Hội thảo là diễn đàn nghiên cứu, trao đổi giữa các giáo viên phổ thông và nhà khoa học, các nhà quản lý về định hướng tổ chức dạy học, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch sử, Lịch sử và Địa lý; xác định vị thế và những yêu cầu đặt ra trong giảng dạy đối với môn Lịch sử với tư cách là môn học và thi tốt nghiệp bắt buộc trong thời gian tới. Đây cũng là sự kiện chào mừng Khoa Lịch sử Trường Đại học Vinh tròn 55 năm xây dựng và phát triển (1968 - 2023).

Quang cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có TS. Nguyễn Duy Thụy, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội Vùng Tây Nguyên; PGS.TS. Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Khoa Sư phạm Khoa học Xã hội, Trường Đại học Sài Gòn; TS. Nguyễn Văn Ninh, Trưởng Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị có quan hệ nghiên cứu, hợp tác với Khoa Lịch sử; các giáo viên giảng dạy lịch sử ở các trường đại học, cao đẳng, các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và cả nước.

Về phía Trường Đại học Vinh có TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; PGS.TS. Lưu Tiến Hưng, Hiệu trưởng Trường Sư phạm; PGS.TS. Trần Vũ Tài, Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm; TS. Lê Thế Cường, Trưởng khoa Lịch sử; đông đảo các nhà khoa học, giảng viên, sinh viên, cựu giáo chức, cựu sinh viên khoa Lịch sử, Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh.

TS. Nguyễn Anh Chương, Thư ký Hội đồng trường giới thiệu đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh nhấn mạnh: Hội thảo này thực sự có ý nghĩa khi được tổ chức trong bối cảnh Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đi vào cuộc sống; Chương trình Giáo dục phổ thông mới đã triển khai được 5 năm và nhận được sự quan tâm lớn của xã hội; thực tiễn dạy học nói chung, dạy học môn Lịch sử, Lịch sử và Địa lý nói riêng xuất hiện những vấn đề cần được nghiên cứu, trao đổi, thảo luận.

Theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chương trình giáo dục phổ thông, môn học Lịch sử và Địa lý cấp Trung học cơ sở là một trong những môn học tích hợp, đã và đang triển khai đối với lớp 6, 7, 8; theo Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT ngày 3/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông, môn Lịch sử ở cấp Trung học phổ thông là môn học bắt buộc, đã và đang triển khai đối với lớp 10, 11.

TS. Nguyễn Ngọc Hiền, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Vinh phát biểu khai mạc Hội thảo

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, việc tổ chức dạy học, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch sử bên cạnh những ưu điểm đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc đối với các trường Trung học cơ sở và giáo viên. Hội thảo là dịp các nhà khoa học, các thầy cô giáo cùng nhau nghiên cứu, trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt hơn việc triển khai dạy học môn Lịch sử, Lịch sử và Địa lý theo Chương trình giáo dục phổ thông mới; xa hơn nữa là góp phần thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo mà Đảng đã đề ra.

Là một trong bảy trường đại học sư phạm chủ chốt của cả nước, Trường Đại học Vinh luôn chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên. Trước thực trạng dạy - học môn Lịch sử ở các trường phổ thông hiện nay, Trường Đại học Vinh nhận thấy cần có sự nghiên cứu, trao đổi của các nhà khoa học, nhà quản lý, giáo viên nhằm phát triển Chương trình đào tạo và Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử và Địa lý, Lịch sử gắn với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên.

Chủ trì Hội thảo

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, TS. Lê Thế Cường, Trưởng khoa Lịch sử cho biết: Ngày 28/12/2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ban hành Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Môn học Lịch sử và Địa lý cấp Trung học cơ sở là một trong những môn học tích hợp, chương trình và sách giáo khoa đã được đưa vào giảng dạy ở khối lớp 6, 7, 8.

Ngày 03/8/2022, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, môn Lịch sử ở cấp Trung học phổ thông là môn học bắt buộc.

Những trao đổi xung quanh việc môn Lịch sử sẽ thực hiện thi bắt buộc hay không từ năm 2025 đang còn nhiều ý kiến khác nhau. Điều đó khiến cho việc nghiên cứu về phương án thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, đổi mới giảng dạy, kiểm tra đánh giá môn Lịch sử ở trường Trung học phổ thông càng trở nên bức thiết.

