Tham dự buổi làm việc về phía Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam có TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội; TS. Võ Thanh Bình, Trưởng ban Tổ chức Hiệp hội; ThS. Phạm Ngọc Lan, Trưởng Ban Công tác hội viên và ThS. Nguyễn Đăng Khoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội.

Về phía Trường Đại học Vinh có GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng; PGS.TS. Lưu Tiến Hưng, Hiệu trưởng Trường Sư phạm; ThS. Nguyễn Đức Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Thư viện Nguyễn Thúc Hào; TS. Trần Xuân Sang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chuyển giao công nghệ giáo dục số, Viện Nghiên cứu và Đào tạo trực tuyến.

Toàn cảnh buổi làm việc

Chia sẻ tại buổi làm việc, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết, Nhà trường là cơ sở giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, dẫn dắt sự phát triển giáo dục và đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ; là trung tâm nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy sự phát triển của quốc gia và quốc tế. Hiện Trường đang xây dựng thành Đại học, Tầm nhìn xếp hạng tốp 500 đại học hàng đầu châu Á vào năm 2030, hướng đến tốp 1000 đại học hàng đầu thế giới vào năm 2045. Năm 2024, Trường Đại học Vinh kỷ niệm 65 năm thành lập.

Từ năm 2021, Nhà trường đã bắt đầu tái cơ cấu bộ máy. Hiện trường có 3 trường thành viên là: Trường Sư phạm; Trường Kinh tế, Trường Khoa học xã hội và Nhân văn. Hiện nay, Trường đã và đang triển khai thực hiện Đề án chuyển Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh, xây dựng Trường thành đại học vùng theo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh chia sẻ về định hướng phát triển của Nhà trường

Thay mặt Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội ghi nhận những thành tích của Trường Đại học Vinh đã đạt được trong nhiều năm qua. TS. Lê Viết Khuyến cho biết, Hiệp hội kỳ vọng Trường Đại học Vinh sẽ phát triển thành một trong những trường đại học trọng điểm của Việt Nam bằng đôi chân và trí tuệ của chính mình.

Theo TS. Lê Viết Khuyến, muốn trở thành một đại học đa lĩnh vực, phải là một University với thực thể thống nhất, trong đó có những trường được tổ chức theo từng lĩnh vực, ví dụ như: sư phạm, kỹ thuật, nông nghiệp, quản trị kinh doanh,...

Muốn là một thực thể thống nhất, phát huy được sức mạnh tổng hợp thì các trường thành viên có thể độc lập về học thuật nhưng về tổ chức hoạt động đào tạo phải là một thực thể thống nhất.

TS. Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam trao đổi kinh nghiệm thực tiễn giáo dục đại học với lãnh đạo Trường Đại học Vinh

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã trao đổi một số kinh nghiệm rút ra được từ thực tiễn giáo dục đại học để Trường Đại học Vinh nhanh chóng trở thành một đại học đa lĩnh vực đích thực. TS. Lê Viết Khuyến cũng chia sẻ những kinh nghiệm về thực tiễn tự chủ đại học trong bối cảnh hiện này, và Hiệp hội sẵn sàng tư vấn cho các trường nếu có vướng mắc trong thực tiễn.

Phát biểu đáp từ, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh gửi lời chân thành cảm ơn đến Hiệp hội đã có những chia sẻ định hướng cho Nhà trường.

Theo định hướng của Nhà trường, khi xây dựng đề án chuyển Trường Đại học Vinh thành Đại học Vinh, Trường sẽ là một pháp nhân, sử dụng một bộ máy hành chính, phòng đào tạo phát triển thành ban đào tạo chung cho tất cả các trường. Các trường thành viên được tổ chức theo từng lĩnh vực.

Để làm được những việc này, vừa qua, Trường Đại học Vinh cũng là trường đại học duy nhất của cả nước ban hành Bộ chuẩn Đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo, là phần cốt lõi về chất lượng của hoạt động trường đại học, đặt ra những yêu cầu theo lộ trình phát triển ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu đảm bảo chất lượng theo quy định quốc gia và hướng tới hội nhập quốc tế.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm