Bộ phận Truyền thông cũng mong rằng sẽ tiếp tục được đón nhận nhiều sáng tác về Trường của các thế hệ cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên, học viên.

 

THẦY CẨN CỦA TÔI

 

Tôi nhập học ở Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Vinh vào mùa Thu năm 1975 thì gặp và làm học trò của thầy Nguyễn Sỹ Cẩn.

Thầy quê Thị trấn Đô Lương, một dạo dạy học phổ thông, làm cán bộ, đi học đại học rồi được Trường Vinh giữ lại làm cán bộ giảng dạy, nên tuổi đời tuổi nghề thầy lúc đó đã chững chạc rồi... Hồi ấy, đất nước ta vừa hòa bình, thống nhất. Lòng người vô cùng hồ hởi, tin tưởng; tuy nhiên vừa thoát khỏi chiến tranh chống Mỹ, trường sơ tán vừa trở lại Vinh, nên cái ăn cái ở, sự học của cả thầy và trò chúng tôi còn rất nhiều thiếu thốn, vất vả. Bù lại, phải nói hồi đó, chúng tôi được thừa hưởng một đội ngũ nhà giáo thật giỏi về chuyên môn, thương yêu tận tình với học trò. Tương lai đang mở ra phía trước, nhìn ai cũng háo hức, cũng muốn làm một điều gì đó có ích cho bản thân và làng nước.

"Điều có ích" trước mắt của thầy trò chúng tôi là dạy và học. Có hai chỗ để tôi nhớ mãi về thầy Cẩn. Thứ nhất, thầy là một chuyên gia nghiên cứu, giảng dạy văn học giai đoạn Trung đại Việt Nam. Ở đấy, ai cũng biết là có Cụ Nguyễn Trãi. Thầy Cẩn rất tâm huyết với "Ức Trai lòng sáng tựa sao Khuê", có phải vì thế không mà lúc nào đám sinh viên chúng tôi cũng thấy ở thầy cái ung dung, đạo mạo, thanh thoát của một cốt cách trí thức tuy ẩn dật nhưng luôn lo đời. Và thế là, bọn chúng tôi hay đùa gọi thầy là "đồ đệ của Ức Trai". (Nếu tôi nhớ không nhầm, có thời gian, thầy còn đi đôi guốc mộc trong sinh hoạt tại khu nội trú cán bộ toàn tranh tre nứa mét). Ngay từ hồi ấy, thầy Cẩn đã được nhà trường cho xuất bản một cuốn sách, tập hợp hơn mươi bài viết về con người, văn chương Nguyễn Trãi. Sách in khổ nhỏ, giấy xấu, làm tài liệu tham khảo, được chúng tôi chuyền tay nhau đọc, ghi chép.

Và thứ hai, tôi nhớ, có thời gian dài thầy Nguyễn Sỹ Cẩn giữ "chức" Tổ trưởng Tổ Văn học Việt Nam, Khoa Ngữ văn. Những năm sau 75, một số trường cao đẳng, đại học phía Nam còn thiếu cán bộ giảng dạy giỏi, thì ngoài hướng dẫn cho sinh viên, cán bộ viết luận văn tốt nghiệp đại học, cao học (thạc sĩ), thầy Cẩn còn được mời đi thỉnh giảng ở Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn,... Với bất cứ ai, đặc biệt với lớp cán bộ trẻ trường giữ lại khoa công tác, thầy luôn trực tiếp nhắc nhở, đôn đốc việc học thêm, đọc thêm, nỗ lực để có công trình khoa học đăng tải trên các tạp chí chuyên ngành trung ương, và cuối cùng là "đoạt" cho được cái mác phó tiến sỹ. Sau này nghĩ lại, chợt thương thầy quá. Người nhắc nhở, thúc giục người khác làm cho được học hàm học vị lại là người cả đời chẳng có chút học hàm, học vị nào cả? Có phải vì thế mà thầy thấm thía, nôn nóng cho các thế hệ sau mình?!