TS. Lê Thế Cường, Trưởng khoa Lịch sử báo cáo đề dẫn Hội thảo

Hội thảo Nghiên cứu, giảng dạy môn Lịch sử, Lịch sử và Địa lý theo Chương trình giáo dục phổ thông mới được tổ chức trong không khí phấn khởi chào mừng năm học mới 2023 - 2024, chào mừng kỷ niệm 55 năm thành lập Khoa Lịch sử. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, cựu giảng viên, học viên và sinh viên khoa Lịch sử từ Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Kon Tum, Phú Yên, Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh. Nội dung các báo cáo rất phong phú với hàm lượng khoa học cao xoay xung quanh chủ đề của Hội thảo. Dưới góc nhìn tổng thể, Hội thảo tập trung quan điểm của các giáo viên phổ thông đối với việc dạy và học môn Lịch sử.

Đại biểu sinh viên, học viên ngành Lịch sử tham dự Hội thảo

Tại Hội thảo, đại biểu đã được nghe các báo cáo của TS. Đoàn Minh Điền, Trường THPT Thành Sen, TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh trình bày về thực trạng dạy học Lịch sử ở trường trung học phổ thông tại Hà Tĩnh sau một năm triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới; báo cáo của ThS. Trịnh Thị Hải, Trường THCS Cửa Nam, TP. Vinh, tỉnh Nghệ An trình bày về thực trạng dạy học môn Lịch sử - Địa lý lớp 6, lớp 7 ở các trường trung học cơ sở hiện nay; báo cáo của TS. Nguyễn Thị Hằng Nga, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, tỉnh Nghệ An và ThS. Nguyễn Thị Lĩnh, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh trình bày về phát triển năng lực tư duy phản biện cho học sinh trong dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch sử lớp 11.

Các báo cáo tại Hội thảo

Ngoài các báo cáo của các giáo viên phổ thông, Hội thảo còn được nghe báo cáo của TS. Nguyễn Văn Ninh và ThS. Trần Anh Quý, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội trình bày về tổ chức dạy học phân hoá chủ đề "Một số nền văn minh trên đất nước Việt Nam (trước năm 1858)" theo định hướng nghề nghiệp của học sinh; báo cáo của TS. Trần Hạnh Lợi, Trường Đại học Sài Gòn trình bày về vấn đề đào tạo công dân toàn cầu trong Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử hiện nay...

Các báo cáo tại Hội thảo

Nhìn chung, các báo cáo của Hội thảo tập trung vào những nội dung chính: Nghiên cứu thực trạng và giải pháp trong triển khai dạy học môn Lịch sử, Lịch sử và Địa lý ở trường phổ thông, đào tạo giáo viên môn Lịch sử ở trường đại học; Đổi mới dạy học môn Lịch sử ở trường trung học phổ thông, trung học cơ sở.

PGS.TS. Trần Vũ Tài, Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm, Trường Đại học Vinh điều hành nội dung thảo luận

Một số phát biểu trực tiếp tại Hội thảo

Sau 3 giờ làm việc tích cực, ngoài các nội dung các báo cáo của Hội thảo đã đề cập, các nội dung thảo luận của Hội thảo còn tập trung vào những vấn đề mới liên quan đến việc nghiên cứu và giảng dạy lịch sử như: vị thế môn Lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông mới; xác định môn thi tốt nghiệp THPT bắt buộc/tự chọn; vấn đề dạy học tích hợp Lịch sử và Địa lý cấp Trung học cơ sở; thiết kế chương trình và giảng dạy Chương trình giáo dục địa phương; tổ chức dạy học, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá môn Lịch sử ở trường phổ thông... Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đào tạo, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy môn Lịch sử, Lịch sử và Địa lý trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 gắn với nhu cầu thực tiễn về giáo dục của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.

PGS.TS. Trần Vũ Tài, Phó Hiệu trưởng Trường Sư phạm thay mặt chủ trì kết luận Hội thảo

TT. ĐHV