Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là "At the frontline of climate action" - "Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu". Qua đó, có thể thấy những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu là vấn đề toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó rủi ro thiên tai, đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu; đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cộng đồng nhằm chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ngày Khí tượng Thế giới ra đời vào ngày 23 tháng 3 năm 1950, kể từ khi Công ước thành lập Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) có hiệu lực. Công ước này thể hiện sự đóng góp thiết yếu của các Cơ quan Khí tượng Thủy văn quốc gia đối với sự an toàn và thịnh vượng của xã hội.
Mục tiêu Phát triển Bền vững số 13 "Thực hiện hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của Biến đổi khí hậu" được Liên Hợp Quốc thông qua và cam kết rằng Mục tiêu này là nền tảng hỗ trợ việc thực hiện tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác.
Các hoạt động của WMO và các nước thành viên có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững.
Nhiệm vụ này mang ý nghĩa xã hội vô cùng lớn, cụ thể là:
- Xóa đói giảm nghèo; cải thiện sức khỏe cả về thể chất và tinh thần;
- Đảm bảo nguồn nước và năng lượng sạch;
- Bảo vệ sự sống toàn cầu;
- Tăng cường khả năng chống chịu trước các tác động của Biến đổi khí hậu cho tất cả mọi quốc gia, vùng lãnh thổ.
Dự báo thời tiết và khí hậu hỗ trợ thúc đẩy sản xuất lương thực và tiến gần hơn tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Việc tích hợp giữa thông tin dịch tễ học và thông tin khí hậu giúp tăng cường hiểu biết và quản lý các bệnh nhạy cảm với khí hậu. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sớm hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo bằng cách tạo thêm các cơ hội chuẩn bị sẵn sàng cho người dân và hạn chế tối đa tác động của thời tiết cực đoan đến cộng đồng.
WMO cùng các đối tác đang thúc đẩy toàn bộ chuỗi giá trị, từ khoa học, dịch vụ đến hành động vì lợi ích xã hội. Những giá trị này hỗ trợ nâng cao hiểu biết về hệ thống Trái đất của chúng ta, giám sát khí hậu và tài nguyên nước, cung cấp thông tin khoa học hỗ trợ việc giảm phát thải khí nhà kính và các dịch vụ khí hậu cũng như cảnh báo sớm để hỗ trợ việc thích ứng với biến đổi khí hậu.
Chúng ta đồng lòng thúc đẩy nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong các hoạt động khí tượng thủy văn bởi khoa học chính là một trong những giải pháp thúc đẩy Mục tiêu phát triển bền vững toàn diện.