Trong Sứ mạng đã công bố, Nhà trường nêu rõ: Trường Đại học Vinh là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và quốc tế. Các hoạt động khoa học và công nghệ của Nhà trường trong giai đoạn hiện nay tập trung mọi nguồn lực để thực hiện thành công Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ Trường Đại học Vinh giai đoạn 2018 - 2025, tầm nhìn 2030.

Trường Đại học Vinh

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Vinh lần thứ XXXII đã xây dựng chỉ tiêu về phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2020 - 2025: (i) Tổ chức tối thiểu 3 hội thảo khoa học quốc tế; triển khai 30 đề tài/dự án khoa học công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ, 10 đề tài/dự án khoa học công nghệ cấp Tỉnh; (ii) Có tối thiểu 3 nhóm nghiên cứu mạnh cấp quốc gia. Đến năm 2025 có một số nhóm nghiên cứu đạt trình độ và kết quả ngang tầm khu vực và quốc tế; (iii) Công bố quốc tế thuộc danh mục Web of Sciences và Scopus tăng 15 - 25% số lượng bài hàng năm và đạt mốc 100 bài/năm vào năm 2022.

Triển khai thực hiện Nghị quyết, Nhà trường đã đề ra nhiều giải pháp để tăng số lượng, và đặc biệt là chất lượng các chương trình, đề tài khoa học/dự án nghiên cứu, các công bố quốc tế. Nhà trường đã sớm có chủ trương hình thành các nhóm nghiên cứu, nghiên cứu mạnh để tham gia thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển khoa học và chuyển giao công nghệ. Từ năm 2019, Nhà trường đã thành lập các nhóm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khoa học công nghệ khác nhau. Hoạt động của các nhóm, lĩnh vực nghiên cứu đã mang lại những kết quả đáng khích lệ.

Ngày 30/12/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 109/2022/NĐ-CP Quy định về hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học, trong đó có quy định về nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh. Nghị định 109/2022/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023. Sau thời gian rà soát, kiện toàn và sắp xếp lại các nhóm nghiên cứu và nhóm nghiên cứu mạnh đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn được quy định của Nhà nước, đồng thời gắn với yêu cầu phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Nhà trường trong thời gian tới, Trường Đại học Vinh đã quyết định thành lập các nhóm nghiên cứu, nghiên cứu mạnh. Theo đó, ngày 08/3/2023, Hiệu trưởng Nhà trường đã ban hành Quyết định thành lập đợt 1 gồm 2 nhóm nghiên cứu mạnh và 7 nhóm nghiên cứu thuộc các lĩnh vực hoạt động khác nhau.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng trao Quyết định thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh

Đây là các nghiên cứu mạnh và các nhóm nghiên cứu đáp ứng đủ các điều kiện theo Nghị định số 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Quy định hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của Trường Đại học Vinh (Ban hành kèm theo Quyết định số 2345/QĐ-ĐHV ngày 09/9/2022 của Hiệu trưởng).

Theo các Quyết định của Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh, 2 nhóm nghiên cứu mạnh gồm:

- Quang học (Optics);

- Một số vấn đề chọn lọc của toán học hiện đại (Some selected problems of modern mathematics)

và 7 nhóm nghiên cứu gồm:

- Toán Giải tích (Mathemarical Analysis);

- Đa dạng thực vật và ứng dụng (Plant diversity and applications);

- Vật liệu tiên tiến (Advanced Functional Materials);

- Địa lý ứng dụng và phát triển bền vững (Applied geography and sustainable development);

- Kinh tế (Economics);

- Khoa học xã hội và nhân văn (Humanities and Social Sciences);

- Bệnh học và công nghệ nuôi thủy sản (Pathology and Aquacultural Technology).

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng trao Quyết định thành lập các nhóm nghiên cứu

Nhóm nghiên cứu mạnh là nòng cốt cho việc xây dựng và thực hiện các mũi nhọn nghiên cứu, cho ra đời các sản phẩm nghiên cứu cụ thể, có tính ứng dụng, giải quyết các vấn đề thực tiễn. Nhóm nghiên cứu mạnh là môi trường để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài và các nhà khoa học đầu ngành; đồng thời cũng chính là môi trường để thu hút các nhà khoa học đầu ngành và các nhân tài trong và ngoài nước đến làm việc. Nhóm nghiên cứu có vai trò quan trọng từ triển khai nghiên cứu đến đào tạo, chế thử, kết nối nhà khoa học với Nhà nước, doanh nghiệp và là cái nôi thúc đẩy sự ra đời của các phát minh, sáng chế và sản phẩm mới, và còn là môi trường để thúc đẩy khởi nghiệp.

Trường Đại học Vinh xác định xây dựng và phát triển được các nhóm nghiên cứu mạnh phải được xem như là một trong những giải pháp đòn bẩy đột phá, để phát triển tiềm lực, nâng cao chất lượng hoạt động KHCN và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Thông qua việc thành lập và đưa các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu đi vào hoạt động, Lãnh đạo Nhà trường mong muốn: Nâng cao chất lượng và số lượng các kết quả công bố trên các tạp chí khoa học có trong cơ sở dữ liệu WoS/Scopus; Tăng số lượng sáng chế, giải pháp hữu ích, tài sản trí tuệ được bảo hộ; Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn đời sống, sản xuất kinh doanh và góp phần thúc đẩy thành lập doanh nghiệp khoa học công nghệ trong Trường Đại học Vinh; Ưu tiên nghiên cứu, phát triển ứng dụng để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nghiên cứu phục vụ ngành giáo dục; Gắn kết hoạt động nghiên cứu với đào tạo trình độ cao; Góp phần tích cực nâng hạng đại học trong bảng xếp hạng đại học khu vực và thế giới.

Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo nói chung, để thúc đẩy hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhóm nghiên cứu nói riêng, nhiều chủ trương, chính sách (đầu tư kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KHCN, khen thưởng các công bố quốc tế, hỗ trợ về giờ giảng,...) đã được Nhà trường nghiên cứu, xây dựng, ban hành và thực hiện. Trong thời gian tới, Nhà trường sẽ tiếp tục nghiên cứu, ban hành thêm chính sách mạnh hơn nữa, đầu tư thỏa đáng hơn nữa với các nhóm nghiên cứu mạnh và nhóm nghiên cứu, tạo động lực thúc đẩy sự tăng trưởng nhảy vọt, đột phá trong hoạt động khoa học công nghệ và đào tạo của Nhà trường.

PGS.TS. Mai Văn Chung - Trưởng phòng Khoa học và Hợp tác quốc tế Trường Đại học Vinh cho biết: Theo kế hoạch phát triển đến năm 2025, Nhà trường quyết tâm đầu tư để có nhóm nghiên cứu mạnh đạt trình độ và kết quả ngang tầm khu vực và quốc tế; các nhóm nghiên cứu đã được thành lập sẽ trở thành nhóm nghiên cứu mạnh. Đồng thời, thành lập thêm các nhóm nghiên cứu mới để thúc đẩy sự phát triển hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo toàn diện trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu của Nhà trường.

Trường Đại học Vinh đã công bố Tầm nhìn trở thành đại học thông minh, xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, hướng đến tốp 1000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045. Vì vậy, tập trung để phát triển và thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là hướng đi đúng đắn để Trường sớm đạt được mục tiêu hội nhập quốc tế, trở thành Trung tâm nghiên cứu đổi mới sáng tạo khu vực Bắc Trung Bộ.

TT. ĐHV