Các tiết mục văn nghệ chào mừng

Tham dự có PGS.TS. Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La; Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam; Bà Phạm Thị Kim Tâm; Chủ tịch Mạng lưới người Tự kỷ Việt Nam; Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch Mạng lưới liên kết Giáo dục đặc biệt Việt Nam; TS. Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng giáo dục người Rối loạn phát triển, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia; TS. Đinh Nguyễn Trang Thu, Phó Trưởng khoa Giáo dục đặc biệt, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.

Về phía Trường Đại học Vinh có TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Trần Bá Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng; TS. Phạm Lê Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm; đông đảo các nhà khoa học, các giảng viên, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh của Nhà trường.

Đại biểu tham dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo còn có nhiều các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, giảng viên, giáo viên đến từ các trường đại học, các cơ sở giáo dục, các trung tâm giáo dục, chăm sóc người khuyết tật trên cả nước.

Trong những năm qua, vấn đề chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt đang dành được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Các cơ sở chăm sóc, giáo dục cho nhóm trẻ này cũng được dần mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng. Hội thảo "Phát triển mạng lưới liên kết các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt" tạo diễn đàn trao đổi, chia sẻ những mô hình về tổ chức và hoạt động của các cơ sở chăm sóc, can thiệp, trị liệu và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt. Trên cơ sở đó, bàn luận về việc xây dựng, phát triển mô hình của các cơ sở chăm sóc và can thiệp cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Việt Nam, hướng đến mục tiêu nhằm tạo ra một diễn đàn cùng trao đổi, cập nhật thông tin, chia sẻ những mô hình và các phương pháp đánh giá, can thiệp liên ngành có bằng chứng, đảm bảo đạo đức nghề dành cho người có rối loạn phát triển.

Toàn cảnh Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, thay mặt Lãnh đạo Nhà trường, TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh vui mừng khi được Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam tin tưởng phối hợp tổ chức Hội thảo. Trường Đại học Vinh mặc dù chưa có đào tạo chuyên ngành giáo dục học sinh khuyết tật; nhưng có nhiều khoa, ngành (Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học, Công tác xã hội) có các học phần đào tạo liên quan đến hỗ trợ và giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật. Bên cạnh đó, Trường Đại học Vinh cũng luôn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan, các tổ chức trong công tác đào tạo, hỗ trợ người khuyết tật. Trong quá trình giáo dục và đào tạo, Nhà trường mong muốn có thêm nhiều đóng góp hơn nữa để góp phần cùng với Nhà nước, các cơ quan, ban ngành làm tốt công tác chăm sóc và can thiệp cho trẻ khuyết tật, trẻ có nhu cầu đặc biệt.

TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh phát biểu chào mừng Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam cho biết, ngày 24/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 427/QĐ-TTg về Quy hoạch hệ thống các cơ sở giáo dục chuyên biệt và hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện Quyết định này, tất cả các Tỉnh/Thành phố trên cả nước đều phải có quy hoạch hệ thống các cơ sở can thiệp, chăm sóc và giáo dục cho người khuyết tật. Khi các Tỉnh/Thành phố có các cơ sở chăm sóc, hỗ trợ và giáo dục cho người khuyết tật thì việc phát triển Mạng lưới liên kết các cơ sở này là một điều tất yếu.

Ông Đặng Văn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội về người khuyết tật Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo

Sau 1 năm thành lập Mạng lưới liên kết giáo dục đặc biệt Việt Nam, Hội thảo "Phát triển mạng lưới liên kết các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt" là Hội thảo đầu tiên do Mạng lưới tổ chức. Hội thảo đã được sự hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, giảng viên, giáo viên đến từ các trường đại học, các cơ sở giáo dục, các trung tâm giáo dục, chăm sóc người khuyết tật trên cả nước. Đã có 30 báo cáo gửi về Ban Tổ chức Hội thảo, trong đó có 2 báo cáo từ nước ngoài. Trong 1,5 ngày diễn ra Hội thảo, đại biểu sẽ được nghe 13 báo cáo và thảo luận, tập trung về cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức và hoạt động của các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt; nguồn nhân lực và tiêu chuẩn của các mô hình can thiệp sớm, giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt; vận hành các mô hình can thiệp sớm, giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Việt Nam.

TS. Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng giáo dục người Rối loạn phát triển, Trung tâm Giáo dục đặc biệt quốc gia báo cáo Thực trạng mạng lưới các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Việt Nam

TS. Uchida Osao, Chuyên gia giáo dục đặc biệt của Nhật Bản báo cáo Tổng quan về hỗ trơ cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Nhật Bản

Sau phiên toàn thể vào sáng ngày 16/12/2023 tại Hội trường A, Trường Đại học Vinh, chiều cùng ngày, Hội thảo sẽ được chia thành 2 chuyên đề: Chuyên đề 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về tổ chức, hoạt động của các cơ sở chăm sóc, can thiệp, trị liệu và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt; Chuyên đề 2: Vận dụng các phương pháp có bằng chứng khoa học trong chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt.

Chủ trì Hội thảo

Cũng trong khuôn khổ Hội thảo, đại biểu sẽ có chuyến tham quan học tập tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Biển Dương - một cơ sở can thiệp, giáo dục và trị liệu cho trẻ có nhu cầu đặc biệt lớn nhất ở tỉnh Nghệ An với hơn 500 học sinh và gần 100 cán bộ, giáo viên, nhân viên.

Đại biểu chụp ảnh lưu niệm

Hội thảo Phát triển mạng lưới liên kết các cơ sở chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt khi vấn đề chăm sóc, can thiệp và giáo dục cho trẻ có nhu cầu đặc biệt đang dành được rất nhiều sự quan tâm của xã hội. Hiện Việt Nam có khoảng 1,1 trẻ em khuyết tật độ tuổi dưới 16 tuổi. Số liệu thống kê của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng cho thấy số trẻ khuyết tật là 1.3 triệu trẻ. Tính theo tỷ lệ thì tỷ lệ người khuyết tật nói chung ở nước ta chiếm 7,06% dân số, trong đó tỷ lệ khuyết tật của trẻ em từ 02 đến 17 tuổi là 2,83% (trẻ em 02 - 15 tuổi là 3,02%). Có thể thấy, số lượng trẻ em khuyết tật là không nhỏ ở Việt Nam hiện nay.

TT. ĐHV