Tổ Văn học Việt Nam 1 chụp ảnh chung, sau bữa liên hoan tại nhà thầy Chu Học Hiệu, trưa ngày 30/9/1989. Trong ảnh, hàng đầu, trái sang phải: Thầy Hoàng Minh Đạo, thầy Nguyễn Sỹ Cẩn, Thạch Thị Kim Hương, thầy Trương Xuân Tiếu; hàng sau, trái sang phải: Thầy Chu Học Hiệu, thầy Nguyễn Xuân Đức, Nguyễn Văn Hùng, và Phạm Tuấn Vũ.

Quả thật, đã xác định ở lại đại học thì phải thế, nên thế, nhưng do khổ quá, nghèo sinh ra hèn, ý chí vươn lên lại thấp quá ngọn cỏ, nên lời khuyên của thầy không phải cán bộ trẻ nào ở Khoa Ngữ văn cũng làm được. Tôi trong tổ với thầy Cẩn, bị thầy "thúc" nhiều lần, cũng đã vài lần ra Hà Nội, đến Viện Văn hóa dân gian, chỗ bác Nguyễn Xuân Kính đang làm việc, để tìm hiểu, đặt vấn đề. Nhưng mà nghèo quá, không đủ ăn đủ mặc, lấy đâu tiền để có học vị, đành rút lui khỏi Trường Vinh sang làm báo, làm văn sau 13 năm gắn với khoa và các thầy!

Còn nhớ đầu Xuân năm 1985, mừng sinh nhật thầy Cẩn tại nhà riêng của thầy Cẩn - cô Tuyết ở nhà B4, chung cư phường Quang Trung, TP. Vinh, tôi làm bài thơ tặng thầy, đọc luôn hôm đó:

 

Một tấc lòng

(Kính tặng Thầy Cẩn)

 

Tôi hình dung một ông Nguyễn Trãi

Tóc pha sương gậy trúc bước trong rừng

Hoa lá chim muông trò chuyện cùng ông

Thảng hoặc ngâm một dòng thơ mới.

 

Đã từng viết những câu văn dữ dội

Những câu văn gươm dáo lên đường

Những câu văn bẻ khóa những nhà giam

Những câu văn đốt lòng người như lửa...

 

Nhưng tôi biết trong ông còn gì hơn thế nữa

Ông ao ước Hòa bình, Nhân phẩm sáng trong

Nghe dắng dỏi cầm ve, lao xao chợ cá

Nghe khát vọng đớn đau một tiếng Ngu cầm.

 

Ông vẫn bước trong rừng, tóc pha sương, chống gậy

Và cứ đi cho tới rạng ngày

Bao vui khổ túi thơ đựng cả

Túi nhỏ quá mà đáy thì sâu quá

Thuở bấy giờ ai hiểu hết ông không

 

Bao thế kỷ vèo qua thơ cũng thăng trầm

Thơ như cuộc đời ông qua bến bờ lưu lạc

Giờ buồn khác mà vui cũng khác

Ai bây giờ hiểu hết ông không?

 

Thầy giáo tôi tóc đã hoa râm

Giảng cặn kẽ từng câu thơ mùa hạ

Vóc dáng Thi nhân ẩn sau cây lá

Hiện dần ra qua lời giảng của thầy...

 

Thời gian có là gì, thời gian chịu bó tay

Trước cái nhìn Ức Trai sáng trong, ưu ái

Thời gian cũng công bằng, chút ít thôi, dừng lại

Bên tấc lòng của một tri âm!

