Toàn cảnh Hội thảo
Tham dự Hội thảo có Ông Lin Yi Min, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam (TECO); GS.TS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Kinh tế quốc dân, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư ngành Kinh tế; GS.TS. Lê Quốc Hội, Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế quốc dân; GS.TS. Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh; TS. Đinh Cao Khuê, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xuất khẩu Đồng Giao; các đại biểu đến từ các tổ chức quản lý nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Về phía Trường Đại học Vinh có TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Cúc, Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Thái Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Kinh tế; đại biểu nhiều đơn vị trong Trường và đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, cựu giáo chức, cựu sinh viên Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh.
Lãnh đạo Trường Đại học Vinh và Trường Kinh tế, Trường Đại học Vinh tặng hoa và quà lưu niệm cho các khách mời tham dự Hội thảo
Hội thảo là diễn đàn chuyên môn có chất lượng, mang tính kết nối cao dành cho các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà kinh tế, các học giả, giảng viên... trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực Kinh tế; là cơ hội để khẳng định uy tín và vị thế trong nghiên cứu khoa học của Trường Kinh tế nói riêng và Trường Đại học Vinh nói chung.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh nhấn mạnh: Sau đại dịch Covid-19, thế giới đối mặt với nhiều thách thức lớn liên quan đến khủng hoảng kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, và các vấn đề khác ảnh hưởng đến chất lượng sống của con người. Các thách thức này đòi hỏi các quốc gia cần hướng tới phát triển bền vững gắn với đổi mới, sáng tạo trong bối cảnh mới. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những thay đổi toàn diện đời sống kinh tế - xã hội - môi trường của các quốc gia. Vì vậy, để tận dụng những thành tựu và tạo động lực phát triển mới, nền kinh tế của các quốc gia cần có những thay đổi tích cực và thích nghi để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Qua các cuộc khủng hoảng, các khó khăn, thách thức, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng và vai trò quyết định của nội lực, tính tự chủ trong phát triển kinh tế. Vấn đề đặt ra là cần phải phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới. Vì vậy, tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực tăng trưởng là yêu cầu khách quan, tất yếu và cấp thiết nhằm bảo đảm tính liên tục, ổn định, bền vững, giúp đất nước tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, khơi thông nguồn lực, chống chịu trước các cú sốc, khủng hoảng từ bên ngoài, đồng thời giúp nền kinh tế tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững.
PGS.TS. Trần Bá Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo
Hội thảo khoa học quốc tế "Phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới" đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, cán bộ quản lý, chuyên gia nghiên cứu, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các đại biểu đến từ các tổ chức quản lý nhà nước, các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đã có hơn 200 bài viết được gửi về Ban Tổ chức Hội thảo với hàm lượng khoa học cao xoay xung quanh chủ đề của Hội thảo. Dưới góc nhìn tổng thể, Hội thảo tập trung chia sẻ các thông tin về tình hình thế giới, trong nước, không chỉ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, mà còn về vấn đề tăng trưởng, hồi phục, phát triển kinh tế sau đại dịch; dư địa của các chính sách tài khóa và tiền tệ, lắng nghe tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông Lin Yi Min, Phó Trưởng Đại diện Văn phòng Kinh tế và văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam (TECO) phát biểu
Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe 3 báo cáo đề dẫn, 12 nhóm tác giả trình bày tham luận tại 2 phiên chuyên đề với nhiều ý kiến tiếp cận đa chiều, toàn diện. Thông qua Hội thảo, Ban Tổ chức đã chuyển tải tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, lắng nghe ý kiến chia sẻ từ Trung ương đến địa phương, trong nước và quốc tế, giữa các chuyên gia trong nước và nước ngoài, các nhà nghiên cứu, giảng viên cũng như những cơ quan thực thi chính sách, các đối tượng thụ hưởng chính sách về phát triển bền vững kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mới.
Một số báo cáo tại Hội thảo
Sau 3 giờ làm việc tích cực, ngoài các nội dung các báo cáo của Hội thảo đã đề cập, các nội dung thảo luận của Hội thảo cũng đã khẳng định, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế ở Việt Nam, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh vai trò thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Ban Tổ chức trao giấy chứng nhận tham dự Hội thảo cho các báo cáo viên
PGS.TS. Thái Thị Kim Oanh, Hiệu trưởng Trường Kinh tế phát biểu bế mạc Hội thảo
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm
TT. ĐHV