo viên tăng lên.

"Chúng ta đã đi đúng, làm tốt, nhưng vẫn cần phải cố gắng hơn nữa để bắt kịp và vượt các nước trong khu vực", Phó Thủ tướng nói; đồng thời nhấn mạnh một số nguyên tắc, nhiệm vụ để tiếp tục đẩy mạnh tự chủ đại học trong thời gian tới.

Nhắc lại 4 mục tiêu quan trọng khi thực hiện tự chủ đại học, Phó Thủ tướng nêu rõ, trước hết phải phát triển tốt hơn nguồn nhân lực chất lượng cao, một trong 3 đột phá chiến lược cả về số lượng và chất lượng. Cần bảo đảm công bằng hơn cho mọi người trong tiếp cận giáo dục đại học ở chất lượng cao. Sử dụng tốt hơn nguồn lực con người, nguồn lực tài chính. Việc thay đổi mô hình quản trị các trường đại học theo hướng tiên tiến, hình mẫu của không gian hoạt động có tính khoa học và văn hóa, từ đó lan tỏa các giá trị tốt đẹp ra toàn xã hội.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, "tự chủ, tự quản không phải là tự do, tự lo, không có quản lý nhà nước". Các trường đại học tự chủ phải tuân thủ pháp luật, gắn với trách nhiệm giải trình và phải theo xu thế hội nhập quốc tế, hướng tới chất lượng ngang tầm khu vực, một số bộ môn, chuyên ngành tiến thẳng đến chất lượng quốc tế. Bộ GD&ĐT tiếp tục hướng dẫn kiểm định, xếp sao, xếp hạng quốc tế… Nhất thiết, trường đại học phải là tiên phong trong chuyển đổi số, cổ vũ các mô hình mới, thí điểm một số ngành đào tạo, bộ môn có điều kiện thuận lợi.

Nhấn mạnh sứ mệnh sáng tạo tri thức của các trường đại học, Phó Thủ tướng yêu cầu cần phải có đổi mới đột phá trong nghiên cứu khoa học ở các trường đại học, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, trước hết tập trung vào những trường có năng lực, đồng thời tạo điều kiện cho giảng viên các trường khác cùng tham gia.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trao đổi bên lề hội nghị

"Thực tiễn cho thấy, đổi mới giáo dục, trong đó có giáo dục đại học phải theo đúng xu thế quốc tế, nhưng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam, một nước đang phát triển thu nhập thấp, khác biệt về văn hóa, truyền thống, nhất là phải phù hợp với thể chế chính trị của đất nước. Việc thực hiện tự chủ đại học là con đường một chiều không quay lại được". "Con đường này còn rất dài, rất khó, có nhiều điều mới chưa lường trước được, nhưng chúng ta phải cùng nhau vượt lên khó khăn, vượt qua chính mình, sẵn sàng thích ứng", Phó Thủ tướng khẳng định.

Trao đổi tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chỉ ra 4 yếu tố thúc đẩy thực hiện tự chủ đại học hiệu quả hơn. Đó là: đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm tiếp cận cũng như cách hiểu nội hàm khái niệm tự chủ đại học; tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý rõ ràng, đồng bộ và cơ chế giám sát chặt chẽ; phân biệt, làm rõ mối quan hệ giữa các thiết chế trong nhà trường, có sự phân công, phối hợp, phân vai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm trong công tác quản trị, quản lý và điều hành hoạt động nhà trường một cách hợp lý hơn; đổi mới cơ chế tài chính cho GDĐH, đồng thời nghiên cứu, đẩy mạnh xã hội hóa thông qua các hình thức hợp tác đối tác công tư trong GDĐH.

"Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cam kết, trong phạm vi trách nhiệm của mình, sẽ đồng hành với Bộ GD&ĐT thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững nền giáo dục Việt Nam theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ quá trình hội nhập và phát triển của đất nước thời kỳ cách mạng công nghệ số", ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh.

Chặng đường phía trước đã rõ ràng

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn tiếp nối chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam với khẳng định: "Trên con đường một chiều, đúng đắn, tất yếu và rất dài của tự chủ đại học, chúng ta đã đi được một chặng quan trọng, và chặng phía trước đã trở nên rõ ràng. Có thể nói, thời gian tới là thời kỳ tự chủ đại học bước vào giai đoạn mới, đi vào chiều sâu, hoàn thiện, chất lượng, với sự đầy đủ, phù hợp và tinh tế của nó".

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu kết luận hội nghị

Nhấn mạnh một số vấn đề trọng yếu về tự chủ đại học trong giai đoạn mới, Bộ trưởng nhắc đến bản chất của tự chủ đại học và khẳng định, "giao quyền tự chủ là cách nói có phần chưa được chính xác". Bản chất là thực hiện công nhận, thừa nhận, khẳng định quyền tự chủ của cơ sở giáo dục. Bởi quyền tự chủ như một thuộc tính của GDĐH, như một tất yếu cần có và phải có trong sự phát triển giáo dục bậc cao của cả thế giới. Quyền lực ấy tự thân đại học, lấy quyền lực của chuyên môn, tiếng nói của khoa học, của học thuật làm linh hồn quyền tự chủ của đại học.