 

Thành phố Vinh, đầu Xuân 1985

(Rút từ tập "Tự thú", Hội VHNT Nghệ Tĩnh, 1991)

 

Năm 2004, nhà giáo Nguyễn Sỹ Cẩn vào tuổi 79. Sức khỏe xuống trông thấy. Sau gần một năm trời đổ tâm sức cùng một vài thi hữu soạn xong cuốn sách "Tuyển tập thơ Đường luật thế kỷ XX", thầy phải ra Hà Nội ba tháng theo yêu cầu con cái để dưỡng bệnh, được bác sĩ tài danh Nguyễn Tài Thu châm cứu. Tôi đến nhà riêng thăm thầy, thầy cho biết hiện phải nghỉ ngơi, có đọc cũng chỉ là đọc giải trí, còn viết lách thì tạm dừng. Nói thế, chứ vào dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh năm này, Báo Nghệ An cuối tuần vẫn đặt bài và đăng của thầy bài báo "Bỗng nghe vần thắng vút lên cao" tràn đầy tình cảm, trí tuệ của một nhà giáo lão thành, đã tích lũy, hệ thống được bao nhiêu kiến thức, kinh nghiệm, tình cảm về công việc "Giảng dạy thơ văn cổ Việt Nam" (tên một đầu sách của thầy, năm 1984). Sau 2 cuốn sách sưu tầm, dịch thuật, khảo cứu "La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp" (1998) và "Thơ Hồ Xuân Hương" giới thiệu một bản chữ Nôm mới phát hiện (2001), thầy Cẩn đang hào hứng hoàn thiện bản thảo cuốn "Thơ Trịnh Căn" khởi thảo từ thời còn chiến tranh chống Mỹ; và một cuốn nữa, tôi gặng hỏi mà thầy còn giấu tên...

Hồi ấy, tôi đang làm Báo Nghệ An, chuyên biên tập cho tờ cuối tuần. Sáng ngày 4/6/2004, nhà giáo Nguyễn Sỹ Cẩn tới thăm tòa soạn, theo thầy là nơi thân thiết thứ hai sau Khoa Ngữ văn. Mấy anh em làm báo cùng thầy ngồi đàm đạo ấm cúng bên chén trà, chừng tiếng đồng hồ. Ai cũng thấm buồn vì khi nghe thầy báo, sắp tới, do cả hai ông bà đều đã già yếu, phải rời Vinh ra Hà Nội ở với các con. Xa quê hương Đô Lương, xa đất và người Nghệ, xa đồng nghiệp, bạn văn bạn báo, xa gió Lào cát bỏng, chúng tôi thấy tấm thân gầy, mái tóc trắng xóa của thầy Cẩn lặng đi hồi lâu vì nhớ tiếc. Tôi nhanh ý xin thầy một kiểu ảnh kỷ niệm, rồi tiễn thầy xuống tận cầu thang bộ. Chợt nhớ hai câu thơ của Đại Thi hào Nguyễn Trãi, trong bài "Sau loạn, đến Côn Sơn cảm tác": "Trót hẹn suối rừng đâu nỡ phụ/ Cúi đầu cát bụi chỉ thương ta" (Nhà thơ Huy Cận dịch thơ).

Đúng hôm 13/7/2004, thầy Cẩn cùng cô Tuyết, phu nhân thầy, rời Vinh ra Hà Nội. Trưa ngày 4/11/2005 thì cô mất đột ngột, thầy gọi vào cho tôi khóc tức tưởi trong điện thoại. Đến ngày 10/12/2010, thầy Nguyễn Sỹ Cẩn ra đi mãi mãi. Tôi không ra dự đám tang thầy. Đúng hôm Giỗ đầu, mấy người con thầy đặt lên bàn thờ cha cuốn sách, gom một số bài viết của thầy cùng nhiều cảm nghĩ, thơ văn, câu đối bạn hữu viết tặng. Tôi ở Vinh nhận được một bản, do người con cả của thầy làm việc tại Viện Toán gửi vào. Cầm cuốn sách, tự dưng nước mắt cứ ứa ra... Thầy Cẩn ơi!!!

Nguyễn Văn Hùng