Tham dự Hội nghị có TS.NGƯT. Trần Trung Dũng - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh; đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An; lãnh đạo một số trường THPT, THCS, Tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Về phía Nhà trường có GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng; các đồng chí trong Đảng ủy, Ban Giám hiệu, Hội đồng trường; Trưởng, phó các đơn vị trong trường và Ban Quản lý Chương trình ETEP.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng đã nhấn mạnh vị trí, vai trò, sứ mệnh và một số định hướng phát triển lớn của lĩnh vực Sư phạm trong sự phát triển của Trường Đại học Vinh. Tại Hội nghị này, Trường Đại học Vinh rất mong nhận được sự góp ý của các đơn vị liên quan cũng như các ý kiến từ các đơn vị trong Nhà trường để tiến tới thành lập Trường Sư phạm thuộc Trường Đại học Vinh, thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển lĩnh vực Sư phạm của Trường Đại học Vinh giai đoạn 2018 - 2022, tầm nhìn 2030. 

GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội nghị

Trong Đề án thành lập Trường Sư phạm thuộc Trường Đại học Vinh, Nhà trường xác định đây là bước đi đúng đắn, phù hợp với xu thể phát triển của Nhà trường. Dự kiến trong năm 2020, Nhà trường sẽ hoàn thành việc thành lập Trường Đại học Sư phạm Vinh với cơ cấu 17 ngành đào tạo đại học. 

TS. Nguyễn Anh Dũng - Trưởng phòng TCCB báo cáo Đề án thành lập Trường Sư phạm thuộc Trường Đại học Vinh

Đối với Chương trình phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP), giai đoạn 2017 - 2019, kết quả thực hiện của Chương trình đã được đánh giá chủ yếu trên 04 lĩnh vực:

- Năng lực Nhà trường được tăng cường để nâng cao hiệu quả đào tạo bồi dưỡng giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông;

- Xây dựng hệ thống đánh giá nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng của giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông để làm căn cứ xây dựng chương trình bồi dưỡng thường xuyên;

- Bồi dưỡng thường xuyên tại cơ sở cho đội ngũ giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông;

- Các giáo viên phổ thông và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông được truy cập các chương trình bồi dưỡng thường xuyên và các nguồn lực thông qua hệ thống công nghệ thông tin.

Nhìn chung, việc triển khai Chương trình ETEP tại Trường Đại học Vinh đã nhận được sự chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy và Ban Giám hiệu Nhà trường; sự đồng thuận ủng hộ của Hội đồng trường và các đơn vị trong trường. Nhà trường đã ưu tiên nhiều nguồn lực (nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất…) để triển khai các hoạt động; Chương trình ETEP - Trường Đại học Vinh nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của các Sở Giáo dục và Đào tạo thuộc các địa bàn được phân công.

Trong số các trường đại học sư phạm tham gia Chương trình ETEP, Trường Đại học Vinh là một trong các đơn vị có tiến độ triển khai thực hiện chương trình cao nhất. Cụ thể những nội dung/hoạt động nằm trong khả năng chủ động của Nhà trường thì đã được triển khai đúng tiến độ, có chất lượng. Các hoạt động/nội dung tăng cường năng lực sư phạm của Nhà trường đã được thực hiện có hiệu quả vì vậy Nhà trường đã đạt được điểm TEIDI theo như cam kết và đã được các đơn vị kiểm đếm độc lập của Chương trình ETEP xác thực. Công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán về mô-đun 1 đạt kết quả cao với tỷ lệ hơn 99% học viên hoàn thành nội dung, yêu cầu, đủ điều kiện để được cấp chứng nhận hoàn thành mô-đun 1. 

TS. Nguyễn Ngọc Hiền - Phó Hiệu trưởng, Trưởng Ban Quản lý Chương trình ETEP Trường Đại học Vinh báo cáo kết quả thực hiện Chương trình ETEP giai đoạn 2017 - 2019

Từ kết quả đánh giá giữa kỳ của Chương trình ETEP, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo PMU và các trường đại học sư phạm tham gia Chương trình ETEP, trong đó có Trường Đại học Vinh thực hiện một số điều chỉnh, cơ cấu lại các nội dung/hoạt động phù hợp mục tiêu ưu tiên trước mắt là triển khai tốt Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời cần đẩy nhanh tiến độ, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống LMS-TEMIS và bồi dưỡng giáo viên phổ thông cốt cán, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán các mô-đun 2, 3, 4.

Thảo luận tại Hội nghị, tất cả đại biểu, đặc biệt là lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, lãnh đạo các trường phổ thông đều đồng tình ủng hộ chủ trương thành lập Trường Đại học Sư phạm Vinh thuộc Trường Đại học Vinh; đánh giá cao kết quả của Chương trình ETEP do Trường Đại học Vinh triển khai, đặc biệt là trong việc bồi dưỡng giáo viên, chuẩn bị triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông mới và hỗ trợ các trường phổ thông trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục, triển khai bồi dưỡng giáo viên đại trà. Ý kiến từ các cơ sở giáo dục phổ thông đều mong muốn, Trường Đại học Vinh chú trọng triển khai tập huấn - bồi dưỡng về phương pháp giảng dạy theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; phân định rõ hơn đối tượng tham gia tập huấn - bồi dưỡng để xây dựng nội dung, chương trình phù hợp. Các ý kiến cũng đánh giá cao sáng kiến của Trường Đại học Vinh trong việc xây dựng nội dung bồi dưỡng kỹ năng phát triển chương trình Nhà trường.

TS.NGƯT. Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh phát biểu

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Thủy - Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học, Sở GD&ĐT Nghệ An phát biểu

Đồng chí Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng phát biểu

Kết luận Hội nghị, GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Nhà trường yêu cầu các đơn vị trong trường căn cứ vào ý kiến tham vấn của các đại biểu, đẩy nhanh triển khai Đề án thành lập Trường Đại học Sư phạm Vinh thuộc Trường Đại học Vinh. Về Chương trình ETEP, sắp tới, Trường Đại học Vinh sẽ tổ chức Hội nghị giảng viên sư phạm để làm rõ hơn công tác bồi dưỡng giáo viên phổ thông, đào tạo giáo viên theo CDIO.

GS.TS.NGƯT. Đinh Xuân Khoa kết luận Hội nghị

Trong công tác tự đánh giá năng lực sư phạm theo Bộ chỉ số TEIDI, Giáo sư Hiệu trưởng yêu cầu cần lên kế hoạch cụ thể, chi tiết để tăng điểm năng lực của Nhà trường phù hợp, từ đó giúp Nhà trường nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng; thể chế hóa thành công mối quan hệ giữa Nhà trường với các trường khác trong hệ thống sư phạm và với các trường phổ thông, các cơ quan quản lý giáo dục các cấp; đồng thời xây dựng được phương án sử dụng đội ngũ chuyên gia cùng tham gia vào quá trình bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phổ thông đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Bài và ảnh: HN