Với bản chất đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề cập tới ba giá trị tốt đẹp, đáng trân quý do tự chủ đại học đem lại trong thời gian qua. Thứ nhất, làm cho các trường đại học trở thành một thực thể trưởng thành, bước vào giai đoạn của sự trưởng thành, tự kiểm soát hành vi, tự chịu trách nhiệm và mở đường cho sự kỳ diệu khác của sáng tạo, trí tuệ. Thứ hai, giải phóng những năng lực, khả năng, tiềm năng từ nội tại trường đại học. Có thể gọi đó là sự khai phóng từ bên trong và điều này mang giá trị rất to lớn cho xã hội. Thứ ba, thay đổi được chất lượng của đội ngũ, đem lại sức cạnh tranh rất lớn và cải thiện đáng kể môi trường học thuật, bầu không khí đối thoại, tự do, dân chủ trong học thuật - môi trường trong lành nuôi dưỡng sự sáng tạo.

"Do đó, chặng đường phía trước cần kiên quyết phải khai thông vướng mắc, loại bỏ rào cản, giải phóng tối đa các khả năng, năng lực của một trường đại học", Bộ trưởng nói.

Các đại biểu dự hội nghị

Đối với khó khăn vướng mắc, Bộ trưởng cho rằng, có hai nhóm chính, là nhóm giải quyết những vấn đề bên trong nội bộ của một thực thể tự chủ và nhóm giải quyết câu chuyện bên ngoài của thực thể tự chủ đó. Về hội đồng trường, Bộ trưởng lưu ý, thực thi quản trị đại học, hội đồng chỉ là một khâu còn quyền lực là của cả đơn vị, nếu phó thác quyền chỉ cho một hội đồng là một sai lầm.

Trước đây, quyền do bộ chủ quản áp dụng theo hình thức mệnh lệnh hành chính thì bây giờ quyền kiểm soát một đại học, trường đại học phải bằng mọi cách theo chiều ngược lại. "Chúng ta phải kiến tạo và xây dựng quyền kiểm soát và dẫn dắt một trường đại học từ dưới lên, phải từ nhu cầu của học thuật, phải từ tiếng nói quyền uy của các nhà khoa học để ngược trở lên kiến tạo "luật chơi" riêng của từng trường, để quyết định chiến lược, hướng đi của đơn vị ấy. Khi nào tiếng nói chuyên môn trở thành tiếng nói quyền uy có sức mạnh nhất thì khi đó tự chủ đại học mới đi vào đúng chiều sâu, bản chất nhất chứ không phải là sự loay hoay giao nhau các quyền hành chính", Bộ trưởng khẳng định.

Đề cập đến quản lý nhà nước thời kỳ tự chủ, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT sẽ rà soát các văn bản, quy định để tháo gỡ khó khăn, kiến nghị tới các cơ quan khác để cùng thấu hiểu, giải quyết; đồng thời ban hành sổ tay tự chủ đại học tới các cơ sở giáo dục cùng tập huấn, tăng cường phổ biến pháp luật trong tự chủ đại học.

"Chưa có một nền giáo dục đại học nào thành công theo mô hình "tự túc". Dù đầu tư từ nguồn nào, thì một trong các yếu tổ để đảm bảo chất lượng là chi phi đào tạo/sinh viên (định mức kinh tế kỹ thuật) phải đủ lớn. Hiện nay mức chi phí trung bình đào tạo đại học ở Việt Nam dưới 1000 đô la Mỹ/năm/sinh viên, chỉ bằng 1/20 chi phí của Australia. Trong các năm tới, Việt Nam cần phải nâng chi phí đào tạo lên, từ nhiều nguồn, chắc phải lên gấp 5 con số này trong 10 năm tới (tương đương với Thailand, và bằng 5-10% Mỹ, Australia hiện nay) để có điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo ở mức tối thiểu. Tự chủ đại học cần phải góp phần giải quyết vấn đề này. Do ngân sách hạn chế, Việt Nam chỉ thể tăng chi phí đào tạo/sinh viên theo 3 cách: (i) thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay, (ii) tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công để tối ưu việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học, (iii) tín dụng, vay tương lại tiêu cho hiện tại. Cách (i) không thể tăng học phí quá nhiều, cho nên sẽ đến lúc phải dùng đến cách (ii), giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% là tạm ổn (chẳng hạn mỗi năm giảm 5% chỉ tiêu trường công), cũng để tỷ lệ sinh viên trường công trường tư tương xứng với các nước khác trong khu vực. Cách (iii) cần có giải pháp và cách đi phù hợp, vì liên quan đến cả tín dụng đầu tư và tín dụng sinh viên" - TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường ĐH FPT.

"Để đảm bảo thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo nhà trường, cần có sự thống nhất, đồng lòng trong Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu trong các chủ trương lớn, các chiến lược phát triển của trường trong 5, 10 năm làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch phát triển hàng năm, từ đó mọi tổ chức, cá nhân đều phải chấp hành và cùng thực hiện chiến lược, kế hoạch đó. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các tổ chức Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu. Mối quan hệ giữa Đảng ủy, Hội đồng trường và Ban Giám hiệu thể hiện qua văn bản thống nhất giữa các bên dựa trên cơ sở pháp lý đã có. Tôn trọng chức trách và nhiệm vụ lẫn nhau. Nhận thức đúng về vai trò, trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức và từng thành viên trong tổ chức, với mục tiêu tối thượng "thực hiện thành công chiến lược phát triển của trường đã được thông qua". Khi có những vấn đề phát sinh cần gặp gỡ trao đổi, thống nhất giải pháp trước giữa Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch Hội đồng và Hiệu trưởng. Nếu có những vấn đề chưa thống nhất sẽ được tiếp tục thảo luận trong tập thể lãnh đạo. Quy định trong giao ban hàng tuần, giao ban hàng tháng của Ban Giám hiệu, luôn có sự hiện diện của Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch Hội đồng để nắm thông tin và cần thiết có ý kiến chỉ đạo". - GS.TS Nguyễn Đông Phong - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh.