Để hoàn thiện và ban hành, sáng ngày 22/9/2023, Trường Đại học Vinh tổ chức Hội nghị - Tập huấn lấy ý kiến hoàn thiện Bộ chuẩn nêu trên.

Tham dự có các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng trường, Ban Giám hiệu; thành viên Hội đồng Đảm bảo chất lượng; Trưởng, phó các đơn vị đào tạo và các đơn vị quản lý đào tạo; đông đảo giảng viên, viên chức các các đơn vị quản lý đào tạo và đảm bảo chất lượng. GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng chủ trì Hội nghị.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng cho biết, đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo đã và đang trở thành "văn hóa chất lượng" trong các cơ sở giáo dục đại học. Tuy vậy, khi kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học thì kết quả cho thấy điểm nghẽn của các cơ sở giáo dục đại học hiện nay là phát triển chương trình dạy học. Nguyên nhân chủ yếu là do các cơ sở giáo dục đại học chưa xây dựng đầy đủ hệ thống tài liệu để cụ thể hóa các tiêu chuẩn kiểm định vào thực tiễn đơn vị và chuyển tải tới tất cả các bên liên quan trong quá trình phát triển chương trình đào tạo.

Năm 2017, Trường Đại học Vinh đã xây dựng chương trình đào tạo theo mô hình CDIO được khởi xướng bởi Học viện MIT (Hoa Kỳ) và một số trường đại học hàng đầu Châu Âu. Việc áp dụng mô hình CDIO bước đầu đã tạo nên sự thay đột phá về công tác phát triển chương trình đào tạo của Nhà trường. Với sự bùng nổ của tri thức và công nghệ, yêu cầu của các bên liên quan (đặc biệt là nhà tuyển dụng) đối với người học không ngừng tăng lên, năm 2022, Nhà trường đã điều chỉnh tầm nhìn trở thành đại học thông minh, hướng tới các chuẩn mực quốc tế cho tất cả các ngành đào tạo được cụ thể hóa qua các yêu cầu về đảm bảo chất lượng chương trình đào tạo. Mặt khác, điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển chương trình đào tạo hiện nay là chưa đánh giá được kết quả học tập theo chuẩn đầu ra dẫn đến thiếu thông tin cốt lõi để thực hiện cải tiến chương trình đào tạo theo chu trình P-D-C-A.

Trước nhu cầu đó, Bộ chuẩn Đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo của Trường Đại học Vinh ra đời kèm theo hướng dẫn chi tiết phù hợp với thực tiễn phát triển của Nhà trường, các quy định của quốc gia, thông lệ quốc tế và giải quyết điểm nghẽn trong phát triển chương trình đào tạo.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng phát biểu khai mạc Hội nghị

Bộ chuẩn Đảm bảo chất lượng các chương trình đào tạo của Trường Đại học Vinh (Bộ chuẩn VU PQA 1.0) được xây dựng dựa trên Bộ chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo của Hiệp hội các trường đại học Đông Nam Á - phiên bản 4.0 (Bộ chuẩn AUN-QA 4.0) ban hành năm 2020, Bộ chuẩn CDIO - phiên bản 3.0 (Bộ chuẩn CDIO 3.0) ban hành năm 2022, bộ chuẩn kiểm định chương trình đào tạo của Việt Nam và mô hình tổ chức dạy học, đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra được phát triển bởi Trường Đại học Vinh. Cấu trúc của Bộ chuẩn VU PQA 1.0 được xây dựng tương tự cấu trúc Bộ chuẩn AUN-QA 4.0, bao gồm theo 8 tiêu chuẩn (53 tiêu chí). Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu của Bộ chuẩn CDIO - phiên bản 3.0, mỗi tiêu chuẩn trong Bộ chuẩn VU PQA 1.0 được cấu trúc thành các tiêu chí, được sắp xếp theo chu trình cải tiến chất lượng P-D-C-A; nội dung của các tiêu chí được tích hợp với các yêu cầu của 12 tiêu chuẩn của Bộ chuẩn CDIO 3.0.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng trình bày các nội dung chính của Dự thảo Bộ chuẩn VU PQA 1.0

Cùng với việc đáp ứng các yêu cầu theo Bộ chuẩn AUN-QA 4.0 và Bộ chuẩn CDIO 3.0, Bộ chuẩn VU PQA 1.0 tích hợp mô hình dạy học đảo ngược (Flipped learning) và dạy học hỗn hợp (Blended learning), trong đó việc thiết kế chương trình dạy học được áp dụng theo mô hình tương thích kiến tạo - CAM (Constructive Alignment Model) và mô hình đánh giá kết quả học tập theo chuẩn đầu ra. Bộ chuẩn VU PQA 1.0 cũng đặt ra mục tiêu chung là phát triển tất cả chương trình đào tạo của Trường Đại học Vinh đạt yêu cầu tối thiểu cả 53 tiêu chí (tương ứng với điểm 4/7 theo thang đo của Bộ chuẩn AUN-QA 4.0); 14 tiêu chí đạt kết quả xuất sắc (tương ứng với điểm 5/7 theo thang đo của Bộ chuẩn AUN-QA 4.0).

Toàn cảnh Hội nghị - Tập huấn

Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm đến đề cương chương trình đào tạo, đề cương học phần, cụ thể hơn là ma trận phân nhiệm PLO - CLO, trọng số đóng góp của các CLO cho PLO; công tác thi kiểm tra đánh giá; quy đổi điểm số thành điểm năng lực theo mức...

Trước đó, nhiều cán bộ, giảng viên cũng đã gửi góp ý cho Bộ chuẩn VU PQA 1.0. Các ý kiến tập trung về mẫu đề cương học phần, tổ chức hoạt động dạy học, khung chương trình dạy học... Nhìn chung, cán bộ, giảng viên đánh giá và đồng tình cao đối với Bộ chuẩn VU PQA 1.0, đặc biệt là tính logic và khả thi của Bộ chuẩn.

Một số ý kiến phát biểu tại Hội nghị

Giải đáp một số ý kiến của đại biểu, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng nhấn mạnh đây là phiên bản 1.0 của Bộ chuẩn VU PQA, trong quá trình áp dụng, nếu có các vướng mắc, cần bổ sung thì Ban soạn thảo tiếp tục phát triển tại các phiên bản tiếp theo; nhiều ví dụ được trình bày trong Bộ chuẩn đang là con số giả định, không phải bắt buộc phải theo. Ngoài ra, để thực hiện tốt hơn các yêu cầu đặt ra trong Bộ chuẩn này, Nhà trường khuyến khích các tập thể và cá nhân thực hiện thêm các hoạt động để nâng cao chất lượng.

Kết luận Hội nghị, GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Bộ chuẩn; đặc biệt hoàn thiện các tiêu chuẩn, tiêu chí đối với chương trình đào tạo thạc sĩ để sớm áp dụng từ đầu năm học 2023 - 2024. Đối với đào tạo đại học hệ chính quy, Hiệu trưởng yêu cầu các trường, khoa, viện áp dụng cho các chương trình đào tạo mới mở thực hiện theo tinh thần của Bộ chuẩn; các chương trình đào tạo còn lại sẽ dần chỉnh sửa đề cương chương trình, đề cương học phần để hướng tới tất cả chương trình đào tạo của Trường Đại học Vinh sẽ đạt chuẩn đảm bảo chất lượng.

GS.TS. Nguyễn Huy Bằng - Hiệu trưởng kết luận Hội nghị

Hiệu trưởng Nhà trường cũng giao cho Trưởng các đơn vị tiếp tục tổ chức cho đơn vị góp ý, lấy ý kiến theo nhóm và gửi về Trường đúng hạn theo công văn xin ý kiến. Theo kế hoạch, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý, hoàn thiện và ban hành Bộ chuẩn VU PQA 1.0 trong tháng 9/2023. Dự kiến Nhà trường sẽ công bố Bộ chuẩn VU PQA 1.0 tại Lễ khai giảng khóa đào tạo thứ 64 được tổ chức vào ngày 02/10/2023 tới.